Nghe Online
Linh: Quý vị và các bạn thính giả thân mến, hoan nghênh các bạn đến với tiết mục đặc biệt "Câu chuyện hai kỳ họp" của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Trong phòng thu Bắc Kinh hôm nay có Mẫn Linh và chị Như Ngọc, chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Trung Quốc, chúng tôi sẽ cùng chia sẻ với các bạn câu chuyện "hai kỳ họp" hôm nay.
Ngọc: Xin chào các bạn thính giả, xin chào Mẫn Linh. Tôi là Như Ngọc.
Linh: Chào chị Ngọc. Trong báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đọc trước Quốc hội tại lễ khai mạc hội nghị thường niên của Quốc hội ngày 5 tháng 3 vừa rồi, có đề cập tới các công tác an sinh xã hội, đây cũng là vấn đề thiết thực mà người dân Trung Quốc quan tâm nhất.
Ngọc: Mẫn Linh nói rất đúng. Đó là nhiệm vụ thứ 6 trong tổng số 7 nhiệm vụ công tác của Chính phủ Trung Quốc năm 2009. Và tôi chú ý đến, trong công tác an ninh xã hội, điều quan trọng hàng đầu là cần thúc đẩy việc làm.
Linh: Nói đến thúc đẩy việc làm thì không thể không đề cập tới hai đối tượng việc làm quan trọng. Một là sinh viên tốt nghiệp, hai là lao động nông dân. Hai đối tượng này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay. Chị Ngọc, ở Việt Nam, tình hình việc làm hiện nay như thế nào?
Ngọc: Tình hình ở Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, trước cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc chỉ tuyển lao động tạm thời, khiến cơ hội việc làm dành cho các sinh viên tốt nghiệp ít hơn trước, đồng thời nhiều dự án đầu tư tạm ngừng hoặc hủy bỏ, nhiều thị trường bị đóng băng, khiến lao động mất việc tăng lên, hiện nay các cơ quan chức năng đang tích cực tìm biện pháp giải quyết việc làm cho lao động mất việc, đặc biệt là lao động nông dân. Ở Trung Quốc, tôi được biết có 20 triệu lao động nông thôn trở về quê hương tìm việc làm hoặc nghỉ ở nhà.
Linh: Vâng, quả thực Trung Quốc năm nay đang đứng trước tình hình việc làm rất gay cấn. Cho nên, tại "hai kỳ học"—kỳ họp thường niên Quốc hội và kỳ họp thường niên Chính Hiệp Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh, làm thế nào để thúc đẩy việc làm của người dân, nhất là sinh viên và lao động nông thôn là những đề tài thảo luận nóng hổi của các đại biểu Quốc hội và ủy viên Chính Hiệp, tìm mọi cách để tạo việc làm cho sinh viên và lao động nông thôn.
Ngọc: Vâng, từ các cơ quan truyền thông Trung Quốc, Như Ngọc cũng đề ý tới điều này. Nhất là trong báo cáo công tác Chính phủ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nêu bật công tác này, như Mẫn Linh vừa đề cập trên đây
Linh: Vậy, chị ấn tượng nhất là đối với biện pháp nào được đề cập trong báo cáo công tác chính phủ 2009 của Trung Quốc?
Ngọc: Ấn tượng, vâng, ấn tượng đầu tiên của Như Ngọc là đối với tổng thể của các biện pháp này, và đặc biệt là sự trình bày ngắn gọn các biện pháp của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã dùng những từ dễ hiểu nhất để trình bày các biện pháp đó, kể cả những người nước ngoài như tôi cũng cảm thấy rất dễ hiểu, đây cũng là một trong những đặc điểm của bản báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Tôi vẫn nhớ, trong bản báo cáo công tác chính phủ này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói cần phải để cho người dân biết chính phủ đang làm những gì? Có lẽ Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã trực tiếp tham gia soạn thảo báo cáo nên dùng những từ rất dễ hiểu, đặc biệt là làm cho đông đảo nông dân Trung Quốc hiểu được nội dung của bản báo cáo.
Linh: Vâng. Thực sự, trong bản báo cáo công tác năm nay đã không thấy những từ khó hiểu, khi mà Thủ tướng đọc bản báo cáo này trước Quốc hội như là đang nói chuyện bình thường với người dân.
Ngọc: Ngoài dùng những từ dễ hiểu ra, các biện pháp thúc đẩy việc làm mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nêu trong bản báo cáo công tác chính phủ cũng rất cụ thể, để cho các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai thực hiện. Như Ngọc xin đơn cử là, trong báo cáo công tác chính phủ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói, Ngân sách Trung ương Trung Quốc năm nay sẽ đầu tư 42 tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy việc làm. Khi đề cập tới việc thúc đẩy việc làm của sinh viên mới ra trường, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói, các sinh viên mới ra trường làm việc trên cương vị quản lý xã hội và phục vụ cộng đồng ở cơ sở thành thị và nông thôn, sẽ được trợ cấp về bảo hiểm xã hội và việc làm; đến các cơ sở nông thôn phục vụ hoặc nhập ngũ, sẽ được thanh toán học phí và thanh toán khoản tiền vay tín dụng ưu đãi ngay từ khi mới nhập trường đại học. Như vậy, đã trình bày một cách cụ thể là sẽ trợ cấp về mặt nào, các cơ quan địa phương rất dễ áp dụng vào thực tế.
