Trung Quốc có 55 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc thiểu số đều có trang phục mang phong cách riêng của mình. Trang phục của dân tộc Cảnh Pha sinh sống tại tỉnh Vân Nam miền Tây Nam Trung Quốc vì có đặc sắc riêng của mình mà rất nổi bật. Nói đến trang phục truyền thống của dân tộc Cảnh Pha thì không thể không nói đến bà Bài Lộc Tiên, người kế thừa trang phục truyền thống dân tộc Cảnh Pha.
Dân số dân tộc Cảnh Pha có khoảng 110 nghìn người, chủ yếu tập trung cư trú tại châu tự trị dân tộc Cảnh Pha, dân tộc Thái Đức Hồng ở miền tây tỉnh Vân Nam. Song song với sự phát triển của hiện đại hoá, trong dân tộc Cảnh Pha, người mặc trang phục dân tộc đã rất ít, mà người biết dệt vải thổ cẩm truyền thống dân tộc lại càng ít. Để trang phục truyền thống của dân tộc Cảnh Pha không thất truyền, nhiều năm nay, bà Bài Lộc Tiên thuộc dân tộc Cảnh Pha luôn kiên trì sự nghiệp kế thừa và mở rộng trang phục dân tộc của mình.
Bà Bài Lộc Tiên năm nay đã 42 tuổi, tuy đã bước vào tuổi trung niên, nhưng phong thái vẫn rất thùy mị. Trong cửa hàng trang phục dân tộc Cảnh Pha do bà kinh doanh, có bầy bán rất nhiều đồ. Không những có trang phục dân tộc Cảnh Pha mang màu sắc, hoa văn truyền thống, như: váy ống, dây thắt lưng, khăn đội đầu v.v, còn có các đồ trang sức nhỏ như: khăn tay, đệm ngồi, búp-bê vải v.v, những vật trang sức nho nhỏ này không những giữ đặc sắc truyền thống của dân tộc Cảnh Pha mà còn phù hợp với sở thích của người hiện đại. Bà Bài Lộc Tiên với váy ống màu sắc rực rỡ nói:
“Những trang phục, khăn tay, đệm ngồi này v.v đều được phối hợp với những hoa văn, màu sắc đặc biệt, rất được hoan nghênh. Những trang phục và đồ trang sức này đều làm bằng thủ công, rất mất thời gian, nhưng bán không đắt, chỉ cần khách hàng hài lòng, là tôi cảm thấy vui mừng.”
Bà Bài Lộc Tiên giới thiệu rằng, trang phục dân tộc Cảnh Pha lấy 3 màu: màu đen, trắng, đỏ làm màu sắc chính, màu vàng, xanh, màu xanh da trời, màu nâu, màu tím v.v làm màu sắc phụ, những trang phục được dệt bằng màu sắc này sẽ rất rực rỡ, có cảm giác mạnh mẽ, đậm đà. Trong trang phục truyền thống, người phụ nữ dân tộc Cảnh Pha thích đội những khăn đỏ dệt bằng lông cừu, mặc áo ngắn màu đen, trên áo có trang trí những miếng bạc nhỏ, dưới thì mặc váy ống màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo, lưng còn buộc một thắt lưng đỏ. Trang phục của người đàn ông thì thường là màu đen.
Trong cửa hàng trang phục cuả Bà Bài Lộc Tiên, có thể nhìn thấy, trong các trang phục dân tộc, váy ống với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo là hấp dẫn nhất. Bà Bài Lộc Tiên nói, mỗi loại hoa văn trên váy ống đều đại diện một con vật hoặc cây cỏ, những hoa văn thường là hình con bướm, côn trùng, hoa gạo, con giun, quả bí xanh v.v, những hoa văn này đã thể hiện tình cảm yêu cuộc sống và yêu thiên nhiên của các cô gái dân tộc Cảnh Pha.
