Hằng năm cứ đến cuối tháng 8 là tiết trời Bắc Kinh trở nên mát mẻ hơn, cái nóng như đã được xua đi phần nào sau những cơn mưa rào, và rồi gió thu man mát đang thổi đến. Những cây hoa hợp hoan đang nở rộ trong các vườn hoa ven đường. Tên thực vật của cây hợp hoan là cây Bồ kết tây. Ngọc Ánh biết, ở Việt Nam có rất nhiều cây hợp hoan, ở Trung Quốc cũng có rất nhiều. Vòm cây hợp hoan như hình chiếc ô rộng, hương hoa ngan ngát; điều rất lạ là, hoa hợp hoan ban ngày nở rộ, ban đêm hợp lại, có lẽ vì thế mà mọi người đặt cho nó cái gọi là hoa hợp hoan chăng? Trong những này trời nắng chang chang, mọi người thích núp dưới bóng bây hợp hoan, và vì vậy mà người Bắc Kinh thích trồng cây hợp hoan làm cây cảnh dọc hai bên đường phố.
Nhà văn Sử Thiết Sinh
Những ngày này đang đúng vào mùa hoa hợp hoan đang nở rộ, hoa tô điểm cho thành phố Bắc Kinh cổ kính và tươi trẻ càng thêm duyên dáng. Trong chương trình đêm nay, Ngọc Ánh xin giới thiệu các bạn bài tản văn "Cây hợp hoan" của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Sử Thiết Sinh. Nhà văn Sử Thiết Sinh sinh ra và lớn lên ngay tại thành phố Bắc Kinh, ông sinh năm 1951, năm 1972 không may bị liệt cả hai chân, từ đó ông bắt đầu dấn thân vào con đường sáng tác văn học, trở thành một trong những nhà văn đương đại nổi tíêng Trung Quốc và được đông đảo độc giả kính trọng nhất.
***************
Tản văn Hoa Hợp Hoan
Năm đó tôi lên 10 tuổi, đoạt giải nhất trong một cuộc thi viết văn. Hồi đó mẹ tôi còn trẻ, liền nói với rằng, hồi nhỏ mẹ làm văn còn hay hơn nhiều, ngay cả thầy giáo cũng không thể tin rằng bài văn hay thế là do mẹ lúc đó làm ra. Mẹ nói: "Thầy giáo đến thăm nhà hỏi, bài văn đó có phải là do người lớn làm hộ hay không? Bởi vì lúc đó mẹ có lẽ chưa đầy 10 tuổi mà." Tôi nghe xong cảm thấy có chút cụt hứng, liền cố tình nói rằng: "Có lẽ? Sao lại bảo là có lẽ?" Mẹ tôi liền giải thích. Còn tôi thì làm ra vẻ không để tâm đến câu mẹ nói, cứ tự đánh bóng bàn lên tường, khiến mẹ rất bực dọc. Thế nhưng tôi phải công nhận rằng mẹ rất thông minh, công nhận mẹ là người phụ nữ xinh đẹp nhất trên trần gian. Lúc đó mẹ đang tự may chiếc váy hoa trắng nền xanh.
Năm 20 tuổi, đôi chân tôi bị tàn phế. Ngoài việc vẽ trứng màu cho mọi người, tôi định bụng mình nên làm thêm việc khác nữa, sau mấy lần suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định tập sáng tác văn học. Lúc đó mẹ tôi đã không con trẻ trung nữa, vì lo lắng cho đôi chân tàn tật của tôi, mái tóc mẹ đã bắt đầu điểm sương. Bệnh viện đã xác định rõ ràng, hiện nay bệnh tình của tôi là không có cách nào chữa khỏi được. Thế nhưng mẹ vẫn cứ dốc hết tâm tư vào việc chữa bệnh cho tôi, mẹ đi khắp nơi tìm kiếm bác sĩ, tìm kiếm các phương thuốc, tốn rất nhiều tiền của. Mẹ thường cứ tìm ở đâu ra loại thuốc quái lạ, rồi buộc tôi uống, hoặc là rửa, đắp, hun và cứu cho tôi. Tôi nói: "Thôi đừng tốn thời gian nữa mẹ, không có tác dụng gì đâu." Trong lòng tôi chỉ một mực muốn viết tiểu thuyết, ý định này hình như có thể cứu được một người tàn tật như tôi thoát khỏi cảnh khốn quẫn. "Cứ thử một lần nữa xem sao, không thử thì làm sao mà biết có tác dụng hay không?" Mẹ nói, và lần nào mẹ cũng nuôi hy vọng một cách thiết tha. Thế nhưng đối với đôi chân của tôi mà nói, hy vọng bao nhiêu thì đều thất vọng bấy nhiêu. Đến lần cuối cùng, tôi bị