Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Lưu Tường: Người viết lên huyền thoại tại Hy Lạp-1
   2008-03-12 16:51:41    cri
Khi Lưu Tường-người được tôn vinh là "Chàng trai đuổi gió" như mũi tên về đích trong trận chung kết chạy vượt rào 110 mét nam tại Thế vận hội Ô-lim-pích A-ten với thành tích ngang kỷ lục thế giới 12 giây 91, một "huyền thoại Hy Lạp" mới cũng đồng thời xuất hiện. Tuy nhiên, khi mọi người bình tĩnh lại sau cơn cuồng nhiệt trước thành tích huy hoàng này mới thực sự cảm nhận được "người hùng" chính là sự vươn lên trong bình thường và không bình thường, tiến lên trong cô đơn và chinh phục.

Mối duyên nợ với môn Điền kinh:

Hồi nhỏ, cậu bé Lưu Tường nghịch ngợm rất yêu thích thể thao, năng khiếu thể thao được trời phú của Lưu Tường đã được nhiều người ghi nhận khi cậu bé còn là một học sinh Tiểu học. Năm lên lớp 2 tại một trường tiểu học ở Quận Phổ Đà thành phố Thượng Hải, một hôm Lưu Tường đang đuà nghịch trên sân trường sau giờ học đã lọt vào "mắt xanh" của thầy Qúi dạy môn thể dục. Thầy Qúi thốt lên một cách kinh ngạc chẳng khác nào như phát hiện một lục địa mới vậy: Thằng nhỏ bé vậy mà chạy nhanh thật, bước chân vừa dài lại đúng nhịp.

Thầy Qúi nhớ lại rằng: lúc đó thầy đã gọi Lưu Tường đến bên mình và hỏi "Cậu có thích môn chạy không?". Lưu Tường trả lời không một chút do dự "Rất thích". Từ đó thầy Qúi đã đưa Lưu Tường vào đội tập luyện chạy đường dài vốn chỉ dành cho học sinh từ lớp 4 trở lên. Và cũng bắt đầu từ đó Lưu Tường hàng ngày cùng với các anh chị lớn hơn mình khá nhiều tập luyện chạy đường dài. Tuy nhiên, lúc đó không ai ngờ rằng 14 năm sau cậu bé thích chạy này đã trở thành "người bay thế giới" mở ra trang sử mới cho Trung Quốc tại Thế vận hội Ô-lim-pích. Cha mẹ Lưu Tường đều là công nhân bình thường, cha là lái xe của Công ty nước máy thành phố Thượng Hải Lưu Học Căn, mẹ là công nhân của một nhà máy chế biến thực phẩm và hiện đã nghỉ hưu. Năm Lưu Tường 12 tuổi, đang học lớp 4, gia đình rất bình thường này đã đứng trước một sự lựa chọn quan trọng cho tương lai của cậu con trai: được sự giới thiệu của thầy Qúi, hai ông Phương Thủy Tuyền, huấn luyện viên chạy vượt rào và ông Cố Bảo Cương, huấn luyện viên nhảy cao của đội Điền kinh thành phố Thượng Hải đã đích thân đến nhà Lưu Tường để bàn bạc với gia đình, mong cho Lưu Tường tham gia tập luyện một cách hệ thống tại trường Thể dục Thể thao thiếu nhi Quận Phổ Đà có trình độ chuyên môn tương đối cao.

Trải qua nhiều lần giải thích, động viên, ông Lưu Học Căn cũng yêu thể thao đã đồng ý cho con đến tập luyện tại trường Thể dục Thể thao thiếu nhi. Ông cho biết "Vì nghĩ đến cơ thể của cậu con trai có chút mảnh khảnh, nếu được vào trường tập luyện sẽ nâng cao sức khoẻ. Hơn nữa vẫn tiếp tục học hành, nếu không có tiềm năng phát triển về thể thao vẫn có thể chuyển sang con đường khác vẫn chưa muộn". Thực ra, thành tích học tập của Lưu Tường lúc đó luôn đứng đầu lớp, mẹ Lưu Tường mong muốn cậu con trai được học hành đến nơi đến chốn, sau này thi vào một trường đại học danh tiếng.

Khi mới vào Trường Thể dục Thể thao Quận Phổ Đà, Lưu Tường học môn nhảy cao. "Tuy Lưu Tường là nhỏ tuổi nhất trong số các em đến đây tập luyện, nhưng cậu bé có tinh thần không chịu thua ai đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc". Ông Cố Bảo Cương nhớ lại rằng "Lúc đó, mỗi khi tôi nâng xà lên độ cao mà các em chưa từng nhảy qua đều sẽ vang lên một giọng nói của Lưu Tường: Xin thầy cho em nhảy trước". Sau đó Lưu Tường không một chút chần chừ, lấy đà và nhảy ngay. Mỗi khi em bị ngã, tôi hỏi: có còn nhảy không? Tường kiên định trả lời: "Nhảy".