Ngày 25 tháng 11, tại trụ sở ở Pa-ri Pháp, UNESCO đã công bố danh sách những "Di sản truyền miệng và phi vật thể loài người" đợt ba, "Nghệ thuật Mu-ka-mu dân tộc Uây-ua Tân Cương của Trung Quốc" và "Dân ca trường điệu dân tộc Mông Cổ" của Trung Quốc và Mông Cổ đã có trong danh sách. Trong tiết mục hôm nay, Duy Hoa xin giới thiệu tường tận với quý vị và các bạn về việc này.
Ngày 28 tháng 11, tại Bắc Kinh, ông Kô-i-chi-rô Mát-su-u-ra, Tổng Giám đốc UNESCO trao bằng chứng nhận cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc Tôn Gia Chính. Tại hiện trường buổi lễ trao bằng chứng nhận, ông Bồ Thông, quan chức Bộ Văn hóa Trung Quốc nói, mong thông qua việc UNESCO trao bằng chứng nhận, thúc đẩy hơn nữa công tác bảo vệ di sản văn hóa của Trung Quốc. Ông nói:
"Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thực ra là bảo vệ tài nguyên văn hóa của chúng ta, bảo vệ sức sáng tạo của văn hóa dân tộc chúng ta, cho nên nó không phải là cô lập mà còn có sức sống bừng bừng. Gốc của nền văn hóa nghệ thuật của chúng ta chính là ở đây, chúng ta muốn phát triển, sáng tạo, tiến lên, thì cần phải hấp thu dinh dưỡng phong phú từ di sản văn hóa phi vật thể."
Tháng 4 năm 2000, UNESCO chính thức khởi động dự án "Di sản truyền miệng và phi vật thể loài người". Dự án này cứ hai năm bình chọn một lần, yêu cầu các hạng mục đăng ký phải là di sản phi vật thể có giá trị và cống hiến nổi bật, cũng như có giá trị quan trọng xét từ góc độ lịch sử, nghệ thuật, nhân chủng học, xã hội học, nhân loại học, ngôn ngữ học hoặc văn học, và từng là hình thức biểu hiện văn hóa truyền thống được lưu truyền rộng rãi. Năm 2001 và năm 2003, Nghệ thuật "Côn Khúc" và "Đàn tranh cổ" của Trung Quốc lần lượt được công nhận là "Di sản truyền miệng và phi vật thể loài người".
"Nghệ thuật Mu-ka-mu dân tộc Uây-ua Tân Cương Trung Quốc" là tên gọi chung đối với các loại hình nghệ thuật Mu-ka-mu thịnh hành ở các khu vực tập trung cư trú của dân tộc Uây-ua ở Tân Cương, là hình thức nghệ thuật tổng hợp cỡ lớn bao gồm cả hình thức hát, múa và chơi nhạc cụ, nó thể hiện truyền thống văn hóa lịch sử của khu vực Tân Cương và dân tộc Uây-ua một cách toàn diện và sinh động.
1 2 |