Chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra từ năm 1914-1918 đã khiến Thế vận hội lần thứ 7 dự kiến diễn ra tại Béc-lin năm 1916 buộc phải hủy bỏ. Chiến tranh đã gây bấp bênh cho tình hình quốc tế, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc chưa đầy 21 năm, thì Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ với quy mô lớn hơn và khốc liệt hơn. Thể thao Ô-lim-pích tranh thủ thời gian ngắn ngủi hiếm hoi tương đối hòa bình giữa hai cuộc chiến tranh này, tiến hành 5 lần Thế vận hội mùa hè và 4 lần Thế vận hội mùa đông đã bước đầu hình thành khung và cơ chế vận hành cơ bản của Thế vận hội.
Trong thời gian này, tổ chức Ô-lim-pích phát triển nhanh chóng, số lượng thành viên Ủy ban Ô-lim-pích các nước từ 29 thành viên trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất lên tới 60 thành viên, Liên đoàn các môn thể thao quốc tế lên tới 24. năm 1926, Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế thành lập Ủy ban kỹ thuật do đại diện của các Liên đoàn môn thể thao quốc tế tổ chức. Sau đó, Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế từng bước rút khỏi những công việc kỹ thuật, bắt đầu tập trung quan tâm hơn vào công việc quan trọng như lãnh đạo, điều phối, quyết sách v.v. Thể thao Ô-lim-pích đã hình thành hệ thống tổ chức với ba trụ cột phối hợp lẫn nhau.
Năm 1920 sự xuất hiện của cách ngôn Ô-lim-pích "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" là sự phát triển quan trọng của tư tưởng Ô-lim-pích trong thời gian này, cách ngôn này phối hợp với "điều quan trọng là tham gia", đã khuyến khích mọi người tham gia thể thao Ô-lim-pích với tinh thần tích cực.
Sự kết hợp giữa Thế vận hội và khoa học-kỹ thuật cũng thu được tiến triển quan trọng, đã áp dụng rất nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất lúc đó trong các lĩnh vực của Thế vận hội như công trình kiến trúc, thiết bị điện tử, viễn thông-thông tin, ví dụ như năm 1932 đã sử dụng máy ảnh hai ống kính để chụp ảnh về đích, lần đầu tiên sử dụng máy tính giờ tự động và máy quay phim về đích, lắp đặt màn hình lớn để công bố tỷ số tại sân thi đấu, xuất hiện mạng lưới cho máy in tự động v.v tại Thế vận hội. Kể từ Thế vận hội Béc-lin năm 1936, Ban tổ chức Thế vận hội đã quay phim tài liệu hoàn chỉnh cho Thế vận hội. Lúc đó cũng lần đầu tiên phát truyền hình về Thế vận hội.
Những vấn đề chủ yếu trong thời gian này là tư cách của vận động viên nghiệp dư đã gây nên nhiều tranh luận, nhiều vận động viên cũng vì vậy bị xử phạt không được thi đấu, ví dụ như tuyển thủ chạy xa Phần Lan nổi tiếng Nu-me được các phóng viên gọi là "Siêu nhân" từng 3 lần tham gia Thế vận hội, giành được 9 tấm huy chương vì nhận trợ cấp nên bị coi là "vận động viên chuyên nghiệp", không được tham gia Thế vận hội năm 1932. Ngoài ra, cùng với ảnh hưởng Thế vận hội ngày càng to lớn, âm mưu của một số thế lực chính trị hòng lấy Thế vận hội làm phương tiện chính trị cũng ngày càng lộ rõ, việc này càng đặc biệt nổi cộm hơn tại hai Thế vận hội mùa đông và mùa hè do Đức Quốc xã dưới sự thống trị của Hít-le tổ chức vào năm 1936. |