Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh Thượng Hải; và định nghĩa Tản văn
   2009-04-14 16:20:33    cri

Nghe Online

Ngọc Ánh khai bút: Theo yêu cầu của nhiều bạn thính giả, đặc biệt là các bạn trẻ cuối cấp đang vất vả với bài vở trong lò luyện thi cho mùa thi năm 2009, Ngọc Ánh xin chọn lọc phiên dịch một số bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh các nơi Trung Quốc trong mùa tuyển sinh năm 2008.

Thư của bạn Trần Đại Việt ở Quế Sơn tỉnh Quảng Nam E_mial daivietvct@... Viết: Cô Ngọc Ánh ạ, mỗi lần nghe cô đọc những bài tản văn của các nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là em lại cảm thấy càng mến yêu cuộc sống, tuy đó là những bài tản văn ngắn nhưng rất cô đọng và rất hay, nhờ đó mà môn văn của em tiến bộ rất nhiều, em rất mong được nghe những bài văn đặt điểm tối đa của các bạn thí sinh Trung Quốc để em và các bạn tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp và mùa tuyển sinh sắp tới.

Ngọc Ánh: Bạn Đại Việt thân mến, mong bạn và các bạn khác có nguyện vọng như bạn lúc này đang có mặt bên máy thu thanh cùng đón nghe. Sau đây, Ngọc Ánh xin giới thiệu bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh thành phố Thượng Hải trong mùa tuyển sinh năm 2008.

Đề thi Văn năm 2008 của thành phố Thượng Hải: Ngày thường chúng ta chỉ quan tâm nhiều đến bản thân mình , mời anh /chị làm bài văn mang đầu đề "Họ". Ngoài thơ ca ra, không giới hạn về thể loại, bài làm phải trên 800 chữ.

Bài làm của thí sinh Thượng Hải

Đề bài: Họ

Ở nơi tận cùng của đô thị, không có quang cảnh phố phường sầm uất, không có ánh đèn nê ông nhấp nháy; Ở nơi tận cùng của đô thị, chỉ có khu nhà ọp ẹp dựng tạm đã cũ kỹ, có những người luôn phải chống chèo với mưa gió của cuộc sống; Ở nơi tận cùng của đô thị, có Họ—một cộng đồng như vậy.

Chúng ta nên xưng hô Họ như thế nào nhỉ? Họ chính là những con em lao động tỉnh lẻ đến làm việc tại đô thị. Con em nông dân? Hay là thế hệ sau của lao động nông dân? Không, tôi không muốn xưng hô Họ bằng những danh từ giá lạnh như vậy, tôi muốn xưng hô Họ bằng cái tên cúng cơm của Họ thoang thoảng hương đồng gió nội, tôi muốn cầm bàn tay bé nhỏ của Họ, đến gần với cuộc sống của Họ...

Họ lớn lên trên quê hương non xanh nước biếc, tâm hồn trong trắng của Họ quyện với những cọng rơm cây lúa. Họ chạy nhảy, mơ tưởng trong làn gió trên đồng ruộng. Gió thổi qua cánh đồng, gió thổi vào đô thị, để kiếm kế sinh nhai, vì cuộc sống mai sau, họ đành phải theo cha mẹ đến đô thị, đành phải bén rễ tại nơi tận cùng của đô thị.

Thế rồi những toà cao ốc, những dòng xe cộ ngược xuôi nườm nượp lần đầu tiên đập vào đôi mắt Họ vốn đã quen thuộc với quang cảnh non xanh nước biếc, những ngón tay bé nhỏ của họ không tài nào đếm đúng được số tầng lầu của những toà công sở cao vút. Nền văn minh hiện đại phồn thịnh của đô thị không hề mang đến bất cứ niềm vui gì cho họ, chỉ để lại dấu ấn trong cõi lòng thơ ngây của Họ.

Họ đeo cặp sách sau lưng, cẩn thận hoà mình vào nhịp sống của đô thị. Thế nhưng "người thành phố" lại nhìn họ với ánh mắt khác thường, lần đầu tiên Họ đã hiểu được sự khác biệt giữa hộ khẩu thường trú với hộ khẩu tạm trú. Thực ra, Họ cũng là con cưng của cha mẹ đấy chứ, thế nhưng lại phải gánh trên lưng quá sớm những thứ không phù hợp với lứa tuổi của họ.

