Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Tản văn " Quả trường sinh" của tôi
   2009-06-01 19:03:45    cri
Khai bút: Vậy là mùa hè đã về, tiếng ve sầu ngân vang báo hiệu sắp đến mùa thi tuyển đại học của Việt Nam. Tuy rằng thời gian thi chỉ diễn ra hai ba ngày, thế nhưng đối với các bạn trẻ đã trải qua 12 năm dùi mài kinh sử mà nói, lại là thời điểm then chốt quyết định vận mệnh của mình.

Thời gian gần đây, Ngọc Ánh đã có chọn lọc một số bài văn đạt điểm tối đa của các thí sinh Trung Quốc trong mùa thi tuyển năm 2008 đã được nhiều bạn trẻ hoặc một số trường học ở Việt Nam tải xuống đăng lên blog của mình hoặc trang báo điện tử của trường mình. Ngọc Ánh cảm thấy rất vui, mong sao có thể giúp các bạn trẻ Việt Nam tìm hiểu hành văn nội dung cũng như phong cách làm văn của các bạn đồng lứa Trung Quốc trong mùa tuyển sinh, vừa để các bạn thư giãn tinh thần, và tham khảo. Trong Chương trình văn nghệ cuối tuần hôm nay, Ngọc Ánh xin giới thiệu bài tản văn " 'Quả trường sinh' của tôi" của nữ nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Diệp Văn Linh, trong bài tản văn này, bà Diệp Văn Linh đã ví sách tịch của mình là những "Quả trường sinh", đọc sách không những khiến bà có thể sáng tác nhiều bài văn hay, mà thế giới tâm hồn của bà cũng trở nên hết sức phong phú và vui vẻ. Ngọc Ánh mong sao, bài tản văn " 'Quả trường sinh' của tôi" có thể mang lại những gợi ý hoặc giúp đỡ gì đó cho các bạn thí sinh cuối cấp hoặc tất cả các bạn trẻ Việt Nam. 

Đôi nét về nhà văn Diệp Văn Linh.

Nhà Văn Diệp Văn Linh sinh năm 1942 tại tỉnh Chiết Giang. Bà đành phải bỏ học vì anh trai bị oan trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa. Ngay từ nhỏ Văn Linh đã đam mê văn học, năm 13 tuổi đã bắt đầu sáng tác tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết dài "Thung lũng không giấc mộng" do bà sáng tác đã đoạt giải thưởng "Thành tựu xuất sắc về sáng tác văn học Trung Quốc" do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Niu oóc Mỹ trao tặng, năm 2002, bà đoạt "Giải thưởng Văn học Băng Tâm" lần đầu tiên của Trung Quốc.

Tản văn ?" Quả trường sinh" của tôi

                                                                                                  Tác giả Diệp Văn Linh.

Sách, được mọi người cho là "Quả trường sinh" của văn minh loài người. Tôi cảm thấy cách ví von như vậy hết sức gần gũi Như cánh bướm bay qua rừng hoa, như dòng suối chảy qua thung lũng, mỗi khi nhớ đến quãng đời niên thiếu, trong lòng tôi lại trào dâng niềm vui khôn tả. Trong cõi lòng ký ức, quãng đời đọc sách của thời niên thiếu thật như bức tranh màu sắc rực rỡ, cũng như bản nhạc mang những nốt nhạc nhảy nhót trong giai điệu vui tươi?

Những bức tranh liên hoàn màu nho nhỏ mà bọn trẻ gọi là "Người thuốc lá" chính là thứ sách mà tôi đọc sớm nhất. Đó là những tấm bìa cứng nho nhỏ chỉ to hơn hộp diêm một chút, mặt chính in tranh màu, mặt sau in chữ, là tranh cho kèm trong bao thuốc lá. Những bức tranh nhỏ in cốt truyện "Thủy Hử", "Tam Quốc" đó chính là những tranh truyện liên hoàn mà tôi được xem sớm nhất.

Ban đầu tôi xem thích thú, lâu ngày rồi lại cảm thấy chán ngán.

