Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Tản văn  Cha con lâu ngày thành anh em
   2009-09-21 21:05:58    cri
Ngọc Ánh từng giới thiệu tản văn "Tấm lưng" của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Chu Tự Thanh, bài tản văn này in trong sách giáo khoa ngữ văn của học sinh trung học phổ thông, bài tản văn này đã miêu tả tình cha trầm mặc kín đáo đối với con trai, đến nay mỗi khi nghĩ đến bài tản văn này là Ngọc Ánh vẫn cảm thấy hết sức xúc động.  Sau đây Ngọc Ánh xin giới thiệu một bài tản văn khác cũng miêu tả về tình cha con, nhưng lại là thứ tình cảm cha con bình đẳng và nhẹ nhõm, thứ tình cảm cha con như tình anh em vậy. Đó là tản văn nhan đề "Cha con lâu ngày thành anh em" của nhà văn hiện đại Trung Quốc Uông Tăng Kỳ. Trước hết là đôi nét về tác giả:

Nhà văn Uông Tăng Kỳ sinh năm 1920 và qua đời vào năm 1997. Quê ông ở huyện Cao Bưu tỉnh Giang Tô, ông là nhà văn và nhà tản văn hiện đại. Ông từng làm giáo viên trung học, biên tập viên của báo "Văn nghệ Bắc Kinh", biên tập của Viện Kinh Kịch Bắc Kinh, ông có thành tựu khá lớn về sáng tác truyện ngắn. 

 Tản văn Cha con lâu ngày thành anh em của nhà Uông Tăng Kỳ sáng tác vào ngày 1 tháng 9 năm 1990

Tản văn  Cha con lâu ngày thành anh em

Tác giả: Uông Tănng Kỳ

Cha con lâu ngày thành anh em, đây là câu châm ngôn của cha tôi.

Cha tôi là con người thông minh tột độ. Cha là một họa sĩ, biết khắc triện, vẽ tranh hoa lá cành. Cha biết chơi nhiều loại nhạc cụ, những thứ như đàn Tỳ bà, Nhị, Sáo, Sênh, cha đều chơi rất giỏi. Cha cho rằng, trong các loại nhạc cụ, đàn nhị là khó chơi nhất, trông nó có vẻ đơn giản, đàn chỉ có hai giây, nhưng âm thanh có nhiều thay đổi, hai tay đều phải phối hợp thành thạo. Cha kéo đàn nhị âm thanh rất vang. Cha nuôi dế mèn, trồng cây cảnh, thế nhưng chậu hoa lan bị chết đúng vào năm mẹ tôi mất, thế là từ đó cha không trồng cây cảnh nữa. Sau khi mẹ mất, cha căn cứ theo thẩm mỹ của mẹ, mua những tờ giấy in hoa màu sắc thanh nhã để cắt quần áo giấy mã cho mẹ, áo mỏng áo dày bốn mùa đều đủ mặc.

Cha là con người dễ gần gũi, tôi rất ít khi thấy cha tức giận, cha không bao giờ to tiếng trước mặt con cái. Cha rất quý con trẻ, thích nô đùa với lũ trẻ con, thích đem lũ trẻ đi chơi. Cô tôi cứ gọi cha tôi là "tên cầm đầu trẻ con". Mùa xuân, chưa đến Tết Thanh minh, cha đã dẫn lũ trẻ con ra cánh đồng lúa mỳ để thả diều. Cánh diều hình con rết do cha tự dán lấy bằng lụa màu. Dây diều là cung đàn nhị đã cũ, rất bền lại nhẹ, cho nên cánh diều bay lên rất thẳng. Ngoài cha ra, tôi chưa hề thấy ai căng dây diều bằng dây đàn nhị cả. Vào trước Tết Thanh minh, khi ruộng lúa mỳ vẫn còn chưa "lên xanh mơn mởn", cho nên ruộng không sợ bị giẫm lên, ngược lại càng giẫm thì lúa lại càng lên tốt. Lũ trẻ bị om ở nhà buồn suốt cả một mùa đông rồi, mùa xuân đến chúng chạy nhảy tung tăng ngoài đồng, lòng vui hớn hở. Cha dùng mũi dao kim cương cắt kính ra thành nhiều mảnh, rồi dùng keo dán lại thành chiếc cầu nhỏ, ngôi đình nhỏ, hay thành quả cầu hình bát giác. Cây cầu, ngôi đình, quả cầu đều rỗng cả, bên trong nuôi dế mèn. Bên ngoài có thể thấy dế mèn bò trong đó hoặc chúng vẫy cánh kêu ra rả. Cha biết làm nhiều loại đèn. Cha dán hình cô gái dệt vải bằng giấy màu xanh trông rất sinh động. Cha làm chiếc đèn hoa sen bằng giấy màu, bên trên màu hồng sẫm bên dưới màu hồng nhạt để dán cánh hoa, dùng giấy màu xanh lá cây làm lá, trông đẹp mắt làm sao. Cha thái bỏ phần đầu quả dưa hấu nho nhỏ, nạo hết phần thịt, khắc rỗng phần vỏ thành những nét hoa văn rất cầu kỳ, làm thành chiếc đèn dưa hấu. Chúng tôi thắp nến gắn vào bên trong vỏ dưa, rồi đi rước khắp đầu đường cuối phố, bọn trẻ hàng xóm cứ đi theo mà xem, chúng thèm muốn hết chỗ nói.

