Từ khi chính phủ khóa mới của TQ thành lập đến nay, phương châm ngoại giao với các nước xung quanh “thân thiện với láng giềng, đối tác với láng giềng” và “láng giềng hữu nghị, láng giềng ổn định, láng giềng giàu mạnh” của TQ đang được thực hiện, giữa TQ với các nước xung quanh đang hình thành một cục diện kinh tế tác động qua lại và cùng nhau giành thắng lợi.
Ông Trương Tiểu Tế, trưởng ban kinh tế đối ngoại Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện TQ nói, phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với các nước xung quanh đã trở thành một trọng điểm nữa trong hợp tác kinh tế-thương mại của TQ. TQ không ngừng áp dụng các biện pháp thực chất, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác kinh tế-thương mại khu vực thông qua hình thức tiến hành đồng thời sự hợp tác kinh tế-thương mại song phương và đa phương.
Năm ngoái, TQ và A-xê-an đạt được hiệp nghị khung về xây dựng khu mậu dịch tự do trong vòng 10 năm, và năm nay hai bên đã bước vào giai đoạn đàm phán. TQ và Thái Lan còn đạt được phương án “thu hoạch sớm”, hai nước đã hạ mức thuế quan của 188 sản phẩm rau quả xuống còn 0% kể từ ngày 1-10.
Tháng 10-2003, tại In-đô-nê-xi-a, các nhà lãnh đạo ba nước TQ, Nhật và Hàn Quốc đã ký tuyên bố chung về thúc đẩy sự hợp tác ba bên. Tại hội nghị, thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo đã đề nghị tiến hành nghiên cứu khả thi về việc xây dựng khu mậu dịch tự do Đông Á. Về việc này, ông Trương Tiểu Tế nói, theo thời gian biểu đã đạt được, sang năm việc xây dựng khu mậu dịch tự do A-xê-an - TQ sẽ có bước phát triển hơn nữa, thậm chí có thể khởi động cuộc đàm phán về khu mậu dịch tự do A-xê-an - TQ, Nhật và Hàn Quốc.
Các chuyên gia nêu rõ, việc TQ tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với các nước xung quanh là suy xét đến chiến lược lâu dài.
Theo thống kê, trong số các đối tác thương mại xếp 10 ngôi đầu của TQ trong năm nay có 7 đối tác là thuộc các nước và khu vực xung quanh như Nhật, Hồng Công, Hàn Quốc, tỉnh Đài Loan TQ, Ma-lai-xi-a, Sinh-ga-po và Nga. Tổng kim ngạch thương mại giữa TQ với các Khu vực Đông Á, Nam Á và Bắc Á năm 2002 đạt tới 222 tỷ 400 triệu đô-la Mỹ, chiếm trên một phần ba tổng kim ngạch ngoại thương cả năm đó của TQ. Trong khi đó, năm 1992 còn số này còn chưa đầy 50 tỷ đô-la Mỹ.
Ông Lục Kiến Nhân, trưởng phòng kinh tế Viện Châu Á-Thái bình dương thuộc Viện khoa học xã hội TQ nói: “kim ngạch thương mại với các nước và khu vực xung quanh tăng gấp 4 lần trong 10 năm đã nói lên các nước và khu vực xung quanh đang trở thành một trọng điểm nữa của ngoại thương TQ ngoài thị trường truyền thống Âu-Mỹ”.
Ông Từ Trường Văn, nghiên cứu viên, trưởng ban Á-Phi Viện hợp tác kinh tế-thương mại quốc tế Bộ Thương mại TQ nói, kinh tế TQ năm nay có sự biểu hiện tốt đẹp, xuất nhập khẩu tăng nhanh, trong đó xuất nhập khẩu với khu vực Đông Á đều chiếm 50% trong xuất nhập khẩu của TQ, 70% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TQ là đến từ Đông Á. Ông cho rằng, cùng với tình hình kinh tế của khu vực Đông Á tiếp tục chuyển biến tốt, quan hệ kinh tế-thương mại giữa TQ với các nước và khu vực xung quanh trong đó có Đông Á sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng.
Trên thực tế, đúng như lời nhận xét của lãnh đạo một số nước vậy, kinh tế TQ phát triển nhanh, người được lợi trước tiên sẽ là các nước và khu vực xung quanh. 3 qúi đầu năm nay, trong số 10 đối tác xuất siêu thương mại lớn đối với TQ thì có 7 đối tác là thuộc khu vực xung quanh. Nhập siêu của TQ với A-xê-an trong năm nay có thể vượt quá 10 tỷ đô-la Mỹ.
Sự hợp tác giữa TQ với các nước Nam Á và Trung Á cũng đang từng bước đi lên xa lộ dưới sự thúc đẩy của quan hệ chính trị phát triển nhanh chóng. Trong chuyến thăm TQ của thủ tướng Ấn-độ hồi tháng 6 năm nay, hai nước đã ký tuyên bố về nguyên tắc quan hệ và hợp tác toàn diện giữa hai nước, đã cung cấp sự đảm bảo về mặt chính trị cho việc đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước. Khi tiếp Bộ trưởng Công-thương mại Ấn-độ, Bộ trưởng Thương mại TQ Lã Phúc Nguyên nói, hai bên cần phải phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt tới 10 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2005.
Đúng như lời của thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo trong bài diễn văn tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao hồi tháng 11 vậy, những năm gần đây sự hợp tác dưới nhiều hình thức ngày càng được tăng cường dưới sự nỗ lực chung của các nước Châu Á. Một cục diện hợp tác cùng có lợi, lành mạnh và mở cửa đang hình thành.
|