Lúc ăn sáng, trời còn tạnh. Nhưng khi chúng tôi chia tay các đồng chí ở phòng tuyên truyền Mông Tự thì ông trời như bị "cảm", hơn nữa bị "cảm nặng". Các đồng chí ở phòng tuyên truyền gọi điện khuyên chúng tôi thay đổi hành trình hôm nay, bởi vì mưa to quá, đường núi khó đi lắm. Tôi và La Thành không muốn lãng phí thời gian chờ đợi, quyết định đi trong mưa, xe đi chậm một tý là được.
Tài xế là chú Trương là hội viên Hội nghiên cứu học thuật Kinh Dịch Trung Quốc, Nhà Bốc dịch cấp một, làm tài xế tắc-xi chỉ là nghề phụ của chú. Xe đi rất chậm trong mưa, chú Trương thao thao bất tuyệt giới thiệu sự huyền diệu của Kinh Dịch cũng như sự khác biệt giữa Kinh Dịch với mê tín dị đoan cho chúng tôi. Không ngờ đi đường xa còn có thể gặp những người giỏi như vậy, khiến tôi cũng học được rất nhiều điều bổ ích.
Sông Hồng Hà quanh năm chảy xiết bắt nguồn từ miền trung tỉnh Vân Nam, từ phía bắc chảy sang phía nam cuối cùng chảy vào Việt Nam. Đi ra khỏi địa phận Mông Tự, ô-tô chạy trên đường dọc theo bờ sông Hồng Hà, điều này cũng chứng tỏ chúng tôi đang đến gần với biên giới Trung-Việt. Nước sông Hồng Hà đúng là màu đỏ thật, thật đúng như tên gọi của nó.
Chả lạ gì sự khúc khuỷu của đường núi, cái đặc biệt nhất chính là sự thay đổi của thời tiết trong núi này. Không nhớ nổi nhà văn nào đã dùng từ khuôn mặt trẻ con để hình dung sự thay đổi của thời tiết, nhưng nếu gặp "trẻ con" vùng núi Vân Nam, thì có lẽ bất cứ bố mẹ nào cũng đều phải phát điên. Mưa to như trút nước khiến người ta không thể nhìn rõ cảnh vật bên ngoài, cái gạt nước gạt liên tục; thế nhưng chỉ cần rẽ một cái, lại trời nắng đẹp, mở cửa sổ, giơ tay ra ngoài, tận hưởng ánh nắng ấm áp. Xe lại rẽ một cái, lại rét run, sương mù dày đặc khiến tầm nhìn xa không đến đầy 10 mét, ánh nắng mặt trời ban nãy như đã đi qua hàng thế kỷ. Cứ như vậy, đường núi khúc khuỷu ngoằn ngoèo 18 cua gấp, thời tiết cũng đan xen mưa, sương mù, nắng đẹp. Câu nói "Trong một ngọn núi đã có bốn mùa, chỉ cần đi 10 dặm là thời tiết đã đổi thay" tuy rất hình tượng, nhưng chẳng ngoa chút nào. Rẽ một cua đâu cần đến 10 dặm.
Qua trạm kiểm tra biên phòng cầu Man Hao thì đến địa phận huyện Kim Bình, nhìn thấy trạm kiểm tra biên phòng có nghĩa là chúng tôi cách biên giới không xa.
Đến chính quyền huyện Kim Bình đã vào khoảng hai giờ chiều. Trước khi xuất phát từ Mông Tự, các đồng chí ở Mông Tự nói chỉ cần vượt qua một ngọn núi, đi qua một chiếc cầu là sẽ đến Kim Bình, thế mà chúng tôi phải đi mất 5 tiếng đồng hồ.
Đi hai ngày, hầu hết thời gian đều ở trên xe, để tiết kiệm thời gian, chúng tôi không hề nghỉ ngơi trực tiếp đến thị trấn sông Kim Thủy, tối ở lại sông Kim Thủy. |