Trời mới hửng sáng, ông nông dân Ngụy Tống Bình đã dắt ngựa thồ cát sỏi lên núi, đoàn ngựa thồ gồm 7 con là đội vận tải những vật liệu tái thiết duy nhất của thôn Lương Gia Sơn. Sau khi bắt đầu công việc tái thiết tháng 8 năm ngoái, những vật liệu tái thiết và tu sửa của 17 hộ gia đình toàn làng như cát sỏi, bê-tông, gạch ngói, v.v đều do đoạn ngựa thồ chịu trách nhiệm chuyển chở lên núi.
Không phải thiếu sức lao động, cũng không phải không có máy móc vận tải, mà chính vì con đường từ thôn Lương Gia Sơn lên núi chỉ là một con đường rộng không đầy 1 mét. Nông dân Lý Chiếm Lâm nói, trên đường núi, ngay cả người lên xuống núi đi bộ còn khó, nếu muốn chở vật liệu xây dựng bằng xe chắc không thể được.
Thôn Lương Gia Sơn thuộc xã Thành Quan, huyện Văn của tỉnh Cam Túc, chỉ cách thủ phủ huyện Văn có một dòng sông Bạch Thủy. Trong trận động đất Văn Xuyên ngày 12-5, thôn Lương Gia Sơn nằm ở lứng chừng núi bị phá hoại nghiêm trọng, đành phải dời tới thôn Kiều Nam ở nửa núi để tái thiết.
Tuy cách huyện gần hơn, song công việc tái thiết của thôn Lương Gia Sơn không dễ dàng chút nào. Đường núi rộng không đầy 1 mét, đành phải thồ dựa vào ngựa để chở vật liệu xây dựng.
Khi thấy những con ngựa của mình thồ vật liệu xây dựng, ông Lý Chiếm Lâm rất thương chúng. "Tôi không thể để cho ngựa làm việc quá sức. Tại vùng núi, con ngựa hết sức quan trọng." Ông Lý Chiếm Lâm nói như vậy. Sau 2 ngày thồ vật liệu, người dân trong thôn đều phải để cho ngựa nghỉ một ngày, để tránh quá sức. "Chở những vật liệu như gạch ngói, bê-tông vất vả hơn rất nhiều so với làm đồng, nếu bắt ngựa làm việc quá sức, thì khó mà giúp chúng phục hồi sức lực."
Tháng 8 năm ngoái, ông Lý Chiếm Lâm bắt đầu xây dựng lại ngôi nhà của mình, cho đến bây giờ, 5 gian phòng đã được xây xong, gần 40 nghìn viên gạch, 12 tấn xi măng và hơn 20 mét khối cát đều do ngựa thồ lên núi. Nông dân Lương Bảo Thành nói, mỗi con ngựa mỗi ngày chỉ thồ được 1 mét khối cát, bằng không sẽ quá sức.
Mỗi con ngựa đều cần người dắt, điều này không phải là do ngựa khó điều khiển mà sợ ngựa bị trượt chân, người dắt ngựa phải đi vòng quanh trên đường núi, có khi phải hỗ trợ đẩy hàng cho ngựa. Cho dù những đoạn đường đã rải xi măng cũng để lại dấu chân rất sâu của ngựa, trên đường đâu đâu cũng có phân ngựa, những con ngựa đang chở vật liệu thở phì phò, đi khập khiễng. Nếu gặp trời mưa, đường núi bùn lầy, rất dễ trượt chân, người dắt ngựa cần phải hết sức cẩn thận.
Sau khi bắt đầu công việc tái thiết năm ngoái, thôn đã tập trung tất cả số ngựa của thôn, thành một đoàn ngựa thồ, chở vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình theo từng đợt.
Ông Lương Bảo Thành sau Tết năm nay mới bắt đầu xây nhà, mục tiêu của ông là xây xong nhà trong 6 tháng đầu năm, "vì năm nay sẽ cưới vợ cho con trai mình."
Phóng viên Tân Hoa xã tận mắt nhìn thấy, móng nhà của ông đã hoàn thành, những ngày này, đoàn ngựa thồ đang chở đất cát và gạch ngói cho nhà ông Thành, sau khi chuẩn bị xong vật liệu xây dựng thì bắt tay xây tường.
"Trước khi tiến hành công việc tái thiết, Phòng nhà đất huyện đã cử người khảo sát địa chất trên núi để xác định sẽ không xảy ra tai nạn thứ cấp, mới cho phép xây nhà." Ông Lương Bảo Thành nói.
Là huyện bị thiên tai nghiêm trọng nhất của tỉnh Cam Túc, công việc tái thiết của nông thôn huyện Văn bao gồm 34.999 nông hộ, trong đó có hơn một nửa số thôn làng giống như thôn Lương Gia Sơn nằm ở vùng núi cao và lưng chừng núi, không ít thôn làng đều phải dựa vào gia súc và người chở vật liệu xây dựng để tái thiết.
"Kể từ khi bắt đầu tái thiết cho đến khi xây dựng xong ngôi nhà, ngày nào cũng không thể thiếu ngựa, thời gian tái thiết kéo dài đến lúc nào thì cần có ngựa thồ đến lúc đó, quê hương chúng tôi được xây dựng trên lưng ngựa." Ông Lương Bảo Thành nói như vậy. |