Niềm vui mừng của Giôn-xơn chỉ được 3 ngày, bước sang ngày thứ 4 một điều bất ngờ đã đến. Sáng 27-9, Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế sau phiên họp khẩn cấp tuyên bố "Kết quả xét nghiệm mẫu nước tiểu của Giôn-xơn có phản ứng dương tính với đô-pinh mà Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế cấm sử dụng". Kết quả xét nghiệm dương tính cũng có nghĩa là Giôn-xơn không đủ tư cách để nhận tấm huy chương vàng này. Trước đó, quan chức thể thao Ca-na-đa đã thu hồi tấm huy chương vàng nội dung 100 mét nam của Giôn-xơn và cấm anh suốt đời không được tham gia vào đội Ca-na-đa. Liên đoàn Điền kinh quốc tế cũng nhanh chóng đưa ra quyết định, hủy hỏ kỷ lục thế giới 9 giây 79 lập 3 ngày trước của Giôn-xơn, đồng thời cấm thi đấu trong hai năm. Trước quyết định của Liên đoàn Điền kinh quốc tế, Giôn-xơn đành phải ngậm ngùi về nước. Sự kiện này cũng trở thành vụ bê bối lớn nhất kể từ khi Uỷ ban Ô-lim-pích quốc tế bắt đầu kiểm tra đô-pinh từ năm 1968.
Cuối cùng, kỷ lục thế giới 9 giây 83 do Giôn-xơn lập một năm trước cũng bị hủy bỏ, thành tích 9 giây 92 của Lê-vít tại Ô-lim-pích lần này chính thức được công nhận là kỷ lục thế giới, và giành lại tấm huy chương vàng từ tay Giôn-xơn. Việc sử dụng đô-pinh đã có từ lâu trong lịch sử Ô-lim-pích, theo ghi chép sớm nhất là xảy ra vào năm 1904 trong cuộc thi Ma-ra-tông tại Đại hội Ô-lim-pích lần thứ 3. Phong trào chống đô-pinh cứ 4 năm lại được dấy lên một lần, và lần nào đều có những người hùng ngã ngựa, phải ôm hận suốt đời.
Giấc mộng may rủi của Giôn-xơn đã tiêu tan. Tuy nhiên, anh không coi mình là người thất bại, thậm chí khi Lê-vít xảy ra vụ bê bối đô-pinh 15 năm sau, Giôn-xơn còn một lần nữa đứng ra biện hộ cho mình. Anh nói với các phương tiện truyền thông rằng, số người sử dụng đô-pinh trong giới thể thao là không sao đếm xuể, tôi chẳng qua chỉ là người không may mắn mà thôi. Thế nhưng, không một ai để ý tới lời biện hộ của Giôn-xơn, bởi vì khi Giôn-xơn trở lại sân thi đấu vào tháng 1-1993 sau hai năm bị cấm, anh lại một lần nữa bị kiểm tra ra sử dụng đô-pinh tại Giải Điền kinh trong nhà Môn-tê-rê-an. Ngày 3-3 cùng năm, Liên đoàn Điền kinh quốc tế tuyên bố tại Pa-ri, cấm Giôn-xơn tham gia thi đấu suốt đời. Trong một lần xét nghiệm kiểm chứng năm 1999, Giôn-xơn 38 tuổi lại một lần nữa có phản ứng dương tính với đô-pinh. Cuộc đời vận động viên của Giôn-xơn đã bị mẫu nước tiểu của anh mai táng. Mọi người chán ghét anh. Có một bài bình luận viết: Giôn-xơn có thể nói "chưa bao giờ thất bại trên đường đua", thế nhưng anh lại là một kẻ lừa bịp trên đường đua.
Không ai nghi ngờ về khả năng chạy cự ly ngắn của Giôn-xơn, nhưng điều đáng tiếc là anh đã pha trộn đô-pinh trong theo đuổi ước mở đỉnh cao thể thao, rốt cuộc đành phải hứng chịu nỗi đắng cay và nhục nhã. Sau khi rời đường đua, Giôn-xơn vô cùng buồn bã, anh thường xuyên so tài tốc độ với ô-tô và ngựa. Tại đây, không ai quan tâm anh có sử dụng đô-pinh hay không. Tuy nhiên, mọi người cũng vì đó mà nhớ đến Ô-oen 60 năm trước, sau khi giành 4 huy chương vàng tại Ô-lim-pích Béc-lin, Ô-oen cũng thuộc trường hợp như Giôn-xơn nhưng tính chất lại trái ngược hoàn toàn. Ôn-oen được mọi người tôn vinh là người hùng Ô-lim-pích, còn Giôn-xơn là "người hùng" cô đơn bị đô-pinh chôn vùi. |