Sau khi khu vực Tây Tạng chính thức bị sát nhập vào bản đồ Triều đình Nhà Nguyên từ giữa thế kỷ 13, tuy sau đó TQ đã thay đổi mấy triều đại và chính quyền trung ương cũng đổi thay nhiều lần, song Tây Tạng vẫn luôn luôn nằm dưới quyền cai quản của chính phủ trung ương.
Năm 1354, phái Pa-chu-cơ-cư đứng đầu là Chan-xu-chen-chan trở thành người thống trị tại phần lớn khu vực Tây Tạng và hình thành một chính quyền địa phương Pa-chu giáo chính hợp nhất. Trong thời kỳ Pa-chu Tây Tạng, chính phủ trung ương Nhà Nguyên đã thừa nhận sự thật này, đồng thời phong cho Chan-xu-chen-chan chức Đại Tư Đồ. Sau khi thành lập vào năm 1368, Triều đình Nhà Minh đã phổ biến áp dụng chính sách phong tứ. Lúc này, phái Cơ-lu thuộc 2 hệ thống Phật sống lớn là Đạt-lai Lạt-ma và Pên-xê Lạt-ma phát triển lớn mạnh, Sô-nan-chia-xô – Đạt-lai Lạt-ma đời 3 triệu cống Triều đình Nhà Minh. Việc quản lý địa phương Tây Tạng của chính phủ trung ương Nhà Minh đã kế tiếp cung cách của Triều đình Nhà Nguyên, lần lượt thiết lập “Quan Chỉ huy Quân sự” và “Nguyên soái Ơ-li-tư” tại U-tư-chang và Tô-can, để quản lý công việc quân sự và chính trị của khu vực Tiền Hậu Tạng, Xương Đô và A-li.
Năm 1644, Triều đình Nhà Thanh thay thế Triều đình Nhà Minh, việc quản lý Tây Tạng càng trở nên nghiêm ngặt, việc quản lý chính trị đã được chế độ hóa và pháp luật hóa. Vua Thuận Trị Nhà Thanh nhiều lần mời Đạt-lai đời 5 đến Bắc Kinh. Năm 1652, Đạt-lai đời 5 tới Bắc Kinh. Năm 1653, Vua Thuận Trị đã ban kim sách, kim ấn cho Đạt-lai đời 5 và chính thức phong hiệu cho Đạt-lai Lạt-ma. Năm 1713, Vua Khang Hi đã sách phong “Pên-xê-ét-tơ-ni” cho Rô-xan-yi-xi – Pên-xê đời 5 và chính thức xác định danh hiệu Pên-xê Lạt-ma. Từ đó tại La-sa, Đạt-lai Lạt-ma thống trị phần lớn khu vực Tây Tạng, tại Dư-khơ, Pên-xê-ét-tơ-ni thống tị khu vực khác của Tây Tạng.
Năm 1727, Triều đình Nhà Thanh cử Đại thần tới Tây Tạng, thay mặt chính phủ trung ương giám sát hành chính địa phương Tây Tạng; địa giới giữa Tây Tạng với Tứ Xuyên, Vân Nam và Thanh Hải cũng được chính thức hoạch định vào lúc này. Năm 1721, chính phủ trung ương Nhà Thanh thiết lập chế độ Cơ-luân tại Tây Tạng; năm 1750, lại điều chỉnh thể chế quản lý hành chính Tây Tạng, xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính quyền địa phương Tây Tạng, còn quy định thể chế Đại thần tại Tạng cùng Đạt-lai Lạt-ma quản lý công việc Tây Tạng. Năm 1793, chính phủ Nhà Thanh ban hành “Điều lệ Xếp đặt Khâm định Tây Tạng” gồm 29 điều về quyền chức của Đại thần tại Tây Tạng, chuyển thế của Đạt-lai, Pên-xê và các Phật sống khác, phòng vệ quân sự biên cương, công việc ngoại giao, thuế vụ tài chính, đúc tiền, quản lý tiền cũng như phụng dưỡng và quản lý chùa chiền v.v.. Hơn 100 năm sau, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong 29 điều lệ này vẫn là mẫu mực pháp quy và thể chế hành chính của địa phương Tây Tạng.
Năm 1911, TQ bùng nổ cuộc Cách mạng Tân Hợi, thành lập Trung Hoa Dân Quốc – nước cộng hòa gồm cộng đồng các dân tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng v.v.. Cũng như Nhà Nguyên, Nhà Minh và Nhà Thanh, chính phủ trung ương Dân Quốc thi hành việc quản lý địa phương Tây Tạng. Năm 1912, chính phủ trung ương Dân Quốc thành lập Cục công việc Tạng Mông và đến năm 1914 đổi tên là Viện Tạng Mông, phụ trách công việc địa phương Tây Tạng, đồng thời còn bổ nhiệm quan chức trung ương quản lý công việc Tây Tạng. Năm 1927, Chính phủ Quốc dân Nam Kinh thành lập, năm 1929 thiết lập Ủy ban Tạng Mông, phụ trách công việc hành chính của khu vực dân tộc người Tạng, người Mông v.v.. Năm 1940, Chính phủ Quốc Dân đặt cơ quan đại diện của Ủy ban Tạng Mông tại La-sa, đây là cơ quan thường trú của chính phủ trung ương tại Tây Tạng.
1 2
|