Tiền Chung Thư là Nhà nghiên cứu Văn học Hiện đại, Nhà văn, Nhà Sử học, Nhà nghiên cứu Văn học Cổ điển Trung Quốc. Ông đã sáng tác Tập tản văn mang tên "Sáng tác bên lề Nhân sinh", tập truyện ngắn "Người-Thú-Ma", truyện dài nổi tiếng "Vi Thành" đã được dịch sang tiếng Việt có tên là "Trong vòng vây tình yêu", Tập Luận văn "Đàm nghệ lục" v v ... Tính tình của ông rất đặc biệt, đó là tính cách có tài, nhưng lại coi thường mọi thứ, đồng thời lại mang tính hồn nhiên con trẻ mà các nhân tài bình thường không có được.
Năm 1919, Tiền Chung Thư thi đỗ vào Trường Đại học Thanh Hoa. Anh chàng Chung Thư từng bày tỏ quyết tâm là "phải ngốn hết số sách trong thư viện Thanh Hoa", tuy thành tích toán mới chỉ có 15 điểm, nhưng thành tích Ngữ Văn và Ngoại ngữ của anh lại rất cao, các bạn học đều hết sức khâm phục anh.
Cơ sở Trung Văn của Chung Thư rất vững chắc, lại dày công vào việc học Triết học và Tâm lý học, suốt ngày cứ vùi đầu cắm cúi trong các loại sách Trung-Tây mới cũ. Điều lạ nhất là, mỗi buổi học anh không bao ghi chép, thường là vừa nghe thày giảng, vừa đọc sách ngoại khóa hoặc tập vẽ, hoặc tập thư pháp, thế nhưng lần thi cử nào thành tích của anh cũng xếp đầu bảng, thậm chí có năm học, thành tích của anh còn phá kỷ lục siêu đẳng của Trường Đại học Thanh Hoa.
Năm 1933, Tiền Chung Thư tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại ngữ. Một hôm. Hiệu trưởng trường đến tìm gặp anh và nói: "Nhà trường đã đặc cách tuyển chọn anh ở lại nhà trường, mong anh tiếp tục ở lại trường để làm nghiên cứu viên."
Tiền Chung Thư liền từ chối ngay Hiệu trưởng: "Dạ, không thầy ạ, em không ở lại trường đâu."
Một số giáo sư nổi tiếng của trường cũng tới tấp đến khuyên Tiền Chung Thư: "Nhà trường vừa thành lập Trung tâm nghiên cứu Văn học phương Tây, anh mà ở lại làm việc thì có thể làm rạng rỡ cho việc nghiên cứu nền Văn học nước ngoài. Đây cũng là một dịp tốt để anh phát huy tài năng của mình."
Thế nhưng, Tiền Chung Thư có học vấn phong phú lại vẫn cứ một mực từ chối: "Cả Trường Đại học Thanh Hoa này, không một vị giáo sư nào có đủ tư cách làm thầy dạy của tôi." Qua đó có thể thấy cái tính ngay thẳng và kiêu ngạo của anh.
Tiền Chung Thư vuì đầu vào việc đọc sách và nghiên cứu, không thích đi thăm thú bạn bè này nọ, mà cũng chán chường và ghét ai đến chơi nhà mình, khách đến nhà thường cứ bị từ chối không được gặp ông, thư từ gửi đến ông cũng thường không phúc đáp lại.
Trong thời kỳ "Đại Cách mạng văn hóa", Tiền Chung Thư vẫn bận rộn với các công việc viết lách, không ưa ai đến làm gián đoạn luồng suy nghĩ của mình. Một hôm, có người đến thông báo Tiền Chung Thư rằng: "Thưa ông, mấy hôm nữa có buổi Quốc Yến, mong ông đi dự nhé."
Tiền Chung Thư không chút do dự trả lời ngay: "Không, tôi không đi, tôi rất bận."
"Bữa Quốc yến này là do đồng chí Giang Thanh (phu nhân đồng chí Mao Trạch Đông) điểm danh ông đấy."
Thái độ của Tiền Chung Thư vẫn rất kiên quyết: "Không, tôi rất bận, tôi không đi đâu."
Người đến mời cảm thấy rất khó xử, không biết về nên trả lời bà Giang Thanh ra sao, liền nói: "Vậy thì, tôi về nói là do nguyên nhân sức khỏe, ông không đi dự được, như vậy có ổn không? "
"Không, toàn thân tôi rất tốt, tôi rất khỏe. Tôi không đi dự vì rất bận, không đi là không đi. " Và rồi mặc cho người đến khuyên giải thế nào đi nữa, Tiền Chung Thư vẫn cứ là không chịu nhận lời mời.
Suốt cuộc đời mình, Tiền Chung Thư đều coi thường danh lợi. Cuốn tiểu thuyết dài "Vi Thành" ("Trong vòng vây tình yêu") sau khi xuất bản và tái bản nhiều lần ở trong nước, tiếng tăm của Tiền Chung Thư càng nổi như cồn. Trong cuốn "Vi Thành", dưới ngòi bút thanh thoát trôi chảy và dí dỏm, Tiền Chung Thư đã viết về niềm vui nỗi buồn của một nhóm thanh niên. Sự nhìn nhận sâu sắc và trí tuệ sinh tồn siêu thoát của ông khiến các độc giả đều phải suy ngẫm.
Cũng như trước đây, Tiền Chung Thư lại cả ngày đóng cửa ngồi nhà viết lách, một lòng muốn làm "ẩn sĩ", ông rất sợ bị tuyên truyền và cũng không muốn xuất đầu lộ diện trên các báo chí tập san. Bởi vậy mà, có rất nhiều người biết đến tiếng tăm ông, thế nhưng rất ít ai có dịp trông thấy ông.
Một bận, có một phụ nữ người Anh gọi điện thoại cho Tiền Chung Thư, bày tỏ muốn gặp ông. Cũng như mọi khi, Tiền Chung Thư lại từ chối khéo: "Nếu như chị ăn quả trứng cảm thấy rất ngon miệng, thì cần gì mà phải làm quen với mụ gà mái đẻ ra quả trứng đó chứ?" |