ngải cứu hun đến bỏng cả phần háng. Bác sĩ ở bệnh viện nói, như thế này nguy hiểm quá, đối với bệnh nhân bị liệt mà nói, cứ chữa như thế này thì gần như mất mạng. Tôi không sợ chết cho lắm, nghĩ bụng chết thì cũng tốt thôi, chết đi cho xong chuyện. Chính vì vậy mà mẹ lo nớp suốt mấy tháng trời, cả ngày cả đêm trông nom tôi, mỗi lần thay thuốc mẹ lại nói: "Sao mà có thể bị bỏng được nhỉ? Mẹ cẩn thận lắm cơ mà." May mà vết bỏng của tôi rồi cũng đã khỏi, bằng không có lẽ mẹ phải bị điên lên mất. Về sau phát hiện tôi bắt tay vào việc sáng tác tiểu thuyết. Mẹ nói với tôi rằng: "Vậy thì con cứ việc yên tâm mà viết nhé." Tôi đã nghe ra, cuối cùng thì mẹ cũng đã tuyệt vọng đối với việc chữa khỏi đôi chân của tôi rồi. Mẹ nói: "Hồi còn trẻ, mẹ cũng yêu thích văn học nhất, hồi bằng độ tuổi con bây giờ, mẹ cũng từng muốn sáng tác văn học. Hồi còn nhỏ chẳng phải con đã đoạt giải nhất về làm văn đó thôi?" Mẹ nhắc nhở tôi như vậy. Hai mẹ con đều cố làm sao để quên đi đôi chân tật nguyền của tôi. Mẹ đi khắp nơi mượn sách về cho tôi đọc, mẹ đội mưa đội tuyết đẩy xe lăn đưa tôi đi xem phim, như trước đó mẹ từng đi khắp nơi tìm kiếm bác sĩ, tìm kiếm đủ phương thuốc cho tôi vậy, mẹ nuôi đầy hy vọng.
Năm 30 tuổi, cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi ra đời, nhưng mẹ tôi lại không còn trên cõi đời này nữa. Mấy năm sau, một cuốn tiểu thuyết của tôi lại may mắn đoạt giải, lúc này, mẹ xa rời tôi đã bảy năm ròng.
Sau khi đoạt giải, nhiều phóng viên đến phỏng vấn tôi. Ai nấy cũng đều rất tốt bụng, cho rằng tôi thật không dễ dàng gì. Thế nhưng tôi chỉ chuẩn bị có một cách nói, nói đi nói lại nhiều lần rồi tôi đâm chán. Tôi lăn chiếc xe của mình đi tránh, ngồi dưới lùm cây trong công viên tĩnh mịch, tôi nghĩ: Tại sao Thượng Đế lại gọi mẹ tôi ra đi sớm như vậy? Tôi mơ mơ màng màng như nghe thấy tiếng trả lời: "Tại vì trong lòng mẹ khổ quá. Thượng Đế thấy mẹ không thể chịu nổi nữa, liền gọi mẹ ra đi." Thế là trong lòng tôi cảm thấy có một chút niềm an ủi, tôi mở to đôi mắt, thấy luồng gió thổi đến đang xen qua kẽ lá trong rừng cây.
Tôi lăn xe rời khỏi rừng cây con, lăn xe lang thang trên đường, tôi không muốn trở về nhà.
Sau khi mẹ qua đời, tôi chuyển nhà đi nơi khác. Tôi rất ít khi trở lại khuôn viên ngôi nhà mà mẹ đã từng ở . Khuôn viên nhỏ ở nơi tận cùng của một khuôn viên lớn. Thỉnh thoảng tôi lại lăn xe đến khu khuôn viên lớn ngồi ở đó, thế nhưng lại không muốn vào khu nhà nhỏ, viện lý do là xe lăn vào trong đó bất tiện. Các cụ bà ở đó vẫn cứ coi tôi là con cháu của mình, đặc biệt nghĩ đến tôi không còn mẹ nữa, nhưng ai nấy đều không nói ra miệng, mà thường nói lảng sang chuyện khác, rồi cứ trách tôi sao mà không thường xuyên trở về đây. Tôi ngồi trong sân nhà, uống nước trà của nhà này, ăn dưa quả của nhà kia. Có một năm, cuối cùng thì mọi người lại nhắc đến mẹ tôi: "Cháu vào trong khu vườn nhà nhỏ mà xem đi, cây hoa hợp hoan mà mẹ cháu trồng năm xưa, năm nay ra hoa rồi đấy!" Lòng tôi run lên, nhưng vẫn cứ thoái thác là xe lăn vào trong đó không tiện cho lắm. Mọi người liền không nhắc nữa, vội nói lảng sang chuyện khác, nói rằng, ngôi nhà khi xưa của gia đình tôi nay đã có một đôi vợ chồng khác đến ở, chị vợ vừa sinh một đứa con trai, nó không khóc không quấy, thường chỉ mở to đôi mắt nhìn bóng cây đung đưa ngoài cửa sổ.
