Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Tản Văn  Nhớ Bắc Bình
   2009-09-07 20:29:55    cri
Ngọc Ánh mở đầu Như các bạn đều biết, Bắc Kinh là Thủ đô Nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa, là Trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh là cố đô đã có hơn 3000 năm lịch sử. Theo đà đổi thay của các triều đại, Bắc Kinh từng lần lượt có hơn 60 tên gọi khác nhau, và là cố đô có nhiều tên gọi khác nhau nhất trong lịch sử đô thị Trung Quốc và trên thế giới. Trong lịch sử Trung Quốc, Kế là tên gọi sớm nhất của Bắc Kinh, sau thời nhà Đường gọi là U Châu, đến thời nhà Liêu gọi là Yên Kinh, thời nhà Kim gọi là Trung Đô, đến triều Nguyên gọi là Đại Đô, sau khi Minh Thành tổ Chu Lệ rời đô mới chính thức gọi là Bắc Kinh, trong thời kỳ Dân Quốc Bắc Kinh lại đổi tên là Bắc Bình, và đến sau ngày Nước Trung Hoa mới thành lập đổi lại tên gọi là Bắc Kinh.

Là cố đô của năm triều đại, Bắc Kinh có bề dày lịch sử sâu xa và truyền thống văn hóa riêng của mình, Bắc Kinh mang phong cách rộng thoáng, đĩnh đạc độ lượng, thư thái khiến mọi người phải say mê. Trong Chương trình hôm nay, Ngọc Ánh xin giới thiệu bài tản văn "Nhớ Bắc Bình" của Lão Xá sáng tác tại thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông vào năm 1936. Lão Xá là người sinh ra và lớn lên tại thành phố Bắc Kinh, trong những năm tháng chiến loạn, ông đành phải sống tại nơi đất khách quê người, khiến trong ông thường mang nỗi niềm xa nhớ quê hương da diết. Những danh từ riêng như "Đào Nhiên Đình", "Thập Sát Hải", "Núi Ngọc Tuyền" xuất hiện trong bài tản văn này chính là tên gọi của những khu phong cảnh du lịch nổi tiếng của thành phố Bắc Kinh.

Tản Văn Nhớ Bắc Bình

Tác giả Lão Xá

Nếu bảo tôi sáng tác một cuốn tiểu thuyết, lấy Bắc Bình làm bối cảnh, tôi không đến nỗi phải lo sợ cho lắm, bởi vì tôi có thể lựa chọn những gì mà tôi biết để viết, và tránh viết những gì mà tôi không biết. Thế nhưng bảo tôi giới thiệu từng thứ một của Bắc Bình, thì tôi chỉ có thể đành chịu bó tay mà thôi. Bắc Bình là cố đô quá rộng lớn, chứa biết bao sự việc và câu chuyện, vậy mà những thứ tôi biết về Bắc Bình lại quá ư ít ỏi, mặc dù tôi sinh ra và lớn lên trên đất Bắc Bình, sống ở đó suốt 27 năm mới ra đi. Nói đến danh lam thắng cảnh của Bắc Bình, tôi chưa hề đặt chân đến công viên Đào Nhiên Đình, thật là nực cười biết bao. Cứ thế mà suy ra, thì những gì mà tôi hiểu biết ở đó chẳng qua chỉ là "Bắc Bình " của tôi mà thôi, và tôi biết về Bắc Bình chẳng qua chỉ là giọt nước trong biển cả mà thôi.

Thế nhưng, tôi thật sự rất yêu mến Bắc Bình. Tôi yêu mến mẹ hiền của tôi. Yêu như thế nào? Tôi lại không thể nói ra được. Khi tôi muốn làm một việc gì đó để lấy lòng mẹ tôi, thì tôi chỉ một mình lặng lẽ mỉm cười; khi tôi lo lắng cho sức khỏe của mẹ, thì tôi lại chỉ muốn rơi lệ. Ngôn ngữ không thể bày tỏ được hết tâm trạng của tôi, chỉ có một mình lặng lẽ mỉm cười hoặc rơi lệ mới có thể bộc bạch được một chút nào đó nội tâm của mình. Tình yêu của tôi đối với Bắc Bình đại loại là như vậy. Ca ngợi một thứ gì đó của cố đô này là việc rất dễ dàng, thế nhưng như vậy sẽ xem Bắc Bình quá ư bé nhỏ.

Tình yêu của tôi đối với Bắc Bình không phải là những gì vụn vặt của nó, mà là cả một giai đoạn lịch sử gắn chặt với cả tâm hồn tôi, một nơi rộng lớn như vậy, có biết bao danh lam thắng cảnh, từ những cánh chuồn chuồn của hồ Thập Sát Hải sau cơn mưa cho đến bóng hình của ngọn tháp trên núi Ngọc Tuyền trong giấc mơ của tôi, hết thảy đều tập trung thành một khối, mỗi một thứ nho nhỏ đều có thân hình tôi, và mỗi nỗi nhớ của tôi đều có một Bắc Bình, đó chẳng qua chỉ là không thốt nên thành lời mà thôi.

