Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Tản văn: Vị thính giả duy nhất
   2009-07-20 16:10:31    cri

Nghe Online

Tản văn : Vị Thính giả duy nhất

                                                                                                   Tác giả-- Trịnh Chấn Đạc

Vài nét về  tác giả: Ông Trịnh Chấn Đạt là người yêu nước và nhà hoạt động xã hội xuất sắc, đồng thời còn là nhà văn và nhà bình luận nổi tiếng Trung Quốc. Ông sinh năm 1898, qua đời năm 1958, hưởng thọ 60 tuổi. Năm 1927, ông đến sống tại nước Anh và Pháp, sau khi về nước lần lượt đến giáo viên giảng dạy tại trường Đại học Yến Kinh tức Đại học Bắc Kinh và trường Đại học Thanh Hoa. Sau ngày nước Trung Hoa mới ra đời, ông lần lượt làm Giám đốc Viện nghiên cứu Khảo cổ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và làm Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Trung Quốc. Năm 1958 ông dẫn một Đoàn Đại biểu đi thăm nước ngoài không may gặp nạn do máy bay xảy ra sự cố.

Theo như cha và em gái gái tôi nói rằng, tôi chỉ là một thằng ngốc mà thôi. Tất nhiên, cha và em gái sau khi đã trải qua vô số lần phải nghe tôi kéo đàn như bị dày vò rồi mới có được kết luận như vậy, theo cha và em gái tôi thì, tôi kéo Khúc nhạc chiều thật chẳng khác nào như là tiếng kéo cưa chân giường vậy. Nghe vậy khiến tôi cảm thấy rõ thật ỉu xìu và nản lòng. Thế là tôi không dám tập kéo đàn ở nhà nữa, cho mãi đến khi tôi phát hiện một nơi tuyệt diệu. Đó là trên đồi nhỏ sau dãy nhà chung cư, ở đó có một trảng cây con, trên mặt đất trải đầy lá cây rụng.

Sáng sớm hôm sau, tôi rón rén bước ra khỏi nhà, trong lòng tràn đầy một cảm giác thiêng liêng, như là đi làm một việc gì đó hết sức hệ trọng. Trảng rừng con này hết sức yên tĩnh. Tiếng bước chân xào xạo, nghe như khúc nhạc quân lệnh du dương. Tôi đứng ngay thẳng dưới một gốc cây, tim đập mạnh trong lồng ngực.

Tôi buộc phải thở mạnh mấy hơi để trái tim có thể bình tĩnh trở lại. Tôi nâng chiếc violon lên bờ vai một cách trang trọng, như là làm nghi lễ trọng thể vậy, rồi kéo khúc nhạc đầu tiên. Thế nhưng không bao lâu, hiện thực lại khiến tôi chán nản, tôi cảm thấy như mang theo chiếc cưa đến trảng rừng con này vậy. Tôi cảm thấy sao mà chán chường vậy, nước mắt trào ra ngoài khóe mắt, tôi tự mắng thầm mình rằng: "Mày đúng là một thằng ngốc. Kiếp này không thể chơi đàn ra hồn ra vía được nữa rồi." Lúc này tôi cảm thấy đằng sau như có người, tôi quay mình lại, liền giật thót mình, một bà lão hết sức gầy gò đang ngồi yên lặng trên chiếc ghế gỗ, đôi mắt bà nhìn tôi một cách bình thản. Gò má tôi lúc này nóng ran, tôi nghĩ bụng, tiếng đàn khó nghe thế này hẳn là đã phá vỡ khung cảnh hài hòa của trảng rừng cây này, nhất định đã quấy rối tâm trạng đang thưởng thức cảm giác yên ắng của bà. Tôi nhìn bà mỉm cười để bày tỏ xin lỗi, rồi định bỏ đi.

Cụ bà gọi tôi lại, bà nói: "Này cậu trẻ, có phải bà đã quấy rối cậu phải không? Thế nhưng, sáng nào bà cũng đến đây ngồi một lát, cháu ạ." Một tia nắng xuyên qua kẽ lá chiếu lên mái tóc đã bạc phơ của bà, sáng lên óng ánh. "Bà đoán, thể nào cháu kéo đàn rất hay, chỉ tiếc là tai bà bị điếc rồi. Nếu như cháu không để tâm bà ngồi ở đây, thì cháu cứ việc kéo tiếp nhé." Tôi chỉ tay vào cây đàn, lắc lắc đầu, nghĩa là tôi kéo không hay. Bà nói tiếp: "Bà không nghe thấy gì, nhưng bà cảm nhận âm nhạc bằng trái tim mình, cháu có làm được không? Đến kéo đàn vào mỗi buổi sáng như thế này?" Những câu nói như ý thơ của bà khiến lòng tôi lâng lâng khó tả; tôi cảm thấy ngượng ngùng, nhưng đồng thời lại cảm thấy mừng thầm. Ôi chà, thì dù thế nào đi nữa đã có người khen tôi kéo đàn hay rồi, mặt dù bà lão ấy chẳng qua chỉ là một người khiếm thính đáng thương. Thế là tôi lại kéo đàn, trước mặt tôi chỉ có mỗi một thính giả duy nhất, đó là một cụ bà khiếm thính.

