Có ba thành phố xin đăng cai Thế vận hội lần này gồm: Béc-lin Cộng hoà Liên bang Đức; Mi-lan và Rô-ma của I-ta-li-a. Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế đã quyết định trao quyền đăng cai Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 4 cho thành phố Rô-ma I-ta-li-a tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 năm 1904. Lúc bấy giờ ông Cu-bai-tan rất mong lợi dụng nền văn hóa sán lạn của Rô-ma để thúc đẩy phong trào Ô-lim-pích phát triển. Ông cho rằng mấy kỳ Thế vận hội trước đều không lý tưởng, đều bị ràng buộc bởi tiền bạc, do đó ông mong mượn quan niệm văn hóa cao cả của Rô-ma để giúp Thế vận hội Ô-lim-pích hiện đại non trẻ này vượt qua khó khăn. Một điều chẳng may là sau năm 1905 ở I-ta-li-a luôn xảy ra động đất và núi lửa, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 1906 thành phố Rô-ma đề xuất họ đã không đủ tiềm năng tài chính để xây dựng các sân vận động và nhà thi đấu cho Thế vận hội, cũng không đủ sức để trù bị Thế vận hội nữa, do đó quyết định từ bỏ quyền đăng cai Thế vận hội Ô-lim-pích lần này.
Sự bỏ cuộc của Rô-ma là một cú sốc bất ngờ đối với Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế. Bởi vì chỉ còn hai năm nữa là diễn ra Thế vận hội. Do thời gian cấp bách, Ủy ban Ô-lim-p̣ích quốc tế gần như đã tuyệt vọng, bởi vì lúc này chẳng còn thành phố nào dám đăng cai Thế vận hội lần này. Trong lúc Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế đang đau đầu thì có một ngôi sao môn đấu kiếm của Anh lúc đó đã ngoài 50 tuổi thay mặt giới thể thao Anh nói với ông Cu-bai-tan rằng: Thành phố Luân Đôn của Anh có thể đảm nhiệm trọng trách trong lúc nguy ngập này. Ủy ban Ô-lim-pích vui mừng khôn xiết. Thực ra, ông Cu-bai-tan cũng suy nghĩ chỉ có nước Anh mới có đủ thực lực kinh tế để tổ chức tốt Thế vận hội lần này với thời gian trù bị không đầy hai năm. Sở dĩ ông không dám đề xuất với Anh là vì năm 1904 đã trao quyền đăng cai cho Rô-ma, nay Rô-ma rút lui nếu ngỏ ý với Luân Đôn lại sợ người ta không chấp nhận, nào ngờ Luân Đôn lại dũng cảm đứng ra nhận đăng cai trong lúc nguy ngập này. Người Anh đầy kiêu hãnh tin tưởng rằng chỉ có họ mới có đủ khả năng đăng cai Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 4. Nhà vua Anh lúc đó Ét-oát thứ 7 đã đích thân ủng hộ việc trù bị Thế vận hội lần này.
Song điều bất ngờ là Chính phủ Anh không nể mặt nhà vua, cũng không nể mặt giới thể thao, họ đã từ chối bất cứ sự tài trợ tài chính nào cho Thế vận hội Ô-lim-pích Luân Đôn. Chính phủ Anh lúc đó cho rằng bỏ ra nhiều tiền như vậy để tổ chức Thế vận hội là không kinh tế. Do đó quyết định không tài trợ cho Thế vận hội lần này.
Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 4 cũng vì vậy mà đứng trước nguy cơ phá sản, Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế cũng tiến thoái lưỡng nan. Nào ngờ, diễn biến tình hình lại có sự đảo ngược theo chiều hướng tốt. Lúc đó Luân Đôn đang tổ chức một Hội chợ mang tên: Phrăng-xê---Vương quốc Anh. Sau khi Ban tổ chức Hội chợ biết được hoàn cảnh khó khăn của Ủy ban Ô-lim-pích đã cam kết sẽ tài trợ tài chính cho Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 4. Mặc dù Ủy ban Ô-lim-pích không khỏi lo lắng Thế vận hội Luân Đôn sẽ đi theo vết xe đổ của Thế vận hội lần thứ 2 và thứ 3, tức chỉ là một hoạt động phụ của Hội chợ Thế giới mà thôi. Tuy vậy nhưng Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế vẫn phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Thế vận hội Ô-lim-pích lần thứ 4 đã diễn ra tại Luân Đôn theo đúng thời hạn. Một điều bất ngờ là Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế phát hiện Thế vận hội Ô-lim-pích Luân Đôn rất thành công, vượt xa dự kiến ban đầu. |