Linh: Vâng. Trong báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn đề cập tới nhiều biện pháp cụ thể nữa để thúc đẩy sinh viên mới ra trường tìm việc làm, ví dụ như khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp phụ trách dự án nghiên cứu khoa học chuyên đề trọng điểm tuyển các sinh viên phù hợp điều kiện đến làm việc nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường phù hợp tiêu chuẩn được hưởng sự ủng hộ về chính sách việc làm theo quy định hữu quan. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn thông qua mở rộng đầu tư để tạo việc làm cho sinh viên, như đẩy nhanh việc xây dựng vườn lập nghiệp cho sinh viên v.v.
Ngọc: Vâng. Ở Việt Nam, các sinh viên mới ra trường cũng gặp phải vấn đề khó tìm việc làm, Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy sinh viên tìm việc làm. Theo tôi thì hai nước có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau, cái gì mà phù hợp tình hình trong nước thì áp dụng cái ấy, mục tiêu chung là tạo việc làm cho sinh viên.
Linh: Vâng. Mở đầu tiết mục, Mẫn Linh có nói là việc thúc đẩy việc làm liên quan đến hai đối tượng chủ yếu, sinh viên là một, hai là lao động nông thôn.
Ngọc: Nông dân không còn nghi ngờ là một trong những đối tượng được chính phủ quan tâm nhất năm nay. Hầu như các nhiệm vụ chính trong năm của Chính phủ Trung Quốc đều liên quan đến lợi ích của nông dân. Trong tình hình cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến nông dân.
Linh: Vậy, theo chị được biết, Trung Quốc năm nay sẽ áp dụng biện pháp gì để tạo việc làm cho nông dân?
Ngọc: Theo tôi được biết, nói chung là chia thành hai phần, một là tạo việc làm, hai là khuyến khích nông dân tự lập nghiệp. Nhằm tạo việc làm cho lao động nông dân, Trung Quốc sẽ thông qua xây dựng các dự án quan trọng để tạo việc làm cho nông dân. Năm nay Trung Quốc đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 4000 tỷ nhân dân tệ, một phần của khoản tiền này sẽ dùng để đầu tư xây dựng nhiều dự án dân sinh, như vậy là cần tuyển dụng rất nhiều lao động. Ngoài ra, Trung Quốc còn tổ chức tập huấn cho nông dân để họ có tay nghề, bản lĩnh tìm việc làm; ủng hộ các doanh nghiệp có khó khăn áp dụng cơ chế việc làm linh hoạt, cố gắng không cắt giảm lao động. Thứ hai ủng hộ lao động nông thôn về quê lập nghiệp, nhà nước sẽ ủng hộ về các mặt như chính sách tài chính v.v.
Linh: Vâng, cảm ơn sự giới thiệu trên đây của chị Ngọc. Thực ra, nói đến việc thúc đẩy việc làm, chính sách là một mặt, bản thân các đối tượng tìm việc làm cũng là một mặt.
Ngọc: Vâng, bản thân sinh viên hoặc nông dân cũng phải tích cực tích lũy các kiến thức hữu quan để nâng cao khả năng của mình.
Linh: Vâng. Vừa qua, kỳ họp thường niên Chính Hiệp Trung Quốc đặc biệt tổ chức hai buổi họp báo chuyên đề về "thúc đẩy lao động nông thôn tìm việc làm" và "thúc đẩy sinh viên tìm việc làm", mời các ủy viên hữu quan góp ý cho nông dân và sinh viên.
Ngọc: Vâng.
Linh: Trong đó, các ủy viên cho rằng, sinh viên nên xây dựng quan niệm tìm việc làm đúng đắn, vì sinh viên vẫn còn trẻ, không cần phải yêu cầu quá cao ở công việc đầu tiên, trước hết là tìm được việc làm, thứ hai mới là chọn việc làm. Thường thường công việc đầu tiên là để tích lũy kinh nghiệm. Chị thấy có đúng không?
Ngọc: Các sinh viên trước hết cần tìm một việc làm để tích lũy kinh nghiệm, dần dần chuyển sang công việc mà mình yêu thích. Đối với sinh viên mới ra trường mà nói, dành dăm ba năm để tích lũy kinh nghiệm là điều cần thiết. Không bao giờ có sẵn một công việc đầy hứa hẹn, thu nhập cao dành riêng cho những sinh viên mới rời ghế nhà trường chưa biết gì về thị trường. Bên cạnh đó, trong dăm ba năm đó, cần phải phát hiện những mặt yếu của mình, cố gắng bù đắp để kiến thức của mình đáp ứng với nhu cầu của xã hội.
Linh: Còn các lao động nông dân, qua "hai kỳ họp" này, họ chắc chắn sẽ bớt đi phần nào mối lo ngại, vì chính phủ đã chú ý đến vấn đề việc làm của họ và đang tích cực đưa ra các biện pháp hữu hiệu.
Ngọc: Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng lan rộng, nhưng các tín hiệu đưa ra từ "hai kỳ họp" năm nay cho thấy, Trung Quốc đang tích cực tìm mọi cách ứng đối khủng hoảng Như Ngọc tin rằng vấn đề việc làm, một vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân chắc chắn sẽ được giải quyết kịp thời. |