Nghe Online
Ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm là Ngày hội hát Sơn ca truyền thống của Khu Tự trị dân tộc Choang miền tây nam Trung Quốc. Trong tiết mục Đại gia đình các dân tộc Trung Hoa hôm nay, Hải Vân xin mời quý vị và các bạn đến với Vũ Minh, Quảng Tây, cảm nhận niềm vui của hội Sơn ca và thưởng thức làn điệu Sơn ca du dương của dân tộc Choang.
Cứ nói đến Quảng Tây, thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh chị Ba Lưu. Nhưng ở huyện Vũ Minh, nếu nhắc tên "chị Ba Lưu" thì chắc mọi người sẽ thắc mắc và không biết nói về ai. Bởi vì ở Vũ Minh có rất nhiều người giỏi về hát Sơn ca, "Hội Sơn ca" đã khiến các chàng trai và cô gái ở đây trở thành thần ca.
"Hội Sơn ca ngày 3 tháng 3, chàng trai cô gái hớn hở dự hội; anh hát câu trước, em đối câu sau, anh em tay trong tay, ca ngợi tình yêu trong sáng..." Những làn điệu Sơn ca du dương đã chứa đựng biết bao tình cảm chân thành của nhân dân dân tộc Choang. Chàng trai dân tộc Choang Đàm Hằng nói:
"Vũ Minh, Quảng Tây từ xưa đến nay có tập tục hát Sơn ca, nghe Sơn ca, hội Sơn ca hàng năm đều có rất nhiều người tham gia, có lúc đông đến hàng chục nghìn người, hình thành chợ, hội, cho nên gọi là Hội hát."
Vậy Hội Sơn ca bắt nguồn từ đâu? Tại sao lại tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch? Anh Đàm Hằng giới thiệu:
"Ngày xửa ngày xưa có một đôi trai gái, hai người đều là ca sĩ nổi tiếng, thường hát Sơn ca để bày tỏ tình yêu. Nhưng do lúc bấy giờ ở xã hội phong kiến, hai người không thể kết duyên bởi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, để chống lại lễ giáo bất hợp lý này, hai người cùng nhau tự tử. Người đời sau muốn kỷ niệm tình yêu chung thủy của đôi trai gái này, mỗi năm tổ chức hát Sơn ca vào ngày 3 tháng 3".
Vậy tại sao Hội Sơn ca thường kéo dài 3 ngày? Điều này còn liên quan đến chị Ba Lưu, thủy tổ của Sơn ca Quảng Tây. Tương truyền, chị Ba Lưu rất thông minh, thường hát Sơn ca để ca ngợi lao động sản xuất và tình yêu, vạch trần tội ác của địa chủ ác bá, khiến địa chủ ác bá vừa ghét vừa sợ. Ngày 3 tháng 3 âm lịch, nhân lúc chị Ba Lưu đang chặt củi trên núi, địa chủ sai người chặt đứt dây thừng leo núi của chị, chị bị rơi xuống vực. Người đời sau muốn kỷ niệm vị nữ tiên ca này, thường tụ tập với nhau hát Sơn ca vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, hát trong ba ngày liền. Cho nên hội hát cũng kéo dài ba ngày.
1 2 |