Dân tộc Ha-ni chủ yếu cư trú ở miền nam tỉnh Vân Nam, tết tháng 10 là ngày tết truyền thống long trọng nhất của dân tộc Ha-ni, giống như tết âm lịch của dân tộc Hán, thường vào tháng 11 dương lịch hàng năm.
Ngày 1 tháng 11 vừa qua, tại Bắc Kinh, Sở nghiên cứu dân tộc Ha-ni của trường Đại học dân tộc Trung ương TQ đã tổ chức cuộc gặp thân mật nhân tết tháng 10 dân tộc Ha-ni. Hơn 150 đại biểu của Ủy ban dân tộc quốc gia, Sở nghiên cứu dân tộc Ha-ni trường Đại học dân tộc Trung ương, tạp chí “Cầu thị”, quan chức nhiều trường đại học và cao đẳng, đồng bào Ha-ni, đại diện đồng bào Mèo, Độc Long đang sinh sống, làm việc hoặc học tập tại Bắc Kinh đã tới dự.
Ông Lý Trạch Nhiên, người phụ trách Sở nghiên cứu dân tộc Ha-ni trường Đại học dân tộc Trung ương phát biểu tại cuộc gặp thân mật.
Theo lịch dân tộc Ha-ni, tháng 10 âm lịch là đầu năm mới, ăn tết 5 ngày. Hôm giao thưà, gia đình Ha-ni nào cũng giã gạo nếp làm bánh. Thịt một con gà ở ngoài cửa để cúng người thân chết không bình thường, không cho vong hồn của họ quấy nhiễu người nhà, bảo đảm cả nhà bình an.
Trong những ngày tết, người Ha-ni trong bản bắt đầu mổ lợn, làm những món ăn ngon nhất. Món khoai sọ Ha-ni, tiết lợn, nước chấm chế bằng đậu nành Ha-ni thơm phức, thường là những món ăn không thể thiếu được. Trước khi ăn cơm phải thờ cúng tổ tiên, sau đó cả nhà từ người lớn đến trẻ em lần lượt vái tổ tiên 3 lần, và cầu mong trước tổ tiên. Trẻ em chưa khôn lớn thì do người lớn cầu mong hộ. Đàn ông trong nhà còn phải thay mặt cả nhà cầu mong sang năm được mùa, gia súc thành đàn ...
Mồng 2 tết, là ngày cô dâu về nhà chúc tết bố mẹ. Trong ngày này, nếu bạn đến thăm bản làng Ha-ni, đi đến đâu bạn cũng có thể nhìn thấy phụ nữ Ha-ni trong trang phục ngày tết, dắt con cái đi trên đường làng. Trên lưng đeo rọ đựng bánh nếp gói trong lá chuối, rượu, trứng gà, vịt để làm quà cho người nhà... Nhiều chị em còn hẹn nhau cùng về nhà mẹ đẻ để đoàn tụ gia đình. Dân tộc Ha-ni rất coi trọng việc đi lại trong họ hàng, các chị về nhà trong dịp tết, một là chúc tết, hai là thờ cúng tổ tiên, ba là thắt chặt hơn nữa quan hệ họ hàng.
Ở một số nơi còn tổ chức “tiệc phố” trong bản làng trong những ngày tết. Những gia đình đăng cai đều làm một mâm cỗ thịnh soạn để chiêu đãi đồng bào các dân tộc khác ở bản làng xung quanh đến chúc tết. Cỗ làm xong mang đến nơi quy định trên phố, mấy chục thậm chí mấy trăm cái bàn xếp liền nhau dài 70 đến 80 mét, thậm chí 100 đến 200 mét, nhìn từ xa, giống như một con rồng, cho nên gọi là “tiệc rồng”, quang cảnh thật là náo nhiệt và tráng lệ. Trong yến tiệc, người đàn ông trung niên ngồi cạnh các cụ, uống rượu gạo tự nấu lấy, những người hay hát phấn khởi hát bài ca chúc rượu cổ truyền của dân tộc Ha-ni, những người dự tiệc bắt nhịp hát theo, tiếng hỏi thăm nhau, lời chúc tùng nhau huyên náo, cả bản chìm trong bầu không khí hoan lạc. “Tiệc phố” là cảnh tết vui nhất trong năm, là phong tục độc đáo nhất của dân tộc Ha-ni.