Cha rất quan tâm đến việc học của tôi, nhưng lại không ép buộc gì cả. Trong giai đoạn tiểu học, thành tích môn Quốc ngữ của tôi thường xếp đầu bảng trong lớp. Mỗi khi bài văn của tôi đạt điểm cao, là cha lại mang đi đọc cho mọi người nghe. Thành tích môn toán của tôi rất kém, nhưng cha không hề trách móc tôi, chỉ yêu cầu tôi vừa đủ điểm chuẩn là được. Vì cha thích vẽ, cho nên ngay từ nhỏ tôi cũng thích vẽ, nhưng cha không bao giờ chỉ bảo cách vẽ cho tôi. Mỗi khi cha vẽ là tôi lại đứng bên cạnh xem, thời gian còn lại tôi cứ giở tập san hội họa ra xem rồi lần theo mà vẽ lung tung. Lúc đó tôi không biết thưởng thức loại tranh hoa vẽ ý, chỉ vẽ một số tranh quả đào màu sắc rất tươi, hoặc vẽ thác nước mà tôi chưa từng chứng kiến. Hồi còn niên thiếu, chữ viết của tôi tương đối đẹp, cha từng hướng dẫn một chút cho tôi cách viết, rất mang lại hiệu quả cho tôi. Khi lên sơ trung, tôi rất thích hát Kinh kịch, hát Thanh Y, giọng của tôi rất tốt. Ở nhà, cha kéo nhị, tôi hát. Bạn học tôi có mấy đứa cũng biết hát Kinh kịch, khi nào nhà trường tổ chức liên hoan văn nghệ là tôi lại mời cha đến trường kéo đàn đệm cho chúng tôi hát. Cha cùng vui với lũ học trò chúng tôi suốt cả một buổi chiều. Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu yêu đương, trong cả kỳ nghỉ hè tôi cứ ở nhà viết thư tình, cha ở ngay bên cạnh cứ đưa ra ý kiến lung tung. Mới có mười mấy tuổi mà tôi đã biết hút thuốc lá biết uống rượu. Cha cũng uống, lại còn rót rượu cho tôi. Mỗi khi hút thuốc, lần nào cha cũng rút ra hai điếu, cha một điếu, tôi một điếu. Cha còn thường châm thuốc cho tôi trước. Mối quan hệ giữa hai cha con chúng tôi là như vậy, người ngoài nhìn vào chắc cảm thấy rất lạ. Cha nói: "Cha con chúng mình lâu ngày rồi thành anh em."

