Tại Thế vận hội An-ve-pen có rất nhiều nghi thức, nghi lễ đều là lần đầu tiên xuất hiện trong Thế vận hội Ô-lim-pích hiện đại, hơn thế nữa những cái lần đầu tiên này đã được kế thừa và phát triển trong các kỳ Thế vận hội sau này. Vậy thì, những cái lần đầu tiên này là gì? Thứ nhất, lễ kéo cờ với 5 vòng tròn tại lễ khai mạc Thế vận hội. Lô-gô 5 vòng tròn của Ô-lim-pích là được thiết kế theo đề xuất của ông Cu-bai-tan. Năm 1914, tại Hội nghị Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế kỷ niệm 20 năm phục hưng Thế vận hội Ô-lim-pích diễn ra ở Pa-ri Pháp, ông Cu-bai-tan giải trình ý tưởng thiết kế 5 vòng tròn rằng: 5 vòng tròn với các màu Lam, Vàng, Lục, Đỏ và Đen tượng trưng cho thế giới công nhận phong trào Ô-lim-pích và 5 đại châu tham gia Thế vận đội Ô-lim-pích, còn màu Trắng-màu thứ 6 là nền của lá cờ, nói lên tất cả các nước đều có thể tham gia dưới ngọn cờ Ô-lim-pích.
Từ Thế vận hội An-ve-pen lần thứ 7 năm 1920, các màu Lam, Vàng, Đen, Lục và Đỏ với 5 vòng tròn đã trở thành biểu tượng của 5 đại châu, đó là châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Đại Dương và châu Mỹ. Cùng với năm tháng trôi đi và sự phát triển của phong trào Ô-lim-pích, sự giải thích đối với 5 vòng tròn cũng có sự thay đổi. Theo cách giải thích mới nhất trong Hiến chương Ô-lim-pích, năm vòng tròn tượng trưng cho khối đoàn kết giữa 5 đại châu, hơn nữa nhấn mạnh tất cả các vận động viên tham gia đều phải thi đấu với tinh thần công bằng và thẳng thắn.
Một điểm mới nữa của Thế vận hội An-ve-pen là: Tại lễ khai mạc, để tưởng nhớ những người hy sinh vì hoà bình trong đại chiến thế giới lần thứ nhất đã thắp cháy ngọn đuốc, đây có thể được coi là tiền thân của việc thắp đuốc tại Thế vận hội. Tuy nhiên, một điều khác với ngọn lửa thiêng Thế vận hội ngày nay là mồi lửa không phải được lấy từ núi Ô-lim-pi-a ở Hy Lạp, cũng không tiến hành chạy rước đuốc. Mãi đến năm 1928 Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế mới đưa ra qui định phải tổ chức lễ thắp đuốc trong lễ khai mạc Thế vận hội, hơn nữa ngọn đuốc này phải rực cháy trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, mồi lửa phải được lấy từ núi Ô-lim-pi-a và phải trải qua các cuộc chạy rước đuốc. Tại Thế vận hội An-ve-pen còn có một nghi thức cực kỳ quan trọng, đó là vận động viên phải tuyên thệ trong lễ khai mạc. Tại Thế vận hội lần này, vận động viên đấu kiếm của Bỉ là người thay mặt toàn thể các vận động viên lên tuyên thệ. Lời tuyên thệ của anh là: Tôi thay mặt toàn thể vận động viên xin tuyên thệ: Vì sự vẻ vang của thể thao, vì vinh dự của đồng đội, chúng tôi sẽ tham gia Thế vận hội lần này với tinh thần thể thao đích thực, tôn trọng và tuân thủ các qui chế.
Nghi thức tuyên thệ tại Thế vận hội lần này là sự kế thừa sự tuyên thệ trước tượng thần Dớt của Thế vận hội cổ đại.
Kéo cờ 5 vòng, thắp cháy ngọn đuốc và vận động viên tuyên thệ là ba sáng tạo của Thế vận hội An-ve-pen năm 1920 và được áp dụng cho đến ngày nay.
Một điều cần nhắc tới là tại lễ khai mạc Thế vận hội An-ve-pen đã thả chim bồ câu tượng trưng cho hoà bình. Việc thả chim bồ câu trong lễ khai mạc cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội Ô-lim-pích. Để thể hiện ý nghĩa hoà bình của phong trào Ô-lim-pích, hơn mười kỳ thế vận hội tiếp sau đều có nghi thức này. Thế nhưng, tại lễ khai mạc Thế vận hội Xơ-un năm 1988 đã xuất hiện một hiện tượng đáng buồn là chim bồ cầu rơi vào bồn lửa thiêng. Vì vậy kể từ đó Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế đã hủy bỏ nghi thức thả chim bồ cầu trong lễ khai mạc. |