Từ đầu năm 2008 đến nay, cơn bão tài chính bắt nguồn từ Mỹ tiếp tục lan rộng, đang diễn biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực châu Á ở bên bờ tây Thái Bình Dương cũng không tránh khỏi bị tác động. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán, môi trường kinh tế vĩ mô quốc tế trong thời gian tới sẽ xấu đi hơn nữa, 2009 sẽ là một năm tương đối khó khăn của châu Á, nếu các nền kinh tế liên quan hợp tác hết mình, quả quyết áp dụng các biện pháp hữu hiệu thì tình hình kinh tế năm 2009 vẫn sẽ nằm trong phạm vi "có thể kiểm soát". Để hình thành sức mạnh chống lại cuộc khủng hoảng tài chính, các nền kinh tế chủ yếu ở châu Á đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác khu vực, cùng nhau ứng đối khủng hoảng tài chính.
Đại hội đồng Nghị viện châu Á diễn ra cuối tháng 11 năm 2008 thông qua "Tuyên bố Gia-các-ta", đề xuất thành lập Quỹ ứng đối khẩn cấp châu Á để hỗ trợ cho các thị trường mới nổi bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính; ủng hộ việc thành lập cơ chế giám sát châu Á để giám sát tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan tài chính-tiền tệ; ủng hộ việc thiết lập hệ thống kinh tế khu vực, coi đó là biện pháp cuối cùng trong ứng đối khủng hoảng tài chính không ngừng lan rộng.
Ngày 16-12-2008, tại Xin-ga-po, Bộ trưởng Kinh tế của 6 nước trong số 10 nước ASEAN gồm: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Lào, Cam-pu-chia và Bru-nây đã ký kết hiệp định tự do thương mại về hàng hoá, dịch vụ và đầu tư ASEAN, thể hiện lên quyết tâm đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Được biết, 4 nước thành viên ASEAN còn lại gồm:Việt Nam, Thái Lan, Phi-li-pin và Mi-an-ma cũng sẽ ký kết hiệp định này trong tương lai không xa. Các nhà phân tích chỉ rõ hiệp định được ký trong tình hình khủng hoảng tài chính quốc tế sẽ góp phần cho ASEAN trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Gần đây nhất, ngày 22-2-2009, Bộ trưởng Tài chính 10+3 gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhóm họp tại Phu-kệt miền nam Thái Lan, tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như tình hình kinh tế vĩ mô của khu vực, chính sách và biện pháp ứng đối khủng hoảng của các nước, cũng như hợp tác tài chính Đông Á. Hội nghị đã xem xét và công bố "Chương trình hành động ổn định kinh tế-tài chính châu Á".
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 bế mạc ngày 1-3, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng cộng đồng ra, cũng đã bàn thảo và ra tuyên bố về các vấn đề liền quan như ứng đối khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế... |