Sau khi tan học, Họ phải nấu cơm tối và làm những món ăn đơn giản, bởi vì cha mẹ Họ còn đang bận rộn với công việc ngoài công trường hoặc đang bận bán rau ngoài chợ; Nửa đêm thức dậy, những giọt nước mắt của Họ tại nơi đô thị này không long lanh bằng những giọt nước mắt trên quê hương; Tôi thầm cầu mong, ngày mai, ngôi trường tiểu học của các con em lao động nông dân không bị niêm phong chỉ vì không nộp đủ tiền điện...

Thế nhưng, trên thân hình ngày một cao lên của Họ, tôi đã chứng kiến được sự trưởng thành của Họ. Tôi nhớ có một phóng viên từng hỏi học sinh của trường con em lao động tỉnh lẻ rằng, sau này học hành thành tài có trở về quê hương nữa hay không? Em bé gái trả lời một cách không hề do dự rằng: Tất nhiên, nhất định sẽ trở về. Trong giây phút đó, tôi suýt nữa rơi nước mắt, vì sự trưởng thành của Họ.

Tôi còn nhớ khi tham gia biểu diễn của Đêm liên hoan văn nghệ Giao thừa của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, họ tuyên bố rằng: "Ngôi trường chúng em rất bé nhỏ, nhưng thành tích chúng em không kém." "Chúng em không so bì với cha mẹ của các bạn ở thành phố. Năm 2008 Bắc Kinh, cũng là năm 2008 của chúng em". Họ chín chắn dần lên, chia tay với sự mặc cảm của hôm qua, bắt đầu đón nhận một ngày mới.

Tuy rằng, Họ vẫn còn phải bận tâm với số học phí không nhiều; Tuy rằng trường học của con em lao động tỉnh lẻ vẫn chưa nộp đủ tiền nước tiền điện; Tuy rằng còn nhiều cơ chế vẫn chưa hoàn thiện... tuy rằng, vẫn còn nhiều cái "tuy rằng", thế nhưng, chỉ có mội cái "thế nhưng" là đủ lắm rồi, đã có nhiều ánh mắt hảo tâm của xã hội để tâm đến Họ, Họ đang trưởng thành một cách lành mạnh.

Ánh bình minh nhô lên từ phía chân trời, đã rọi sáng đến nơi tận cùng của đô thị, chiếu sáng cuộc sống hằng ngày của Họ.

Sẽ có ngày, Họ cũng sẽ như chúng ta.

Lời bình: Bài văn này có năm ưu điểm lớn:

Một là, bài văn đã thuật lại một cách chân thật tình hình sinh hoạt của Họ-- con em các lao động nông dân đến thành thị làm việc, quá trình từ không tự nhiên, đến thích ứng rồi đến tâm trạng ngày một trở nên chín chắn của Họ từ nông thôn đến thành thị sinh sống và học tập. Khiến mọi người cảm nhận được sự tồn tại thật sự của một cộng đồng đặc biệt này.

Hai là, bài văn trình bày trôi chảy, qua đó có thể thấy thí sinh tích lũy nhiều vốn văn học, đã thể hiện tình cảm và góc độ của mình một cách vừa phải, rất khớp với chủ đề bài văn.

Ba là, nói chung, bài văn này đã bày tỏ sự đồng cảm, sự chú ý và sự mong muốn đối với Họ, một cộng đồng đặc biệt cùng lứa, đây cũng chính là yêu cầu của đề bài.

Bốn là, sự miêu tả trong bài văn rất tỷ mỷ, ví dụ như câu "những ngón tay bé nhỏ của Họ không tài nào đếm đúng được số tầng lầu của những toà công sở cao vút";

Năm là, then chốt của bài văn, thí sinh đã tin tưởng rằng, sự thay đổi của con em lao động nông dân đang sống ở thành thị, "Sẽ có ngày, Họ cũng sẽ như chúng ta."

1 2