Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Con đường đi học của em Lý Thanh Minh
   2009-09-18 17:47:30    cri
Em Lý Thanh Minh năm nay 16 tuổi, là học sinh năm thứ hai Sơ trung, tức lớp 8 của thành phố Bạch Ngân tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Nhà em ở trong thung lũng núi, từ trước đến nay đều làm nghề nông, cuộc sống nghèo khổ. Hoàn cảnh gia đình như vậy khiến việc đi học đã trở thành "ước mơ quá cao", để giúp người chị và người anh được đi học, em suýt phải bỏ học. Song, một chính sách được công bố vào 3 năm trước đã kéo dài ước mơ đi học của em:

"Gia đình không cần nộp tạp phí và học phí nữa, hơn nữa nhà trường hàng tháng còn trợ cấp cho gia đình em hơn 70 đồng. Là học sinh trường nông thôn chúng em, điều này rất quan trọng."

Chính sách này được gọi là "hai miễn một trợ cấp", mấy năm trước lần lượt mở rộng thí điểm tại nông thôn Trung Quốc, đánh dấu giáo dục nghĩa vụ đã thực hiện miễn phí tại vùng nông thôn Trung Quốc, đây là một lần biến đổi về chất trong lịch sử phát triển hơn 20 năm của sự nghiệp giáo dục nghĩa vụ.

60 năm trước, khi thành lập nước Trung Hoa mới, trên 80% dân số Trung Quốc đều là người mù chữ, tỉ lệ được đi học Tiểu học chỉ là 20%, tỉ lệ đi học Sơ trung chỉ là 6%. Bởi vậy, phổ cập giáo dục cơ sở đã trở thành trọng điểm công tác của các khoá chính phủ từ trước đến nay.

Năm 1986, Trung Quốc ban bố thực thi Luật Giáo dục nghĩa vụ, lần đầu tiên quy định "thi hành giáo dục nghĩa vụ 9 năm" với hình thức lập pháp nhà nước, bảo đảm thiếu nhi và thanh thiếu niên ở độ tuổi đi học có quyền được tiếp thụ giáo dục Tiểu học và Sơ trung. Sau đó ngành giáo dục cơ sở của Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 2007, 99,3% dân số ở độ tuổi đi học trong toàn quốc đều đã tiếp thụ giáo dục nghĩa vụ. Năm 2010, mục tiêu toàn dân phổ cập giáo dục nghĩa vụ sẽ trở thành hiện thực.

Song, bởi vì dân số đông, ngân sách nhà nước có hạn, nhiều năm nay, một số chi phí giáo dục nghĩa vụ vẫn phải do công chúng gánh vác. Đây là khoản chi tiêu không nhỏ đối với nhiều gia đình cuộc sống không phải khá giả. Nhà em Lý Thanh Minh ngoài mấy mẫu ruộng hạn ra, không có nguồn kinh tế khác. Em kể lại, trước đây mỗi khi đến lúc nộp học phí, bố mẹ đều rất buồn rầu:

"Trước khi nhà nước thi hành chính sách 'hai miễn một trợ cấp', nhà em mỗi năm phải nộp hơn 400 đồng tiền học phí, tạp phí, cộng thêm tiền sinh hoạt của chúng em, một năm mất khoảng hơn 1000 đồng. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, rất khó thanh toán."

Để chuẩn bị tiền đi học cho em, bố mẹ buộc phải thắt lưng buộc bụng, tìm mọi cách mượn tiền của họ hàng, bạn bè, bán lương thực, ra thành phố làm thuê ... nhưng như vậy, gia đình nghèo khổ này không biết còn cầm cự được bao lâu. Bà Trương Thuý, mẹ của em Minh đã mấy lần định cho đứa con út của mình thôi học về nhà.

