Thế vận hội mùa đông lần này diễn ra tại An-bớt-vi-lơ Pháp từ ngày 8 đến ngày 23 tháng 2 năm 1992. Các thành phố xin đăng cai Thế vận hội lần này gồm: Xô-phi-a của Bun-ga-ri; Pha-lun Thụy Điển; Li-lơ-ham-mơ Na-uy; An-cô-ra-giơ của Mỹ; Cô-ti-na Am-pê-dô I-ta-li-a, Béc-tê-xga-đen Cộng hoà Liên bang Đức và An-bớt-vi-lơ Pháp. Hội nghị toàn thể Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế diễn ra ngày 17-10-1986 tại Lô-dan, quyết định trao quyền đăng cai Thế vận hội lần này cho An-bớt-vi-lơ.
An-bớt-vi-lơ nằm ở vùng Đông Nam nước Pháp, trên dãy núi An-pớ giáp ranh với Thụy Sĩ và I-ta-li-a, là một thành phố núi. Các nhà tài trợ đã ký kết với Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế nhiều chương trình tài trợ, tổng cộng khoảng 58 chương trình. Bên cạnh đó Ban tổ chức đã tuyển 8467 người tình nguyện, bởi vậy công tác trù bị diễn ra suôn sẻ, đặt nền tảng vững chắc cho Thế vận hội lần này thu được thành công tốt đẹp.
Thế vận hội lần này gồm 7 môn thi đấu với 57 nội dung, tại Thế vận hội mùa đông lần trước chỉ có 6 môn thi đấu với 46 nội dung. Như vậy Thế vận hội lần này đã tăng thêm 11 nội dung thi đấu gồm: trượt tuyết việt dã 10 km của nam và 30 km của nữ; trượt băng tốc độ cự ly ngắn 1000 mét và 5000 mét tiếp sức của nam; 500 mét và 3000 mét tiếp sức của nữ; trượt tuyết tự do của nam và trượt tuyết kỹ xảo của nữ, hai môn phối hợp mùa đông 7,5 km, 15 km và 3x7,5 km của nữ. Trong đó môn trượt tuyết lao cầu 70 mét được đổi thành cầu 120 mét. Ngoài ra còn tăng thêm 8 nội dung biểu diễn như Ba-lê trên không, trượt tuyết nghệ thuật, trượt tuyết tốc độ...
Cả thảy có 1801 vận động viên của 64 nước và khu vực tham gia Thế vận hội mùa đông lần này, trong đó có 488 vận động viên nữ, 1313 vận động viên nam. Các nước lần đầu tiên tham gia Thế vận hội mùa đông gồm: An-giê-ri, Bra-xin, Crô-a-ti-a, Ôn-đu-rát, Ai-len, Xlô-vê-ni-a và Cộng đồng các quốc gia độc lập. Do Đông Đức và Tây Đức sáp nhập thành một quốc gia nên đã cử một Đoàn tham gia. Các nước Crô-a-ti-a và Xlô-vê-ni-a tách ra từ Nam Tư cũng như các nước Ê-xtô-ni-a, Lát-vi-a và Lít-va tách ra từ Liên Xô cũ đã cử đoàn riêng của nước mình tham ra. |