Loan Cúc Kiệt là nữ vận động viên liễu kiếm nổi tiếng của Trung Quốc. Trong thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi trình độ thể thao của Trung Quốc còn tương đối tụt hậu về tổng thể, Loan Cúc Kiệt đã giành vinh dự về cho đất nước trong môn đấu kiếm được coi là "độc quyền" của phương Tây. Chị cũng trở thành vận động viên được cả nước biết đến và mến mộ.
Loan Cúc Kiệt sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao, từng luyện tập các môn điền kinh, cầu lông. Năm 1974 Loan Cúc Kiệt 16 tuổi, bắt đầu luyện tập môn đấu kiếm. Ngay trong năm đó, Loan Cúc Kiệt mới tập luyện tròn 3 tháng đã giành giải nhì trong cuộc thi toàn quốc, thể hiện lên sở trường được trời phú trong môn đấu kiếm. Tháng 3-1978, Loan Cúc Kiệt khoác áo Đội tuyển Quốc gia Trung Quốc tham gia Giải vô địch đấu kiếm trẻ thế giới lần thứ 29 diễn ra tại Ma-đrít, Tây Ban Nha. Tại giải lần này, Loan Cúc Kiệt đã thể hiện xuất sắc, là một tay kiếm nặng ký khiến các đội mạnh truyền thống châu Âu phải kính nể.
Đấu kiếm là một môn thể thao cổ xưa, được đưa vào thi đấu chính thức tại Thế vận hội lần thứ nhất diễn ra ở A-ten Hy Lạp năm 1896. Đấu kiếm là môn thể thao được diễn biến từ các cuộc thi đấu của võ sĩ châu Âu thời trung cổ, có ưu thế truyền thống tại châu Âu-nơi cội nguồn của môn thể thao này. Từ khi Liên đoàn đấu kiếm quốc tế được thành lập năm 1901 đến nay, các tay kiếm châu Âu luôn chiếm vị trí độc tôn trong các giải thế giới. Trước đó chưa từng có một vận động viên châu Á nào lọt được vào chung kết.
Tại Giải vô địch đấu kiếm trẻ thế giới lần thứ 29, Loan Cúc Kiệt đã lọt vào bán kết trong sự bàng hoàng và đầy thán phục của khán giả châu Âu. Đối thủ trong trận bán kết của Loan Cúc Kiệt là tay kiếm nổi tiếng của Liên Xô Ga-li-va. Ngay sau khi diễn ra trận đấu, đối thủ đã đấm trúng cánh tay trái của Loan Cúc Kiệt, mặc dù cú đâm này là vô hiệu không được điểm nhưng đã làm cho cánh tay trái của Kiệt đau nhức nhói, máu chảy ra từ vết thương. Sự cố nghiêm trọng như vậy là điều chưa từng có trong lịch sử môn đấu kiếm.
Bộ quần áo bó thân của Loan Cúc Kiệt đã bịt chặt vết thương và máu không thấm ra được, bởi vậy trọng tài cũng như huấn luyện viên và đội trưởng đội Trung Quốc không nắm được mức độ chấn thương của Loan Cúc Kiệt. Loan Cúc Kiệt vươn cánh tay trái, sau vài giây do dự chị đã ra hiệu cho trọng tài tiếp tục thi đấu. Loan Cúc Kiệt đã giấu kín mình bị thương, kiên trì thi đấu hết 4 trận tiếp theo trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau khi kết thúc cuộc thi mọi người mới phát hiện vết thương của chị rất nặng, và lập tức đưa vào bệnh viện điều trị. |