Tên gọi: Thiên hồ, Linh hồ hay Thần hồ.
-Nơi sở tại: Nằm ở cây số 190 giữa huyện Đang-Hung thành phố La-Sa và huyện Pan-Cơ địa khu Na-Suy.
-Độ cao: Cao hơn mặt biển 4718 mét.
-Tổng diện tích: rộng 1920 km vuông.
Na-mu-sua là thắng cảnh phật giáo truyền thống nổi tiếng của Tây Tạng, là hồ nước mặn lớn thứ hai của TQ và cũng là hồ nước mặn có độ cao so với mặt biển cao nhất trên thế giới, nơi nước sâu nhất là khoảng 33 mét trở lên. Phía đông nam hồ là đỉnh núi chính của dãy núi Thang-cu-la quanh năm tuyết phủ. Phía bắc là cao nguyên đồi núi, quanh hồ là đồng cỏ rộng bao la.
Na-mu-sua là do sự vận động của dãy Hy-ma-lay-a bị lõm xuống hình thành vào cuối thế kỷ 3 và đầu thế kỷ 4. Ven hồ đồng cỏ tốt tươi, là một bãi chăn nuôi thiên nhiên. Cứ đến mùa hè là từng đàn vịt trời kéo đến sinh sôi nảy nở ở đây. Quanh hồ còn có nhiều loài động vật hoang dã như: Gấu, bò rừng, lừa rừng, dê rừng , cáo, hoẵng, rái cạn v v. Dưới hồ có rất nhiều cá vảy nhỏ và cá không vảy cao nguyên, khu vực hồ còn có nhiều cây dược liệu quý hiếm như: Đông trùng hạ thảo, bối mẫu, tuyết liên v v. Nước trong hồ Na-mu-sua là do tuyết tan từ núi Thang-cu-la đổ về, quanh hồ còn có nhiều dòng suối chảy vào hồ, nước hồ trong vắt, mặt hồ nước màu xanh da trời, nên nước và trời như nối liền thành một khối.
Trên mặt hồ có 5 hòn đảo nằm giữa sóng biếc bao la, truyền thuyết phật giáo cho rằng chúng là hóa thân của phật Ngũ phương. Phàm những người đến đây hành hương cầu phật đều rất cung kính, thành khẩn. Trên đảo có rất nhiều trụ đá và núi đá, muôn màu muôn vẻ, vô cùng sinh động. Ngoài ra, trên đảo còn có nhiều hang động, địa mạo kỳ dị, đa dạng , được tạo hóa chạm trổ rất khéo léo, vô cùng kỳ diệu.
Na-mu-sua còn có tên bằng tiếng Mông Cổ là biển Thâng-cơ-ly, thực ra nó chẳng khác nào biển cả nằm trong đất liền, có hiện tượng nước thủy triều lên xuống theo tác động của mặt trăng. Là một hồ thần có sự sống, nó cầm tinh con dê. Nên mỗi khi đến năm Mùi là ở đây đều mở cửa tổ chức ngày hội lớn. Hàng nghìn hàng vạn khách ở trong và ngoài Tây Tạng nô nức kéo đến đây, họ đi quanh núi quanh hồ, hành hương lễ bái. Các tín đồ nói là mỗi khi đến năm Mùi là các chư phật, bồ tát và thần hộ pháp đều tụ tập tại hồ Na-mu-sua lập đàn mở hội thuyết pháp. Nếu lúc này mà đến hành hương, đọc kinh đi quanh hồ chỉ một lần thôi, thì còn hơn hàng nghìn hàng vạn lần lúc thường, vô cùng diễm phúc. Do đó, cứ đến năm Mùi là các tín đồ, tăng lữ đều không quản ngại đường xá xa xôi, lặn lội tới đây, tụng kinh đi quanh hồ một vòng là cảm thấy hởi lòng hởi dạ, tâm hồn được thanh thản và như được tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao.
Cao trào của ngày hội này là vào ngày 15 tháng 4 năm Mùi lịch Tạng. Đến lúc này, các tăng lữ đi họp chợ, trước sau kéo dài đến mấy tháng.
Bên bờ hồ Na-mu-sua có khá nhiều đống Ma-ni rải rác đó đây, do quá lâu năm nên những đống Ma-ni này đã nối liền lại với nhau thành dãy tường cao ngang ngực, kéo dài hàng vài trăm mét. Khi gặp tường Ma-ni , các tín đồ đều xếp vào đó một viên sỏi đá , xếp một viên sỏi đá cũng có nghĩa là tụng một lần kinh . Trên tường Ma-ni có treo nhiều dải vải màu gồm 5 màu, lam, trắng, đỏ, xanh và vàng, cờ phướn phấp phới tung bay như truyền kinh văn lên bầu trời bao la. Tường Ma-ni mỗi năm một cao thêm, cờ phướn mỗi năm một đổi mới. Hàng kinh văn in trên cờ phướn hay khắc trên kinh bản, những thứ cất trong ống tụng kinh hay kinh văn đọc trên miệng của hương khách, tất cả đều là 6 chữ chân ngôn nổi tiếng mà thường ngày vẫn đọc là: Án, ma, ni, bát , minh , hồng. |