Sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới lần thứ hai khiến Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế buộc phải lần lượt hủy bỏ Thế vận hội Tô-ky-ô lần thứ 12 và Thế vận hội Luân Đôn lần thứ 13, mặc dù mây đen của Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã che phủ toàn cầu, cản trở sự phát triển của Thế vận hội, song giữa thời kỳ diễn ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Thế vận hội đã phát triển với quy mô chưa từng có, việc tổ chức của Thế vận hội cũng ngày càng quy phạm. Những điều này đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các Thế vận hội sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Trước hết là các môn thi đấu của Thế vận hội. Trong thời kỳ đầu tổ chức Thế vận hội, các môn thi đấu của Thế vận hội đều được đặt một cách tùy tiện, thường là do Ban tổ chức Ô-lim-pích của nước chủ nhà tự xác định. Tính tùy tiện này không có lợi cho sự phát triển của Thế vận hội. Năm 1930, Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế cùng với Liên đoàn thể thao quốc tế thương lượng xác định các môn thi đấu chính thức của Thế vận hội. Quyết định này làm cho các môn thi đấu của Thế vận hội sau này bố trí được quy phạm hơn và đã thúc đẩy sự nghiệp phát triển của Thế vận hội.
Các công trình thi đấu của Thế vận hội cũng không ngừng được hoàn thiện. Bắt đầu từ Thế vận hội năm 1920, các môn điền kinh bắt đầu sử dụng đường chạy tiêu chuẩn 400 mét, Thế vận hội Pa-ri năm 1924 đã thiết kế bể bơi tiêu chuẩn 50 mét, những tiêu chuẩn này đến nay vẫn được sử dụng. Đến Thế vận hội Béc-lin năm 1936, các công trình sân nhà thi đấu đã hoàn toàn tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa, xuất hiện sân thi đấu lớn có thể chứa 110 nghìn khán giả và nhà bơi có thể chứa 18 nghìn khán giả. Tại Thế vận hội Lốt An-giơ-lét năm 1932, các tuyển thủ đoạt chức vô địch, thứ nhì và thứ ba được trao giải thưởng tại đài trao giải với độ cao khác nhau, đài trao giải này cũng được sử dụng đến nay. Thế vận hội lần này còn lần đầu tiên xuất hiện Làng Ô-lim-pích cho các vận động viên ăn ở.
Tư tưởng Ô-lim-pích cũng dần dần được phát triển và chín muồi trong thời kỳ này. Năm 1920, cách ngôn Ô-lim-pích nổi tiếng "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" được xuất hiện. Câu nói này đã thể hiện đầy đủ tinh thần phấn đấu không ngừng tiến thủ, quyết không thoả mãn của thể thao Ô-lim-pích. Khẩu hiệu này tuy ngắn gọn, song có ý nghĩa hết sức phong phú, vừa thể hiện tinh thần can đảm khi đứng trước đối thủ tại sân thi đấu, dũng cảm đấu tranh, dũng cảm giành thắng lợi; vừa yêu cầu quyết không thoả mãn đối với bản thân, không ngừng thách thức bản thân, vươn lên đỉnh cao thể thao.
Cùng với các môn thi đấu của Thế vận hội ngày càng quy phạm, các công trình phần cứng không ngừng hoàn thiện, tư tưởng Ô-lim-pích cũng đã kiện toàn trong giai đoạn này, trong thời gian hơn 20 năm kể từ khi kết thức Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Thế vận hội không ngừng phát triển và hoàn thiện. Cũng vì vậy, Thế vận hội đã nhanh chóng khôi phục sức sống sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiếp tục khuyến khích mọi người không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp thể thao. |