Quan hệ giữa tôi với con trai tôi cũng rất tốt. Trong thời kỳ đại Cách mạng văn hóa, tôi bị đưa vào danh sách "phần tử cánh tả", bị đưa xuống nông thôn lao động ở Trương Gia Khẩu, lúc bấy giờ con trai tôi vẫn còn đang học mẫu giáo, nó vừa biết phát âm Hán ngữ, thế là nó viết bức thư đầu tiên cho tôi bằng những từ phiên âm. Tôi cũng đành phải viết trả lời thư cho nó bằng những chữ phiên âm. Thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, các con vẫn rất gần gũi tôi. Vợ tôi nói với chúng rằng: "Các con phải 'vạch rõ ranh giới ' với bố đi." Con trai tôi hỏi lại mẹ nó: "Thế tại sao mẹ lại đi mua rượu cho bố uống?" Chỉ một việc khiến tôi và con trai xảy ra bất đồng. Đó là con trai tôi bị đưa xuống nông thôn rèn luyện ở tỉnh Sơn Tây. Theo quy định, Tết đến có thể về Bắc Kinh thăm thân. Vợ chồng tôi chờ con về. Không ngờ nó lại đưa một đứa bạn học về nữa. Cha của đứa bạn nó đang bị bức hại, khiến cả gia đình phải chia lìa mỗi người một phương. Đứa bạn này đã không còn nhà cửa ở Bắc Kinh nữa, theo quy định của đại đội, cậu ấy không được phép về Bắc Kinh ăn tết, thế nhưng cậu ấy lại rất muốn về Bắc Kinh, dưới sự giúp đỡ bí mật của đám bạn, con trai tôi liền lén lút đưa cậu ấy cùng về. Cậu bạn này ngay cả "hộ khẩu tạm trú" cũng không được đăng ký, trở thành dân phố "chui", nếu chúng tôi giữ cậu ấy ở lại, sẽ bị coi như là mang tội "chứa chấp". Sở công an có thể đến kiểm tra hộ khẩu vào bất cứ lúc nào, các bà ở khu phố cũng có thể tố giác. Lúc bấy giờ, ai nấy cũng khó mà bảo vệ được bản thân mình, làm sao mà có thể quán xuyến được việc của người khác, con trai tôi dây vào việc phiền hà như vậy, khiến vợ chồng tôi rất khó xử. Vợ chồng tôi gọi con đến phòng ngủ, bày tỏ thái độ không hài lòng trước việc làm bộp chộp của nó, tôi trách nó rằng: "Tại sao con lại không bàn với bố mẹ trước hả?" Thằng con tôi nó khóc, khóc một cách ấm ức, khóc đến đau cả lòng. Lúc đó, vợ chồng tôi vỡ lẽ ra rằng: Con trai mình làm như vậy là đúng, vợ chồng mình sai rồi. Tư tưởng sợ liên lụy của vợ chồng tôi như vậy là quá ư tầm thường. Vợ chồng tôi đã thiếu cảm thông cho tình nghĩa giữa con trai với bạn học của nó, không tôn trọng tình cảm của nó. Thế là tôi đồng ý để đứa bạn của con trai tôi ở lại nhà những 40 ngày mới rời đi.

Thái độ đối xử của tôi với việc mấy lần yêu đương của con trai tôi là: "Quan tâm nhưng không dò hỏi". Tìm hiểu nhưng không can thiệp. Chúng tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của con trai mình, để cho nó tự quyết định. Cuối cùng cậu ta phải lòng và yêu trộm một cô bạn gái cùng lớp thời tiểu học, rồi chúng nó cưới nhau, sau đó sinh một cháu gái, nay đã gần bảy tuổi. Con trai tôi có khi gọi tôi là "bố", có khi gọi tôi là "ông". Cháu gái tôi bắt chước bố nó cũng gọi theo như vậy. Bà thông gia nhà tôi trách cháu ngoại mình rằng: "không có phân biệt già trẻ gì cả". Tôi cho rằng, một gia đình hiện đại, tràn đầy tình người, trước hết phải là không phân biệt tuổi tác lớn bé. Bậc làm cha mẹ mà khiến con cái phải sợ hãi, trong nhà "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thì thật chẳng có ý nghĩa gì cả.

Bản thân con cái là thuộc về chúng nó. Hiện tại của con cũng như sau này của chúng, đều nên để chúng tự định đoạt lấy. Một người cha tạo nên hình ảnh của con cái theo lý tưởng của mình là người cha ngu xuẩn, thậm chí quá đáng. Ngoài ra, bậc làm cha, nên cố gắng làm sao để giữ cho cõi lòng mãi mãi trẻ trung. (Hết)

Tản văn "Cha con lâu ngày thành anh em" của nhà văn Trung Quốc Uông Tăng Kỳ. Tác giả đã kể lại mối quan hệ gần gũi, ấm cúng và bình đẳng giữa cha với tác giả, giữa tác giả với con trai mình. Người đời thường nói: Thương cho roi cho vọt, cha con là chiến trường của hai người đàn ông, thực ra phương pháp giáo dục bằng thái độ nghiêm nghị độc đoán, thiếu trao đổi cởi mở với nhau sẽ gây nên bóng đen ám ảnh tâm hồn trưởng thành lành mạnh của con cái. Nếu như người cha cố gắng làm sao giữ cho cõi lòng mình mãi mãi như tâm hồn của tuổi trẻ, cư xử với con cái như anh em bình đẳng trong gia đình, có lẽ như vậy mới là tình cha con cao đẹp.