Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 24 đến ngày 28-8-1973. Có 1249 đại biểu thay mặt cho 28 triệu đảng viên cả nước về dự đại hội.
Đại hội lần này được triệu tập sau khi đập tan bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu, đồng chí Chu Ân Lai chủ trì công việc hằng ngày của Trung ương và tình hình về các mặt của cả nước có sự chuyển biến tốt.
Chương trình nghị sự của Đại hội là: 1/Đồng chí Chu Ân Lai thay mặt Trung ương đọc báo cáo chính trị. 2/ Đồng chí Vương Hồng Văn thay mặt Trung ương trình bày báo cáo sửa đổi điều lệ Đảng và trình dự thảo sửa đổi lên Đại hội. 3/ Bầu ban chấp hành Trung ương khóa 10.
Đồng chí Mao Trạch Đông điều khiển Đại hội. Đồng chí Chu Ân Lai thay mặt Trung ương đọc báo cáo chính trị do Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên...soạn thảo. Báo cáo không phân tích một cách đúng đắn nguyên nhân xảy ra sự kiện Lâm Bưu, không tổng kết bài học một cách cần thiết mà ngược lại khẳng định "Đường lối chính trị và tổ chức của Đại hội 9 là đúng đắn", kêu gọi toàn đảng "kiên trì tiếp tục cuộc cách mạng chuyên chính vô sản", kiên trì "cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản", việc này đã khẳng định toàn diện và tiếp tục sự sai lầm của "Đại hội 9", làm cho trào lưu "hữu khuynh" tiếp tục phát triển.
Đại hội thông qua báo cáo chính trị, báo cáo sửa đổi điều lệ đảng và "Điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc". Điều lệ Đảng đã bảo lưu các nội dung trong điều lệ đảng của Đại hội lần thứ 9 về tính chất, tư tưởng chỉ đạo, cương lĩnh cơ bản, đường lối cơ bản...của Đảng, có một số điều chỉnh về cơ cấu. Điều đáng chỉ rõ là điều lệ Đảng của Đại hội 10 chủ yếu là làm phong phú thêm những nội dung của cái gọi là kinh nghiệm đấu tranh của hai đường lối trong sai lầm "tả khuynh" có sự diễn biến mới, lấy việc "phê phán chủ nghĩa xét lại là nhiệm vụ trường kỳ để tăng cường xây dựng tư tưởng của Đảng"; đề ra một cách phiến diện nguyên tắc "phản trào lưu", yêu cầu đảng viên phải có tinh thần phản trào lưu...
Đại hội đã bầu ra 195 ủy viên Trung ương và 124 ủy viên dự khuyết. Một số đồng chí lão thành cách mạng bị đè nén trong Đại cách mạng văn hóa và bị gạt khỏi Ban chấp hành Trung ương khóa 9 như Đặng Tiểu Bình, Vương Gia Tường, Ô Lan Phu, Lý Tỉnh Tuyền, Đàm Chấn Lâm, Liêu Thừa Chí...được bầu vào ban chấp hành Trung ương. Tuy có càng nhiều phần tử cốt cán của Tập đoàn Giang Thanh được bầu vào ban chấp hành Trung ương khóamới nhưng sự có mặt trong ban chấp hành Trung ương của một số đông các đồng chí lão thành cách mạng mà mọi người mong đợi đã nói lên lực lượng lành mạnh trong đảng đã được tăng cường. |