Bà lão cứ nhìn tôi một cách lặng lẽ. Khi tôi ngừng tay kéo đàn, bà thường không quên nói một câu rằng: "Ừ, hay lắm, trái tim bà đã cảm nhận được âm nhạc rồi. Cảm ơn cháu nhé." Tôi nghĩ, giả sử đôi tai bà không bị điếc, thì thể nào bà cũng bịt tai lại bỏ đi từ lâu rồi. Thế là trong lòng tôi tràn ngập một thứ cảm giác chưa từng có.

Không bao lâu, tôi phát hiện trên mình tôi có sự thay đổi, biểu hiện trên nét mặt người thân trong gia đình như khó mà tin được đã minh chứng cho điều này. Trong căn buồng nhỏ đóng kín cửa của tôi, luôn vọng ra những bản nhạc tập luyện của các nhạc sĩ nổi tiếng. Giả sử như trước đây, thể nào em gái tôi cũng gõ cửa, làm ra bộ rất đáng thương nói rằng: "Thôi anh ơi, em van anh, anh đừng kéo nữa." Thế như hiện nay tôi không phải để tâm nữa. Tôi đứng rất ngay thẳng, hai khuỷu tay tôi vừa mỏi vừa đau, mồ hôi ướt đẫm cả chiếc áo sơ mi. Thế nhưng tôi không ngồi tập trên ghế, nếu như trước đây thì thể nào tôi cũng ngồi rồi.

Không hiểu vì sao, việc khiến tôi thường cảm thấy không yên, thậm chí cảm thấy hổ thẹn là cứ vào mỗi buổi sáng tinh mơ, tôi lại tập kéo violon một cách hết sức mình trước mặt cụ bà khiếm thính; mà vị thính giả duy nhất của tôi thì bao giờ cũng đến ngồi trên chiếc ghế gỗ từ sáng tinh mơ để chờ tôi, lại có lần bà nói với tôi rằng tiếng đàn của tôi mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bà. Điều càng quá hơn nữa là tôi cứ thường quên mất bà là một người khiếm thính đáng thương.

Tôi cứ giấu điều bí mật này trong lòng, cho mãi đến một hôm, tôi kéo bản xô nát "Ánh trăng" khiến cô em gái tôi học chuyên ngành âm nhạc cảm thấy hết sức kinh ngạc, qua nét mặt cô ấy, tôi biết cảm giác của cô ấy nhất định không phải là nghe tiếng cưa chân giường như trước đây nữa. Em gái hỏi tôi, rồi buộc tôi phải trả lời là giáo viên giỏi âm nhạc nào đã chỉ dẫn cho tôi? Tôi nói với em gái rằng: "Có một bà lão, ở nhà lầu số 12, bà rất gầy, đầu tóc bạc phơ, thế nhưng—bà chẳng qua chỉ là một người bị điếc mà thôi. " em gái tôi kêu lên thất thanh, như nghe tôi kể truyện hão huyền không đâu: "Trời ơi, điếc à? Điếc à? Anh rõ thật hoang đường. Cụ bà đó là giáo sư có danh vọng nhất của Học viện âm nhạc, điều quan trọng là, giáo sư từng là tay đàn trưởng violon, vậy mà anh dám bảo giáo sư là người bị điếc."

Tôi cứ giữ điều bí mật này. Cất giữ tâm hồn cao đẹp của một người cao tuổi. Mỗi buổi sáng tinh mơ, tôi vẫn đến trảng rừng con này từ rất sớm, đối mặt với cụ bà cao tuổi, nhà âm nhạc mà trước đây bị tôi cho là bị "điếc", thính giả duy nhất của tôi, tôi sửa lại cung đàn một cách nhè nhẹ, sau đó kéo bản nhạc du dương. Tôi cảm thấy mình đã kéo lên một bản nhạc thật sự, những nốt nhạc tuyệt vời chảy nhẹ nhàng thong thả trên cung đàn của tôi, vang vọng cả trảng rừng con này, tràn ngập cả cõi lòng của tôi. Hai chúng tôi không nói với nhau câu gì cả, chỉ là cứ vào buổi sáng tốt đẹp, một người kéo đàn nhè nhẹ, một người lặng lẽ lắng nghe.

Tôi cứ ngắm cụ bà cao tuổi này ngồi tựa lưng vào thành ghế gỗ, nét mặt mỉm cười, ngón tay gõ nhịp một cách nhè nhẹ. Tôi dồn sức vào việc kéo đàn, tôi mong mình có thể mang lại một chút niềm vui và hạnh phúc cho bà. Bà lặng lẽ nhìn tôi với đôi mắt hiền từ, như hồ nước sâu thăm thẳm...

Về sau, tôi đã có thể điều khiển cung đàn một cách điêu luyện, violon đã mãi mãi trở thành niềm đam mê không bao giờ có thể buông bỏ của tôi. Trong các thời kỳ khác nhau, tôi thường tham gia một số đêm liên hoan văn nghệ, tôi cũng đã có dịp biểu diễn violon trước hàng trăm hàng nghìn khán giả. Thế nhưng tôi luôn luôn bất giác nghĩ đến vị thính giả cao tuổi bị "điếc" của tôi, đó là vị thính giả duy nhất của tôi vào mỗi buổi sáng tinh mơ ngày nào...