Chữ "Hậu sinh" ở đây là chỉ lớp người trẻ , hay thanh thiếu niên. Còn chữ "Úy" có nghĩa là kính phục. "Hậu sinh khả úy" có nghĩa là lớp trẻ có thể vượt xa cha ông của họ, đáng được tôn trọng. Khen ngợi lớp người trẻ thông minh, siêng năng, tương lai sáng sủa .
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Luận ngữ - Tử hãn".
Khổng Tử đang trên đường đi du lịch thì gặp ba đứa trẻ, có hai đứa đang vui đùa rất thích thú, còn đứa kia thì chỉ đứng đó xem. Khổng Tử thấy lạ mới hỏi đứa trẻ này tại sao lại không cùng chơi với chúng bạn.
Đứa trẻ thật thà nói: " Đánh vật nhau quyết liệt rất dễ phương hại đến sinh mạng con người, còn cứ lôi kéo xô đẩy nhau thì rất dễ bị thương, dù chỉ kéo rách áo quần thôi, thì cũng chẳng có lợi gì cho cả đôi bên, cho nên cháu không tham gia chơi với chúng nó".
Một lúc sau, đứa trẻ này dùng đất đắp thành một thành lũy, rồi ngồi ở trong đó không ra, không nhường lối cho xe của Khổng Tử. Khổng Tử thấy vậy mới hỏi sao lại không nhường lối cho xe đi. Đứa trẻ đáp: "Tôi chỉ nghe người ta nói xe phải vòng qua thành mà đi, chứ làm gì có thành lũy lại nhường lối cho xe đi bao giờ".
Khổng Tử nghe vậy rất kinh ngạc, cảm thấy đứa trẻ này người tuy nhỏ nhưng rất ranh mãnh, mới nói rằng: " Người nhỏ tuổi mà hiểu biết lý lẽ thật không ít ".
Đứa trẻ đáp rằng: "Cháu nghe nói, cá con sinh ra được ba ngày đã biết bơi, thỏ con sinh ra được ba ngày đã biết chạy, ngựa con sinh ra được ba ngày đã biết đi theo mẹ, đây là việc rất bình thường, chứ có lạ gì đâu mà đáng nói".
Khổng Tử nghe xong bèn than rằng: "Hậu sinh khả úy, lớp trẻ thời nay thật là ghê gớm".
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ " Hậu sinh khả úy" để khen ngợi lớp trẻ vượt xa cha ông của mình, là điều đáng quý; Khen ngợi thanh thiếu niên thông minh, chăm chỉ, tương lai sáng sủa.
|