Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Các Hoàng đế thời Đường đam mê đan dược
   2009-08-19 19:13:17    cri
Đan dược, còn gọi là Tiên đan , là loại thuốc do các Phương thuật chi sĩ tức Đạo sĩ thời cổ nung bằng  đỉnh lư và bào chế bằng các loại chất khoáng thiên nhiên như chì sa, lưu huỳnh, thủy ngân. Truyền rằng, nếu ăn Đan dược có thể chữa trăm bệnh, trường sinh bất lão. Bởi vậy mà nhiều Hoàng đế thời cổ Trung Quốc đều miệt mài theo đuổi một cách cuồng nhiệt. Đặc biệt là đến thời nhà Đường, do Đạo giáo thịnh hành, phong trào luyện đan dược lại càng lên đến đỉnh cao. Thế nhưng, vì chất độc trong đan dược rất mạnh, một số hoàng đế theo đuổi trường sinh bất lão không thành, ngược lại đã phải bỏ cả tính mạng. Trong 290 năm kể từ khi thành lập cho đến lúc diệt vong, triều đình nhà Đường tổng cộng có 21 vị Hoàng đế. Trong đó có 5 vị bị ngộ độc và thiệt mạng, đó là Đường Thái Tông, Đường Hiến Tông, Đường Mộc Tông, Đường Vũ Tông, Đường Tuyên Tông.

Đường Thái Tông là vị Hoàng đế minh trí hiếm có trong lịch sử Trung Quốc, vị Hoàng đế có mưu lược hùng tài này ngay từ thời trai trẻ đã giễu cười các nhà vua như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế đam mê thuật luyện đan và tìm kiếm đan dược, song trong những năm cuối đời do sức khỏe yếu, cuối cùng ông cũng đã uống "Diên niên chi dược" do Đạo sĩ Thiên Túc bào chế, khiến bệnh tình nặng thêm rồi qua đời, hưởng thọ chỉ 50 tuổi.

Vào giữa thời nhà Đường, vua Hiến Tông vốn là nhà vua tốt, từng dốc sức cho cho sự trung hưng của thời Đường, thế nhưng mới có 40 tuổi mà đã cho người đi khắp nơi tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất lão, tìm kiếm Đạo sĩ cung cấp Tiên đan cho mình. Do bị ngộ độc đan dược, mấy tháng liền không lên được triều điều khiển công việc. Tuy rằng cuối cùng ông bị hoạn quan ám hại, song nếu không bị ám hại thì có lẽ ông cũng không thể sống được bao lâu.

Sau khi Đường Mộc Tông lên ngôi, đã trừng phạt những Đạo sĩ luyện chế đan dược cho vua Hiến Tông, thế nhưng ông đã lặp lại lối làm của vua Đường Hiến Tông, uống đan dược và bị ngộ độc, hưởng thọ mới có 30 tuổi.

Đường Vũ Tông cũng bị ngộ độc do uống đan dược và qua đời vào năm mới có hơn 30 tuổi. Sau khi uống đan dược, Đường Vũ Tông cảm thấy trong mình rất khó chịu, tính tình trở nên buồn vui cáu kỉnh bất thường, trước khi qua đời ông liên tiếp trong 10 ngày liền không nói lên được một câu nào.

Đường Tuyên Tông là vị Hoàng Đế tương đối làm nên sự nghiệp vào cuối thời Đường, được mệnh danh là "Tiểu Thái Tông", sau khi lên ngôi, ông lập tức ra tay trừng phạt và hạ phóng các Đạo sĩ luyện đan độc hại vua Đường Vũ Tông là Triệu Quy Chân, Hiên Viêm v v .. Thế nhưng về sau, ông cũng như bị ma quỷ xúy bẩy, bắt đầu cũng uống Tiên đan . Triệu chứng của vua Đường Tuyên Tông sau khi uống đan dược cũng giống như vua Đường Vũ Tông vậy, trong mình cảm thấy nóng bức không yên, đang lúc mùa đông mà cũng không dám mặc áo ấm. Bởi vì bị ngộ độc quá nặng, sau lưng ông còn mọc một ung nhọt, không bao lâu thì qua đời.

Ngoài năm nhà vua nói trên ra, còn có mấy Hoàng đế nhà Đường cũng từng mê uống đan dược, chỉ có là không gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu như vua Đường Cao Tông từng uống Đan dược; vào những năm cuối đời, Bà Võ Tắc Thiên cũng từng ống đan dược do Đạo sĩ Hồ Tuệ Siêu cung cấp; Đường Huyền Tông cũng ra lệnh cho Đại sĩ luyện đan dược, khi đã lui làm Thái Thượng Hoàng sau cuộc An Sử Chi Loạn, ông cũng không hề quên việc luyện đan dược.

Các đời vua Đường lần lượt nghiền uống đan dược, ngoài theo đuổi trường sinh bất lão ra, còn một nguyên nhân nữa là để chữa bệnh. Gia tộc các nhà vua họ Lý thời Đường có chứng bệnh "phong tật" di truyền. Trong sách sử có ghi rõ ràng, các nhà vua như Cao Tông, Thái Tông, thuận Tông, Mộc Tông, Văn Tông, Tuyên Tông đều mắc qua bệnh này. Hiện nay "Phong tật" được coi là bệnh trúng phong, bệnh thường phát đột ngột, tỷ lệ tử vong cao, thường để lại dị tật, rất khó chữa khỏi. Trong thời kỳ vua Đường Cao Tông, Hoàng hậu Võ Tắc Thiên có thể lên nắm quyền triều đình là vì vua Đường Cao Tông bị mắc bệnh trúng phong, lâu ngày chóng mặt nhức đầu, mắt bị mù lòa, khó mà có thể điều khiển công việc triều đình, cho nên đành phải trao các công việc quan trọng của triều đình cho hoàng hậu Võ Tắc Thiên sử lý, về sau xuất hiện vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Các nhà vua thời nhà Đường uống đan dược để chữa bệnh, có mối liên quan rất lớn với trình độ y dược lúc bấy giờ. Bởi vì luyện đan nằm trong phạm trù tìm tòi nghiên cứu trong y học cổ đại Trung Quốc. Các nhà thầy thuốc nổi tiếng trước thời nhà Đường như Cát Hồng, Đào Hồng Cảnh, Tôn Tư Mao đều cũng là các nhà luyện đan dược. Bởi vì các thầy thuốc đó hết sức nổi tiếng trong lịch sử, cho nên nhiều người hết sức tin tưởng vào đan dược.

Thế nhưng, cái chết của các Hoàng đế đã đóng một chút vai trò vào việc nâng cao nhận thức về y học của người xưa. Chính qua cái chết của họ, thuật luyện đan dược mới dần dần không còn tồn tại nữa.

Điều đáng nhắc ở đây là, tuy rằng thuật luyện đan dược bị thất bại hoàn toàn do sai lệch trong y học, song hoạt động luyện đan dược lâu dài đã xúc tiến ngành hóa chất thời cổ phát triển, và đã sản sinh ra nhiều thu hoạch bất ngờ. Ví dụ như, thuốc súng nổi tiếng thế giới, chính là do các nhà Đạo sĩ luyện đan sáng tạo nên.