Mẹ của Bà Bài Lộc Tiên là một người phụ nữ dân tộc Cảnh Pha khéo tay, dệt giỏi, từ nhỏ bà đã theo mẹ học nghề dệt vải, đã nắm được kỹ nghệ dệt vải truyền thống, đồng thời bà còn tận dụng thời gian nhàn rỗi, vẽ các hoa văn và đồ án trên giấy mà mẹ đã dạy và biên thành một cuốn sách hoa văn. Để có thể phản ánh hoa văn truyền thống của thổ cẩm dân tộc Cảnh Pha một cách toàn diện, bà còn đi khắp nơi có người Cảnh Pha cư trú, và chỉnh lý tất cả những hoa văn và đồ án mà mình đã thu tập. Bà nói:
“Đặc sắc của trang phục dân tộc Cảnh Pha chủ yếu thể hiện trên thổ cẩm, trước kia những hoa văn của thổ cẩm rất phong phú đa dạng, có khoảng 300 loại, hiện nay có một số đã thất truyền, tôi chỉ thu tập và chỉnh lý được hơn 80 loại. ”
Bà nói, từ lâu nay, thổ cẩm dân tộc Cảnh Pha đều dệt bằng khung cửi gỗ truyền thống, bây giờ những người có tay nghề này đã rất ít. Để tay nghề này có thể lưu truyền, thập niên 90, bà Bài Lộc Tiên đã gom góp được hơn 200 nghìn nhân dân tệ xây dựng một xưởng dệt thổ cẩm dân tộc Cảnh Pha đầu tiên tại địa phương, toàn bộ sử dụng khung cửi gỗ truyền thống dệt thổ cẩm. Bà Bài Lộc Tiên nói:
“Nếu chúng tôi không biết may trang phục dân tộc Cảnh Pha, thì con cháu chúng tôi sẽ không có người biết nữa. Tôi rất có lòng tin về trang phục dân tộc Cảnh Pha, nếu có dịp, tôi sẽ bán sang Côn Minh, Bắc Kinh, thậm chí sang nước ngoài.”
Trong khi xây dựng xưởng dệt thổ cẩm, bà Bài Lộc Tiên còn mở một cửa hàng quần áo, chuyên bán sản phẩm do xưởng dệt thổ cẩm sản xuất, ngoài ra, bà Bài Lộc Tiên còn tích cực tham gia các hoạt động triển lãm và biểu diễn, để mở rộng ảnh hưởng của trang phục dân tộc Cảnh Pha. Bà còn nhiều lần tham gia triển lãm trang phục dân tộc tỉnh Vân Nam, triển lãm những thổ cẩm do bà tự tay may mặc, thu hút rất nhiều người trong nước và nước ngoài; Trong biểu diễn trang phục dân tộc tổ chức tại tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc, tay nghề dệt vải mà bà thể hiện trên khung cửi gỗ dân tộc Cảnh Pha nhận được sự ca ngợi của các chuyên gia và khán giả, mấy chục bộ trang phục dân tộc bà mang đi cũng bán hết.
Bà Bài Lộc Tiên còn tự hào nói với phóng viên rằng, hiện nay bà đã truyền tay nghề may mặc trang phục dân tộc Cảnh Pha mà bà đã học từ mẹ cho con gái. Bà nói, con gái bà năm nay 16 tuổi, đang học thiết kế mỹ thuật, và rất có hứng thú đối với việc thiết kế trang phục và sản phẩm thủ công mỹ nghệ của dân tộc Cảnh Pha. Trong cửa hàng trang phục của bà Bài Lộc Tiên, rất nhiều đồ trang sức nhỏ như khăn tay, đệm ngồi, búp-bê vải v.v đều do con gái bà thiết kế.
Bà Bài Lộc Tiên còn nói với phóng viên rằng, bây giờ bà đang tích cực kêu gọi thành lập một nhà bảo tàng trang phục dân tộc tại địa phương, bà nói:
“Nếu chính phủ xây dựng một nhà bảo tàng trang phục dân tộc, thì trang phục dân tộc Cảnh Pha có thể triển lãm cùng các loại trang phục dân tộc khác, như vậy không những có thể giữ nguyên vẹn trang phục truyền thống của các dân tộc, mà còn có thể khiến càng nhiều người tìm hiểu về văn hoá trang phục dân tộc thiểu số”.
|