Cuộc thi long trọng và hấp dẫn nhất tại Thế vận hội Ô-lim-pích A-ten năm 1896 trong thực tế là cuộc thi Ma-ra-tông.
Cuộc thi Ma-ra-tông tại Thế vận hội Ô-lim-pích A-ten cơ bản là theo tuyến đường chạy năm xưa của Phi-đi Pít-xơ, tức từ Ma-ra-tông đến A-ten với tổng chiều dài hơn 40 km. Người Hy Lạp rất quan tâm môn thi Ma-ra-tông, bởi vì sau khi bước vào thi đấu môn điền kinh các vận động viên Hy Lạp liên tiếp thất bại, không giành được chức vô địch nào, bởi vậy họ gửi gắm hy vọng vào môn thi duy nhất, đó là Ma-ra-tông.
Thành phố A-ten lúc đó chỉ có 130 nghìn dân, trong khi đó có tới 100 nghìn người xuống đường xem cuộc thi Ma-ra-tông, có thể nói là toàn thành phố đều đã xuống đường. Đây cũng là lần đầu tiên Ma-ra-tông được đưa vào thi đấu quốc tế. Các vận động viên lúc đó không được tập luyện về cự ly chạy dài như vậy, do đó khi tiếng súng hiệu lệnh phát ra mọi người đều chạy thục mạng, kỵ binh cưỡi ngựa mở đường ở phía trước, bụi bay mù mịt, quang cảnh hoành tráng, sôi động. Có vận động viên mới chạy được nửa đường đã không còn sức nữa, có người ngất xỉu bên đường. Cuộc thi Ma-ra-tông lúc đó khác với ngày nay, không lập các trạm cung cấp nước uống, mọi thiết bị đều thiếu thốn, cuộc thi rất gian nan, hơn nữa người Hy Lạp cổ đại còn có thói quen vừa uống rượu vang vừa xem thi đấu. Khi các vận động viên muốn uống nước, khán giả bên đường tới tấp đưa rượu cho họ, vì quá khát nên vận động viên cũng không cần biết đó là rượu hay là nước, cứ như vậy họ uống rượu vang suốt dọc đường chạy và có người còn say, chân nam đá chân siêu, có người vừa về tới đích thì đã say mềm.
Khi chỉ còn 3-4 km là về đích có tới 3 trong số 5 vận động viên tốp một là người Hy Lạp. Khi người truyền lệnh phóng nhanh về sân vận động chính để báo tin vui này, khán giả Hy Lạp vui mừng khôn xiết. Vận động viên về đích đầu tiên là người Hy Lạp, tên là Lu-ít, làm nghề đưa nước ở nông thôn. Khi Lu-ít về đích, mọi người vui mừng khôn xiết, một thành viên hoàng tộc Hy Lạp đã cho anh một tờ séc với con số kếch sù ngay tại hiện trường, một ông chủ khách sạn còn dành cho anh ưu ái ăn ở miễn phí suốt đời tại khách sạn, một ông chủ hiệu hớt tóc cam kết sẽ hớt tóc miễn phí suốt đời cho anh, một thợ đóng giày hứa sẽ đóng giày cho anh suốt đời, còn người dân thì yêu cầu chính phủ bổ nhiệm anh làm bộ trưởng. Một số người giàu còn lên tiếng sẽ gả con gái cho anh, Lu-ít trở thành người hùng của Hy Lạp lúc đó. |