Tôi thật muốn trở thành một nhà thơ, ngâm hết thảy những từ hay những ý đẹp vào dòng máu trong trái tim mình, như cánh hoa Đỗ quyên toát lên những đường nét đẹp đẽ của Bắc Bình! Tôi không phải là nhà thơ! Tôi mãi mãi không thể nào giãi bày được tình yêu của tôi, thứ tình yêu như được gợi lên bằng âm nhạc và tranh vẽ. Như vậy không phụ lòng của Bắc Bình, mà cũng không phụ cả lòng mình, bởi vì những kiến thức và ấn tượng ban đầu nhất của tôi là đến từ Bắc Bình, hết thảy đều ngấm vào trong tâm huyết của tôi, nhiều biểu hiện trong đức tính cũng như thói quen của tôi đều do cố đô này ban cho. Tôi không thể nào yêu mến Thượng Hải hay Thiên Tân, bởi vì trong trái tim tôi chỉ có một Bắc Bình. Thế nhưng tôi không thể nói lên thành lời.

Luân Đôn, Pa-ri, Rô-ma Constantinople từng được gọi là bốn "đô thị lịch sử" lớn của châu Âu. Tôi có biết một số tình hình của Luân-đôn; còn Pa-ri và Rô-ma chẳng qua chỉ là từng đặt chân đến; Constantinople thì tôi chưa hề đặt chân. Kể đến Luân-đôn, Pa-ri và Rô-ma thì, Pa-ri càng gần giống như Bắc Bình—tuy rằng hai chữ "gần giống" nó như có vẻ xa xôi—thế nhưng, giả sử có cho "nhà tôi ở Pa-ri" đi nữa, thì hẳn là tôi có cảm giác buồn tẻ cô đơn, và cảm thấy như vẫn không có mái nhà ấm cúng của mình vậy.

Pa-ri, theo như tôi thì nó quá náo nhiệt. Tất nhiên rồi, Pa-ri cũng có nơi yên tĩnh rộng thoáng, thế nhưng lại quá rộng thoáng; không như Bắc Bình vừa phức tạp nhưng lại có giới hạn, khiến tôi có thể chạm tới được—đó là bức tường thành cổ kính trên đó mọc những cây táo chua màu đỏ!

Trước mặt là Đầm Tích Thủy, sau lưng là tường thành, ngồi trên mỏm đá ven hồ ngắm nhìn những con nòng nọc đang bơi lội hay những cánh chuồn chuồn màu xanh đậu trên lá lau sậy, tôi có thể ngồi đó suốt cả ngày với tâm trạng vui vẻ, trong lòng cảm thấy hoàn toàn thoải mái làm sao, không cần cầu xin thứ gì và cũng chẳng có gì đáng lo sợ cả, như bé thơ ngủ ngon lành trong chiếc võng đung đưa. Thật vậy, Bắc Bình cũng có nơi nhộn nhịp, thế nhưng lại rất giống như tập Thái cực quyền, trong cái động lại ẩn náu cái tĩnh. Pa-ri có nhiều nơi khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, cho nên hai thứ cà phê và rượu là rất cần thiết để kích thích thần kinh; Ở Bắc Bình, chỉ cần có ấm nước trà hoa là đủ rồi. Nói ra thì, bố cục của Pa-ri nhịp nhàng hơn nhiều so với Luân- đôn và Rô-ma, thế nhưng lại kém hơn so với Bắc Bình.

Thành phố Bắc Bình toát nên cái vẻ tự nhiên của nhân tạo, hầu như bất cứ nơi nào cũng không chen chúc cho lắm, nhưng lại không đến nỗi hẻo lánh; bất cứ khuôn viên nhà ở nào núp trong ngõ hẻm cho dù là ngõ hẹp nhất cũng có sân vườn; nơi rộng thoáng nhất cũng cách khu phố mua bán và khu nhà ở không xa; Trong ấn tượng của tôi—Bố cục như vậy có thể nói là thiên hạ đệ nhất rồi. Cái hay của Bắc Bình không phải chỗ nào cũng có thiết bị đồng bộ, mà là ở chỗ nơi nào cũng thông thoáng, có thể khiến con người hít thở không khí tự do; Không ở chỗ có những kiến trúc đẹp mắt, mà là ở xung quanh các kiến trúc đều có khoảnh trống, khiến chúng trở thành cảnh vật đẹp mắt.