Trong những ngày tết, già trẻ gái trai ăn mặc đẹp, hồ hởi tham gia các hoạt động giải trí. Trẻ con thích chơi con quay; đàn ông uống rượu, ca hát, trò chuyện thâu đêm; thanh niên nam nữ người thì hẹn nhau tổ chức “uống rượu tình”, người thì tốp 5 tốp 3 kéo ra bìa rừng ngoài bản, thổi sáo lá cây, hát tình ca, thổ lộ tâm tình yêu đương.
Trong buổi gặp năm mới của dân tộc Ha-ni, ông Lý Thiệu Quân – phó chủ nhiệm Sở nghiên cứu dân tộc Ha-ni trường Đại học dân tộc Trung ương, phó giáo sư trường Đại học Bắc Kinh đọc lời chúc mừng:
Ông nói: Tôi chúc đồng bào dân tộc Ha-ni tết tháng 10 vui vẻ, chúc kinh tế khu vực dân tộc Ha-ni phát triển, cuộc sống đồng bào không ngừng được cải thiện, chúc mọi người sức khoẻ dồi dào, an khang, hạnh phúc.
Tiếp đó, ông giới thiệu tình hình sáng lập và phát triển chữ dân tộc Ha-ni. Ông nói:
“Trước hết, tôi hết sức cảm ơn đảng cộng sản TQ đã giúp đồng bào Ha-ni sáng lập chữ viết dân tộc Ha-ni vào năm 1957, từ khi có chữ, dân tộc Ha-ni đã chấm dứt lịch sử ghi nhớ sự việc bằng phương thức tết dây. Lịch sử, văn hoá của dân tộc Ha-ni đã có thể ghi lại bằng chữ viết của dân tộc mình. 30 năm qua, chữ viết Ha-ni đã phát huy tác dụng to lớn trong việc kế thừa lịch sử, phát triển văn hoá, chỉnh lý điển tích ...” Hiện nay, trong trường tiểu học của người Ha-ni, học sinh lớp 1 đến lớp 4 được dạy bằng tiếng Ha-ni và tiếng Hán, như vậy, con cháu đồng bào người Ha-ni vừa có thể phát triển văn hoá dân tộc, lại có thể tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại.
Trong buổi gặp mặt thân mật, ông Lý Trạch Nhiên, người phụ trách Sở nghiên cứu dân tộc Ha-ni của trường Đại học dân tộc Trung ương còn chúc tết bằng tiếng Ha-ni.
“Chúc bà con dân tộc Ha-ni sức khoẻ dồi dào, chúc cuộc sống đồng bào Ha-ni ngày một khá lên, mong con cháu người Ha-ni ở Bắc Kinh không phụ lòng đảng, chăm chỉ học hành, góp phần to lớn hơn nữa vào công cuộc xây dựng tổ quốc trong tương lai.”
Những năm gần đây, nội dung và hình thức của tết tháng 10 dân tộc Ha-ni không ngừng thay đổi và phát triển. Trong ngày tết, có nơi tổ chức hoạt động thể dục thể thao truyền thống, có nơi kết hợp ngày tết với hoạt động du lịch, ví dụ huyện Nguyên Dương tổ chức tham quan du lịch ruộng bậc thang của dân tộc Ha-ni, tổ chức liên hoan du lịch văn hoá ruộng bậc thang nhân dịp tết tháng 10, đồng thời biểu diễn chương trình văn nghệ phong phú đa dạng. Như vậy, vừa làm phong phú nội dung ngày tết, lại làm phong phú đời sống văn hoá của đồng bào Ha-ni.
|