Cách đây hơn 1700 năm, một chi của dân tộc Sen-pi di dời từ đông sang tây đến thung lũng Hà Hoàng, nơi đất đai phì nhiêu giữa lưu vực sông Hoàng Hà và sông Hoàng Thủy, thành lập một vương quốc lớn mạnh. Hơn 300 năm sau, vương quốc này bị dân tộc khác tiêu diệt, nhưng dân tộc Sen-pi không hề sa sút vì mất địa vị thống trị, họ tiếp thu tập tục, văn hoá của các dân tộc khác trong khu vực này, dần dần hoà nhập với họ hình thành một dân tộc mới – dân tộc Thổ.
Dân tộc Thổ là một trong những dân tộc thiểu số chỉ có ở tỉnh Thanh Hải miền tây Trung Quốc, dân số hiện nay vào khoảng 180 nghìn, chủ yếu tập trung cư trú ở huyện tự trị dân tộc Thổ ở miền đông bắc tỉnh Thanh Hải. Ở đây có con sông chảy xiết qua huyện, có thảo nguyên mênh mông, bò cừu hàng đàn, có bài hát du mục du dương; chuà lạt ma lúc ẩn lúc hiện giữa thung lũng, đâu đâu cũng toả hương thơm chè bơ...
Dân tộc Thổ gọi cô gái là “A-cu”. Trang phục của A-cu màu sắc sặc sỡ, ống tay ghép bằng màu đỏ, vàng, xanh, xanh lá cây, trắng … giống như một khúc cầu vồng cắt từ trên trời xuống, vì vậy người ta gọi huyện Hỗ Trợ là “vùng đất cầu vồng mọc lên”, dân tộc Thổ đương nhiên là dân tộc giỏi múa cầu vồng.
Dân tộc Thổ nhiệt tình hiếu khách, nếu bạn đến thăm quê hương người Thổ, dù quen hay không quen, họ đều đón tiếp nhiệt tình và chu đáo. “Khách đến tức là phúc đến.” Họ rất tin vào câu nói này. Đấy, khách vừa đến nhà, A-cu đã nhiệt tình đón chào bằng tiếng dân tộc Thổ.
“Xin chào các vị khách quý đến với quê hương người Thổ chúng tôi, chúng tôi sẽ chiêu đãi các vị bằng những món ăn ngon nhất, rượu thơm nhất và bài hát ngọt ngào nhất, để lại cho quý vị những ấn tượng tốt đẹp nhất.”
Người Thổ coi 3 là con số may mắn, coi rượu Thanh Khoa là đồ giải khát tốt nhất để chiêu đãi khách, đồng thời bày tỏ tình cảm bằng bài hát êm dịu. Khách vừa đi đến trước cửa, chủ nhà đã dâng “ba chén rượu mời xuống ngựa”; khách vào nhà lên giường ngồi thưởng thức tuần trà đầu tiên, chủ nhà lại dâng lên “ba chén rượu cát tường như ý”; khi khách ra về, lên xe ngựa xong lại mời “ba chén rượu lên ngựa”, chúc khách lên đường thuận buồm xuôi gió. Mỗi lần mời rượu, chủ nhà đều hát bài hát chúc rượu êm dịu.
Dân tộc Thổ là một dân tộc thích ca múa. “An chiêu vũ”, “Luân tử thu” là điệu múa độc đáo của họ. Dù là mùa hè bãi cỏ xanh tươi, hay là mùa đông tuyết trắng bao phủ, hễ có chuyện vui là điệu múa “An chiêu vũ”, “Luân tử thu” lại nổi lên góp vui.
Với tài nguyên thiên nhiên trời phú, bầu không khí đậm đà mằu sắc tôn giáo và phong tục tập quán phong phú độc đáo, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch của huyện Hỗ Trợ.
Ông Vương Hải Đức, phó chủ tịch huyện tự trị dân tộc Thổ Hỗ Trợ giới thiệu:
“Du lịch của huyện Hỗ Trợ chúng tôi gồm 3 bộ phận: một là phong cảnh thiên nhiên, tiêu biểu là cảnh quan thiên nhiên Bắc Sơn, diện tích 110 nghìn hét-ta, chiếm một phần ba tổng diện tích cả huyện. Nơi đây cây cối um tùm, tài nguyên nước phong phú, vào đến đây bạn có cảm giác như vào vùng Giang Nam. Hai là cảnh quan nhân văn, tức là phong tục tập quán của dân tộc Thổ, bao gồm trang phục, sinh hoạt tập quán của dân tộc Thổ. Ba là du lịch tôn giáo, gồm có nhiều chùa chiền, tiêu biểu là Hữu Ninh Tự, Ngũ Phong Tự, Tùng Phan Tự v.v.”
Công viên rừng quốc gia Bắc Sơn nằm ở ngoại ô huyện lỵ là khu du lịch quốc gia cấp 4A, trong đó có cây tùng, mỏn đá kỳ lạ, thác nước khe suối, cảnh quan kỳ vĩ. Có thể nói, công viên này có thể sánh với thắng cảnh du lịch nổi tiếng TQ như Hoàng Sơn, Nga Mi Sơn. Do ảnh hưởng của khí hậu và địa hình cao hơn mặt biển, nên cánh rừng thiên nhiên ở đây phân bố theo chiều thẳng một cách rõ rệt, là khu rừng thiên nhiên được bảo tồn hoàn hảo nhất của tỉnh Thanh Hải, trong đó chủng loại động thực vật rất phong phú và đa dạng.
Dân tộc Thổ theo Phật giáo Tạng. Những chùa chiền tôn giáo tạo thành tài nguyên du lịch tôn giáo thần kỳ của huyện Hỗ Trợ. Hữu Ninh Tự xây dựng cách đây hơn 1300 năm, nổi tiếng bối phương. Ngũ Phong Tự, Thiên Môn Tự, Bạch Mã tự có kiến trúc độc đáo, phong cảnh đẹp, đều có vẻ đẹp hấp dẫn của riêng mình.
Du lịch phong tục dân gian mà chủ tịch huyện nhắc đến là thể hiện phong tục tập quán của dân tộc Thổ như: tập tục, phục sức, đồ thêu, bài hát, điệu múa. Đây cũng là một ưu thế phát triển du lịch của huyện, nổi tiếng trong tỉnh, là một hình thức làm giàu mới của nhân dân trong huyện. Anh Đổng Tư Minh là một nông dân, tốt nghiệp cấp hai anh trở về quê làm ruộng. Đến mùa, anh ở nhà làm ruộng; lúc nhàn rỗi, anh đến công viên dân tộc Thổ làm thêm. Anh nói:
“Làm thêm có thu nhập cao hơn làm ruộng. Một tháng có thể kiếm được 3 đến 4 nghìn nhân dân tệ, nếu ở nhà 5, 6 người làm lụng vất vả suốt ngày cũng chỉ kiếm được 3, 4 nghìn. Bây giờ khác trước rất nhiều, thay đổi nhiều lắm: cách ăn mặc thay đổi, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, ở tốt hơn, nói chung là khá hơn trước rất nhiều.”
|