Mỗi một thành lầu, mỗi một cổng chào, đều có thể nhìn thấy từ xa. Hơn nữa, trên đường phố còn có thể nhìn thấy những dãy núi Bắc sơn và Tây sơn!

Những ai hiếu học, yêu thích chuyên ngành khảo cổ thì rất yêu mến Bắc Bình, bởi vì ở đây có nhiều sách báo, nhiều đồ cổ. Tôi là người không ham học, lại không có tiền để mua đồ cổ. Về thức ăn vật dùng thì tôi lại thích thú với Bắc Bình có nhiều rau xanh, nhiều hoa tươi và nhiều quả tươi. Chơi hoa là thú vui tốn kém, thế nhưng "hoa tươi cỏ tươi" ở đây là rất rẻ, lại thêm nhà nào cũng vườn tược, chỉ cần tốn kém in ít là có thể trồng đầy một vườn hoa, tuy đó chẳng là cái gì, nhưng lại rất đáng yêu. Trên tường có leo đầy hoa bìm bìm, dưới chân tường thường có khóm trúc hoặc cây hoa nhài, thật là tốn kém ít, không tốn công nhưng lại có thể thu hút biết bao cánh bướm đến bay lượn.

Còn về rau xanh thì có rau cải làn, quả đậu xanh, đậu nành, dưa chuột, rau chân vịt vv ... phần lớn những thứ rau đó từ ngoại ô gánh vào thành rồi đưa đến trước cửa. Sau cơn mưa, trên lá rau hẹ còn có những vết bùn do nước mưa bắn lên. Những màu xanh đỏ trên quầy rau thật là đẹp như ý thơ. Còn các trái cây thì phần lớn là được trở từ Tây sơn và Bắc sơn vào thành, quả hải đường, lê là trở từ Tây Sơn đến, táo đen, quả hồng là trở từ Bắc sơn vào, những thứ trái cây đó khi có mặt trong thành phố, bên ngoài còn được phủ một lớp sương mai.

Đúng vậy, Bắc Bình là một đô thị, thế nhưng có thể trồng ra nhiều hoa cỏ, rau xanh, trái cây bản xứ, khiến người dân ở đây càng gần gũi với thiên nhiên hơn. Xét từ trong thành Bắc Bình mà nói, nó không có ống khói tỏa nghi ngút suốt ngày của các công xưởng; xét từ bên ngoài mà nói, nó lại gần gũi với vườn cây, luống rau xanh và thôn quê. Hái cúc dưới hàng rào, ở đây có thể thư thả thấy Nam sơn, đại khái là lấy Nam sơn đổi thành "Tây sơn" hoặc "Bắc Bình", cũng chẳng có gì ghê gớm làm mấy.

Là người nghèo khó như tôi, có lẽ chỉ ở Bắc Bình mới có thể được hưởng một chút thanh cảnh và ấm cúng mà thôi.

Thôi, không nói nữa; nước mắt lại sắp rơi xuống rồi, thật là nhớ Bắc Bình biết bao.

Ngọc Ánh viết lời kết: Tản văn "Nhớ Bắc Bình" của Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lão Xá viết vào năm 1936. Có lẽ có bạn sẽ đặt câu hỏi, thành phố Bắc Kinh giống như tập Thái cực quyền, trong cái động lại ẩn náu cái tĩnh hiện nay còn được như vậy nữa không? Bắc Kinh "vừa không chen chúc, lại không vắng vẻ" phải chăng hiện nay đã không còn tìm thấy nữa? Quả thực là, trải qua mấy chục năm phát triển, phần lớn những cụm kiến trúc tứ hợp viện, thành lầu, cổng chào đã trở nên ít dần, trong bài tản văn này, Lão Xá miêu tả nhà nào nhà nấy cũng trồng hoa trồng cỏ, đã rất khó mà tìm kiếm được bởi bị những toà kiến trúc cao chọc trời ngày nay thay thế. Thế nhưng tại trung tâm thành phố Bắc Kinh, những ngõ hẻm, những tứ hợp viện đã được bảo tồn, trong nhiều công viên hay các viện bảo tàng, bộ mặt của Bắc Kinh cổ vẫn được bảo tồn rất tốt. Nhiều du khách nước ngoài đến Bắc Kinh du lịch có thể ngồi xe xích lô đi thăm quan du ngoạn một số ngõ hẻm yên tĩnh của thành phố, chứng kiến và cảm nhận nhịp sống thư thả thoải mái của người Bắc Kinh gốc.

Trên đây là tản văn "Nhớ Bắc Bình "của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lão Xá, các bạn có thích bài tản văn này không? Hoan nghênh các bạn viết cảm nhận cũng như nhận xét của mình đối với bài tản văn này, để Ngọc Ánh tích cực sưu tầm tiếp những bài tản văn hay khác giới thiệu với các bạn trong cácchương trình tới.