Nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc luôn không ngừng tìm tòi việc định vị thích hợp cho công việc quản lý Đất nước. Trước đó đã tiến hành 5 lần cải cách thể chế quản lý hành chính, nhằm thích ứng với việc đi sâu phát triển kinh tế thị trường, giảm bớt sự can thiệp quá nhiều của Chính phủ đối với kinh tế vi mô. Lấy cuộc cải cách cơ cấu lần thứ hai tiến hành vào năm 1988 làm thí dụ, cuộc cải cách đó bắt tay từ chuyển đổi chức năng Chính phủ, tiến hành cải cách cơ cấu. Số lượng các bộ và cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện đã giảm từ 67 xuống còn 60. Cuộc cải cách cơ cấu lần thứ 4 tiến hành vào năm 1998 đã kết thúc lịch sử dựa vào thành lập ngành kinh tế chuyên môn quản lý doanh nghiệp, các bộ trong Quốc vụ viện đã giảm xuống còn 29 bộ. Lần cải cách gần đây nhất thì đã tiến hành điều chỉnh cơ cấu trong tình hình Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Các cuộc cải cách nói trên đã đặt cơ sở cho việc cải cách cơ cấu Quốc vụ viện lần này.
Ý tưởng về cuộc cải cách cơ quan Chính phủ Trung Quốc lần này là chuyển đổi toàn diện chức năng Chính phủ sang loại hình phục vụ. Tách rời những công việc không nằm trong diện quản lý của Chính phủ, thật sự làm tốt những công việc thuộc diện quản lý của Chính phủ, phát huy tốt hơn vai trò cơ sở của thị trường trong việc phân phối tài nguyên về mặt chế độ. Theo ý tưởng này, vòng cải cách năm nay sẽ tiến hành điều chỉnh đối với 15 cơ quan.
Khi trình bày phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện, ông Hoa Kiến Mẫn đã đặc biệt nhấn mạnh việc bố trí hợp lý chức năng của cơ quan điều hành vĩ mô. Ông nói:
"Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước cần phải tiếp tục chuyển đổi chức năng, tập trung sức lực làm tốt công tác điều hành vĩ mô, làm cho nền kinh tế quốc dân thực hiện cân đối tổng hợp. Đồng thời, giảm bớt những công việc quản lý vi mô và phê duyệt cụ thể của Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước."
Việc thành lập Ủy ban năng lượng Quốc gia và Tổng Cục năng lượng Nhà nước đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các giới. Giáo sư Học viện hành chính Quốc gia Trung Quốc Uông Ngọc Khải nói, hiện nay Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai trên Thế giới, gần 50% dầu thô của Trung Quốc phải nhập từ nước ngoài. Việc thành lập hai cơ quan nói trên cho thấy Trung Quốc đã coi an ninh năng lượng là chiến lược Quốc gia.
Ngoài ra việc nâng cấp Tổng Cục Bảo vệ môi trường thành Bộ bảo vệ môi trường cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường công tác trị lý môi trường và bảo vệ sinh thái. Việc thành lập Bộ Nhà ở Xây dựng-Thành thị-Nông thôn cũng thể hiện Chính phủ Trung Quốc quan tâm việc giải quyết vấn đề dân sinh.
Được biết, Ngày 15, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 11 sẽ tiến hành biểu quyết Phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện. Sau khi Phương án này được thông qua thì vòng cải cách cơ cấu Quốc vụ viện lần này sẽ chính thức thực thi. 1 2 |