Sau hơn 2000 năm xây dựng liên tiếp, Trường Thành đứng sừng sững, trong tấm lòng dân tộc Trung Hoa, Trường Thành đã không chỉ là kiến trúc cổ mang ý nghĩa đơn giản, mà là vật tượng trưng cho tinh thần dân tộc. Trung Quốc có câu tục ngữ "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán", Trường Thành là động lực khích lệ người Trung Quốc cần cù và dũng cảm tiến lên. Do vậy, công trình bảo tồn Trường Thành khiến người Trung Quốc rất quan tâm.
Hiện nay Trung Quốc đang thực thi phương án công tác tổng thể của công trình bảo tồn Trường Thành, dự định dùng thời gian 10 năm từ năm 2005 đến năm 2014 hoàn thành công tác điều tra Trường Thành, lập hồ sơ cổ vật cho Trường Thành, biên soạn "Quy hoạch tổng thể bảo tồn Trường Thành", hoạch định phạm vi bảo tồn và xây dựng dải kiểm soát, triển khai công tác bảo tồn những đoạn Trường Thành quan trọng và những công tác khác.
Năm 2007, Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước và Cục Cổ vật Nhà nước hợp tác triển khai công tác đo đạc Trường Thành đời Minh, trong hơn 2 năm qua, hàng trăm nhân viên điều tra đã triển khai công tác dã ngoại ở 10 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc dọc đường Trường Thành đời Minh, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để đo đạc chiều dài cụ thể của Trường Thành, đồng thời triển khai công tác khảo sát cổ vật và môi trường lịch sử, nhân văn ở khu vực xung quanh. Ông Vương Lỗi, Phó Tổng Kỹ sư Viện Nghiên cứu về đo đạc và bản đồ, thiết kế thành phố Bắc Kinh đã tham gia công tác điều tra Trường Thành ở thành phố Bắc Kinh. Ông cho biết:
"Chúng tôi đã áp dụng những biện pháp đo đạc hiện đại như chụp ảnh trên không, máy định vị GPS, còn có những công nghệ khác như quét bằng tia lazer ba chiều, để do đạc Trường Thành."
Con số đo đạc chuẩn xác cho thấy: Trường Thành đời Minh chạy từ Hổ Sơn tỉnh Liêu Ninh ở phía đông đến Gia Dụ Quan tỉnh Cam Túc ở phía tây, từ phía đông đến phía tây Trường Thành đi qua 156 huyện của 10 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc, tổng chiều dài là 8851,8 ki-lô-mét. Trong đó, chiều dài của các bức tường do người xây dựng là 6259,6 ki-lô-mét, chiều dài của các đường hầm, nơi hiểm yếu thiên nhiên là 2592,2 ki-lô-mét.
Năm 2006 Trung Quốc đưa ra "Điều lệ bảo tồn Trường Thành", quy định cần phải thực thi các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt đối với Trường Thành, bất cứ đơn vị hoặc cá nhân nào đều không được dỡ bỏ, đục thủng hoặc di chuyển Trường Thành trong khi xây dựng công trình. Ông La Triết Văn, chuyên gia bảo tồn Trường Thành cho biết, đây là điều lệ duy nhất dành riêng cho việc bảo tồn một di sản văn hóa. Ông cho rằng, phương án công tác tổng thể của công trình bảo tồn Trường Thành được thực thi hiệu quả sẽ khiến Trường Thành được bảo tồn tốt hơn. Ông nói:
"Theo quy hoạch, chỉ cần 2 năm nữa thì sẽ điều tra rõ chiều dài và tình hình phân bố của Trường Thành; rồi theo kết quả đó quy hoạch bảo tồn và tu sửa Trường Thành sẽ được ấn định. Tôi cho rằng, dự án lớn này sẽ khiến Trường Thành được bảo tồn tốt hơn."
Theo quy hoạch công tác của cơ quan hữu quan, đến cuối năm 2010, con số cơ bản và tài nguyên của Trường Thành đời Minh và Trường Thành đời Tần và đời Hán, cũng như Trường Thành các thời đại khác sẽ được điều tra rõ và nhập vào kho dữ liệu. Công tác quy hoạch và lập pháp trên cơ sở này cũng sẽ triển khai từng bước. 1 2 |