Trong lúc đó, một tin mừng truyền đến: Năm 2006, nhà nước đã công bố Luật Giáo dục nghĩa vụ sau sửa đổi, giáo dục nghĩa vụ đã được đưa vào phạm vi bảo đảm ngân sách của nhà nước. Đến khi khai giảng vào mùa thu năm đó, chính sách 'hai miễn một trợ cấp' thực thi toàn diện. Đông đảo học sinh Trung, Tiểu học ở vùng nông thôn không những miễn nộp học phí, tạp phí, còn hàng tháng được lĩnh trợ cấp sinh hoạt nội trú.

Được tin này, bà Trương Thuý hầu như không dám tin. Bà tính nhẩm, không nói mỗi năm có thể tiết kiệm mấy trăm đồng tiền học phí, mà còn được lĩnh trợ cấp sinh hoạt gần 900 đồng, đã có cách cho con em đi học, nét mặt buồn rầu của bà bỗng chốc rạng rỡ hẳn lên. Kể về tâm trạng lúc đó, bà vẫn tỏ ra rất xúc động:

"Chính sách này của nhà nước đã giảm nhẹ gánh vác cho gia đình chúng tôi. Có chính sách tốt của nhà nước, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng."

Thấy gia đình không cần phải lo tiền học phí, em Minh như trút được gánh nặng tâm lý. Sau khi yên tâm đi học, thành tích của em cũng ngày càng tốt lên. Tại trường Trung học Vũ Xuyên địa phương, còn có hơn 500 bạn học đã được hưởng lợi ích thiết thực như em. Con số đến từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, riêng năm 2007, đã có gần 150 triệu học sinh Trung, Tiểu học nông thôn được hưởng lợi ích do chính sách này mang lại.

Không chỉ ở nông thôn, bắt đầu từ tháng 9 năm 2008, các thành thị Trung Quốc cũng bắt đầu miễn học phí, tạp phí trong giai đoạn giáo dục nghĩa vụ, một mạng lưới giáo dục phúc lợi mang lại lợi ích cho toàn dân còn đang không ngừng mở rộng.

Hiện nay, điều khiến em Minh phấn khởi không chỉ là được đi học, bộ mặt trường Trung học Vũ Xuyên nơi em theo học cũng đã có thay đổi to lớn. Theo đà nhà nước không ngừng tăng thêm đầu tư, toà lầu dạy học rộng lớn sáng sủa đã thay thế cho lớp học trát vách đất trước đây; bàn ghế xộc xệch cũ kỹ trước đây đã hoàn toàn thay mới; máy vi tính trước đây chỉ thấy trên ti vi cũng đã đi vào cuộc sống của trẻ em nông thôn. Chủ nhiệm Văn phòng trường Trung học Vũ Xuyên Cao Bính Văn phấn khởi nói:

"Nhà nước thi hành chính sách 'hai miễn một trợ cấp', đã làm dịu rất lớn sức ép của học sinh nông thôn và gia đình nông thôn, đã nâng cao tính tích cực đối với học tập và giáo dục của phụ huynh và học sinh nông thôn. Trường chúng tôi đã có thay đổi và cải thiện rất lớn về các mặt phần cứng, phần mềm, môi trường giảng dạy v.v."

Để càng nhiều học sinh nông thôn được hưởng nguồn giáo dục chất lượng tốt, thành phố Bạch Ngân, Cam Túc, quê hương của em Minh còn đã bỏ tiền xây dựng một trường nội trú mới có thể để mấy nghìn học sinh đến học, khai giảng mùa thu năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Em Minh nói, em rất may mắn, đã gặp phải thời đại tốt. Quả thực, 60 năm ngắn ngủi, Trung Quốc từng nghèo đói đã trở thành nước giáo dục lớn, cố gắng để thực hiện công bằng giáo dục của Trung Quốc, đã khiến hàng chục triệu học sinh như em Minh đã thực hiện được mơ ước "đi học để thay đổi vận mệnh". Chúng ta hãy chúc phúc các em có một tương lai tốt đẹp.