Đầu thế kỷ 20, các nước Vương quốc Anh, Cộng hoà Liên bang Đức và Thụy Điển được coi là ba trụ cột lớn trong nền thể thao cận đại của thế giới. Bởi vậy ngay từ khi Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế chưa thành lập, Thụy Điển đã bày tỏ sẵn sàng đăng cai Thế vận hội, tuy nhiên trong một thời gian khá dài Thụy Điển vẫn chưa có cơ hội để đăng cai. Mãi đến năm 1912 thành phố Xtốc-khôm Thụy Điển đã giành được quyền đăng cai Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 5.
Người Thụy Điển với tác phong thiết thực, chắc chắn đã trù bị một cách chu đáo Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 5. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, Thụy Điển còn phát hành rất nhiều các loại thiếp với chủ đề Thế vận hội, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội.
Cũng từ Thế vận hội lần này mọi người đã hiểu biết hơn nữa về tính chu kỳ trong tập luyện thể thao, bắt đầu chú trọng tập luyện trước ngày diễn ra Thế vận hội. Ví dụ như Thụy Điển đã xây dựng Trung tâm huấn luyện dành riêng cho các vận động viên. Đoàn Mỹ thậm chí còn làm một đường chạy trải cỏ nhân tạo ngay trên tàu thủy trên đường tới Thụy Điển để cho các vận động viên tập luyện. Những dấu hiệu này cho thấy, cùng với việc tổ chức các kỳ Thế vận hội, mọi người đã có sự nhận thức sâu sắc hơn đối với việc tập luyện một cách khoa học và hệ thống.
Số vận động viên tham gia Thế vận hội Ô-lim-pích Xtốc-khôm không nhiều, chỉ hơn hai nghìn, chủ yếu là Thụy Điển có sự hạn chế đối với số lượng vận động viên của các Đoàn tham gia. Tại Thế vận hội lần này, Nhật Bản ở châu Á đã lần đầu tiên cử hai vận động viên tham gia, như vậy vận động viên của cả năm châu lục lại một lần nữa hội tụ về Xtốc-khôm.
Thế vận hội lần này đã lần đầu tiên sử dụng thiết bị tính giờ điện tử trong môn điền kinh, thời gian chính xác tới một phần mười giây, đã giải quyết được nhiều tranh chấp trong việc tính giờ của một số trọng tài. Do việc tính giờ rất chính xác nên môn điền kinh tại Thế vận hội lần này đã lập được một số thành tích rất xuất sắc và được Liên đoàn Điền kinh Thế giới xác định là kỷ lục thế giới đầu tiên của môn này. Mặc dù thiết bị tính giờ hiện nay chính xác hơn nhiều so với Thế vận hội năm xưa nhưng đây là lần đầu tiên áp dụng công nghệ khoa học-kỹ thuật trong lịch sử Thế vận hội, bởi vậy nó có ý nghĩa cột mốc.
Có một số vận động viên tham gia Thế vận hội Xtốc-khôm năm 1912 đã trở thành những tên tuổi nổi tiếng sau này. Ví dụ như vận động viên Mỹ Brun-đa-giơ, anh tham gia hai nội dung là 5 môn phối hợp và 10 môn phối hợp, xếp thứ 5 về 5 môn phối hợp toàn năng cá nhân. Bốn mươi năm sau, cũng tức là năm 1952, Brun-đa-giơ đã trở thành Chủ tịch Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế với nhiệm kỳ dài tới 20 năm. Vận động viên nổi tiếng của Vương quốc Anh Ba-cơ tham gia môn điền kinh tại Thế vận hội lần này và xếp thứ 6 trong nội dung 1500 mét. Năm 1959, Ba-cơ vì có đóng góp cho vấn đề giải trừ quân bị nên đã được trao Giải Nô-ben về hoà bình. Còn một vận động viên Cộng hòa Liên bang Đức sau này đã được bầu làm ủy viên Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế, ủy viên Ủy ban Ô-lim-pích của Cộng hoà Liên bang Đức và Chủ tịch Liên đoàn Bóng ném Thế giới. Có thể nói, Thế vận hội lần này đã xuất hiện nhiều gương mặt nổi tiếng sau này. |