Tại Đại hội thể thao Ô-lim-pích năm 1984, sau khi kết thúc thi đấu từ trường bắn trở về phòng nghỉ tuy chỉ không đầy trăm mét nhưng Hứa Hải Phong phải mất gần 20 phút mới về đến nơi, các phóng viên nước ngoài vây quanh anh vòng trong vòng ngoài để mong được phỏng vấn người đã giành tấm huy chương vàng đầu tiên của Thế vận hội lần này. "Trong nửa giờ sau khi kết thúc thi đấu, tâm trạng của tôi vô cùng phức tạp, bởi vì lúc đó vẫn chưa công bố thành tích, trông những bức ảnh của các phóng viên tôi cảm thấy nét mặt của mình lúc đó khó coi lắm, do phía sau có rất nhiều người nên khi bắn vòng cuối cùng tinh thần của tôi có chút phân tán, thành tích không lý tưởng, chỉ được 91 điểm". Hứa Hải Phong nói lại quang cảnh lúc bấy giờ.
Hứa Hải Phong có tính cách như cha, là người rất kiệm lời. Sau khi tốt nghiệp cấp ba năm 1974, Hứa Hải Phong xung phong nhập ngũ, kiểm tra sức khoẻ đều đạt tiêu chuẩn nhưng anh lúc đó còn thiếu 8 tháng tuổi nên chính quyền địa phương không đồng ý cho anh nhập ngũ. Thực ra, nếu cha anh lúc đó nói giúp một câu thì anh đã có thể nhập ngũ, song ông lại bảo rằng "Anh có giỏi hãy dựa vào bản thân phấn đấu, nhờ vả vào cha làm gì?". Câu nói này đã gây chấn động mạnh và mãi mãi khắc sâu trong lòng Hứa Hải Phong.
Năm 1975, Hứa Hải Phong 18 tuổi đã tình nguyện xuống nông thôn đến Công xã La Bách lao động, tuy nhiên trong lòng anh lúc đó vẫn ao ước được phục vụ trong quân đội, nhưng kết quả ước mơ của anh không trở thành hiện thực bởi vì quá 4 tháng tuổi. Sau khi giấc mơ nhập ngũ tan thành mây khỏi, Hứa Hải Phong rất đau buồn, anh đã bỏ ra mấy chục đồng mà mình tiết kiệm bao lâu nay để mua một khẩu súng hơi, từ đó bắn súng đã trở thành niềm vui của anh những khi rảnh rỗi. Mùa thu năm 1979, Hứa Hải Phong trở về thành phố và trở thành một nhân viên của cửa hàng bán phân bón. "Khí A-mô-ni-ắc trong phân đạm ảnh hưởng tới mắt rất lớn, thời gian dài thường làm cho mắt sưng tấy, thị lực cũng bị ảnh hưởng và suy giảm". Hứa Hải Phong cho biết nguyên nhân vì sao anh mắc bệnh về mắt trong sau này.
"Cho đến nay, ở Trung Quốc có thể nói tôi là người đầu tiên giành chức vô địch Ô-lim-pích khi còn làm vận động viên và đào tạo ra nhà vô địch Ô-lim-pích khi làm huấn luyện viên". Lần lượt đào tạo ra hai nhà vô địch Ô-lim-pích Lý Đối Hồng và Đào Lộ Na là niềm kiêu hãnh của Hứa Hải Phong. Theo anh, huấn luyện viên là một chuyên ngành có học vấn sâu sa.
Hứa Hải Phong rất ham mê đọc sách, "Tam Quốc Diễn nghĩa" là pho tiểu thuyết mà anh yêu thích nhất, anh mong tìm kiếm được những mưu lược uyên thâm của các tướng sĩ trong pho tiểu thuyết này. Tại Thế vận hội Ô-lim-pích Xít-ni năm 2000, tình hình tập luyện trước ngày thi đấu của Đào Lộ Na rất tốt, trước hôm thi đấu, Hứa Hải Phong đã phân tích tình hình tập luyện trong ngày và tràn đầy tự tin nói với các nhà báo rằng "Các bạn ngày mai đến đưa tin chắc chắn sẽ ghi nhận một nhà vô địch, đó là Đào Lộ Na".
"Sự tự tin đó đã lan truyền cho chúng tôi, đó là cảm giác rất tin chắc, có thể chiến thắng mọi khó khăn trắc trở". Đào Lộ Na đã đánh giá Hứa Hải Phong như vậy. |