Tôi không ngờ rằng gốc cây hợp hoan năm xưa nay vẫn sống. Năm đó, mẹ đi Cục Lao Động xin việc làm cho tôi, trên đường về nhà, mẹ nhổ một gốc cây con vừa nhô ra khỏi mặt đất, ban đầu tưởng là cây Trinh Nữ, liền đem trồng trong chậu, không ngờ nó lại là cây hợp hoan. Mẹ vốn rất thích trồng cây, song hồi đó tâm trí của mẹ để hết ở chỗ khác. Năm sau, cây hoa hợp hoan không nảy mầm, mẹ than phiền một hồi, nhưng vẫn không sể được vứt bỏ nó đi, vẫn để nó trồng trong chiếc chậu sành. Đến năm thứ ba, cây hoa hợp hoan không những mọc lá, mà còn rất sum suê. Mẹ phấn khởi rất nhiều ngày, tưởng rằng đó là điềm lành, thường chăm sóc nó rất chu đáo, không hề sao nhãng. Lại một năm nữa trôi đi, mẹ rời cây hợp hoan ra khỏi chậu, đem trồng xuống đất ở ngay trước cửa sổ, đôi khi mẹ lẩm bẩm, không biết loại cây này mấy năm mới có thể ra hoa đây. Lại một năm nữa trôi đi, chúng tôi chuyển nhà đi nơi khác, nỗi đau khổ đã khiến chúng tôi quên cả gốc cây con này rồi.
Tôi nghĩ, đi lang thang ngoài phố, chi bằng đi thăm gốc cây hợp hoan. Tôi cũng muốn thăm lại ngôi nhà mẹ từng ở. Tôi vẫn luôn nhớ rằng, ở đó có một đứa trẻ chào đời không lâu, nó không khóc không quấy, mở to đôi mắt nhìn bóng cây đung đưa. Có phải là bóng cây hợp hoan không nhỉ?
Các cụ bà trong khuôn viên nhà ở này vẫn quý tôi như vậy, người ở nhà phía đông rót nước cho tôi, người ở nhà phía tây châm thuốc đến tận trước mặt tôi. Mọi người đều biết tin tôi đoạt giải thưởng văn học, có lẽ họ biết, nhưng không cảm thấy việc đó rất hệ trọng; Họ vẫn cứ hỏi thăm đôi chân tật nguyền của tôi, hỏi tôi đã tìm được công ăn việc làm chính thức hay chưa. Bây gìờ, muốn lăn xe vào trong vườn nhà cũng không thể được nữa rồi. Cái bếp trước cửa nhà nào nhà nấy đều xây rộng ra ngoài, hành lang hẹp đến nỗi một người dắt xe đạp cũng phải nghiêng mình mới có thể vào được. Tôi hỏi thăm gốc cây hợp hoan, mọi người nói rằng, năm nào cây cũng ra hoa, cây cao bằng mái nhà rồi. Thế thì, tôi không được thấy lại nó rồi. Nếu như tôi nhờ người khác cõng tôi vào đó xem, tất nhiên là không thể nói là không ai chịu cõng. Tôi ân hận là cách đây hai năm tôi không tự mình lăn xe vào đó ngắm cây hợp hoan .
Tôi điều khiển chiếc xe lăn từ từ trên đường phố, tôi không nôn nóng về nhà vội. Con người đôi khi chỉ muốn yên lặng một lúc. Nỗi đau đớn cũng trở thành sự hưởng thụ.
Đến một ngày nào đó, đứa bé trai đang ở trong ngôi nhà nhỏ sẽ lớn lên. Thể nào nó sẽ nghĩ đến chuyện thời thơ ấu, nghĩ đến bóng cây hợp hoan đung đưa, nghĩ đến mẹ mình. Rồi nó sẽ trở về thăm lại gốc cây. Song nó không biết rằng gốc gây này là do ai trồng xưa kia, và trồng trong hoàn cảnh như thế nào.
***************
Bài tản văn "Cây Hợp hoan" của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Sử Thiết Sinh.đã bộc bạch niềm thương nỗi nhớ vô hạn đối với người mẹ thân yêu, thật là thương cảm làm sao.
Các bạn có thích bài tản văn này không? Trong chúng ta ai cũng có mẹ, các bạn nghe song có cảm nhận gì? Có lời bình như thế nào? Hoan nghênh viết thư, viết lưu ký hoặc viết thư điện tử cập nhật cho Ngọc Ánh theo E-mail vie@cri.com.cn, hoặc mời các bạn gửi qua bưu điện quốc tế theo địa chỉ: CRI- 12 Hộp thư Ngọc Ánh Ban tiếng Việt Nam Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, hoặc gửi thẳng đến Phòng Văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc 46 phố Hoàng Diệu Hà Nội chuyển Hộp thư Ngọc Ánh. |