Về sau, tôi có dịp xem những cuốn truyện tranh liên hoàn thật sự. Một giáo viên tiểu học ham mê mỹ thuật cũng có mấy bộ sách truyện tranh liên hoàn, tôi xem đến say sưa: cuốn "Hoa thất sắc" khiến tôi liên tưởng mông lung, cuốn "Huyết lệ thù" khiến tôi nước mắt rơi lã chã. Về sau, những người bạn của anh trai tôi tặng tôi mấy cuốn sách tranh liên hoàn như: "Lưu Hồ Lan", "Dôi a và Su-ra", "Con đường "Gu-li-a" ... Chỉ cần trong tay có sách, là tôi có thể quên ăn quên ngủ luôn.

Dần dần, những cuốn sách nhỏ tranh liên hoàn đã không thể đáp ứng yêu cầu của tôi, thế là tôi lại phát hiện một chân trời mới—đó là Trạm văn hóa của thị trấn chúng tôi có mấy trăm cuốn sách. Hằng ngày hễ tan học về nhà là tôi liền quăng cặp sách chạy thẳng đến Trạm văn hóa. Chỉ có vài tháng thôi là tất cả những cuốn sách trong thư viện Trạm Văn hóa hầu như bị tôi mượn hết. Tôi đọc rất nhanh, đọc ngấu nghiến. Thứ thu hút tôi nhất trước hết là cốt chuyện, là vận mệnh của các loại nhân vật, những bi hoan ly hợp của họ thường khiến tôi bận lòng vấn vương.

Đại văn hào Sếch-xpia nói: "Sách là thức ăn bổ nhất của cả thế giới." Là người niên thiếu khát khao đọc sách như tôi lúc bấy giờ, công dụng của sách đối với tôi mà nói không gì có thể so bì được. Lòng say mê đọc sách của tôi đã được báo đáp lại. Bắt đầu từ năm học lớp ba, thành tích làm văn của tôi bao giờ cũng đứng đầu trong lớp. Đọc sách đã mở rộng trí tưởng tượng cho tôi rất nhiều. Nhìn mảng tường bên ngoài ở nhà đã bị tróc lở, tôi thường thẫn thờ cả nửa buổi, trong đầu óc tôi liền hình thành đủ câu chuyện truyền thuyết; Gặp người khuyết tật ngoài đường, là tôi lại hết lòng thương cảm và suy ngẫm thân thế bi thương của họ.

Tôi nhớ có một bận, làm bài văn mang đầu đề "Mùa thu đã đến". Sau khi cô giáo đọc một đoạn văn cho sẵn, khi mà phần lớn các bạn trong lớp đều mở đầu bằng câu "Mùa thu đã đến, lá cây bắt đầu úa vàng, từng chiếc từng chiếc lá cây lìa cành rụng xuống mặt đất", thì trong lòng tôi bỗng cảm thấy không yên: Ai cũng viết như vậy thật chẳng có ý nghĩa gì. Tôi phải quan sát mùa thu bằng đôi mắt của mình, tôi phải cảm nhận mùa thu bằng cõi lòng của mình.

Tôi đã ví mùa thu như một nàng tiên nữ vận bộ váy màu vàng, tà áo nàng bay lên nhè nhẹ đã xua đi cái nóng bức của mặt trời, chiếu sáng và quạt mát cho mảnh đất này; Tà áo rộng của nàng đã ngăn lại luồng gió lạnh, và bưng ra những mâm quả chín trĩu nặng cho trần gian. Các bạn đều yêu mến mùa thu, yêu bầu trời trong xanh dễ chịu của mùa thu, yêu những áng mây mỏng manh bay trên nền trời xanh của mùa thu, yêu cánh đồng thoang thoảng hương thơm của mùa thu. Mùa thu, khiến nụ cười của bà con nông dân trở nên rạng rỡ biết nhường nào.

Thế là, bài văn của tôi đã đạt điểm "A" xuất sắc, cô giáo còn gạch dưới của nhiều câu, rồi lấy đó làm bài văn mẫu đem ra đọc trước cả lớp.

Đây chính là niềm kiêu hãnh nho nhỏ của tôi, khiến tôi cảm nhận được một điều rằng: Khi làm văn, trước hết phải có cấu tứ mới mẻ, khi viết phải có nội dung "tươi mới" khác với mọi người. Những cảm nhận đó tất nhiên đều do những cuốn sách ngoài giờ học bồi bổ cho tôi. Về sau tôi lại không hài lòng với chỉ đọc những cuốn chuyện bình thường thôi, rất nhiều sách trong thư viện nhà trường như nam châm thu hút tôi, phần lớn những đầu sách cổ kim đông tây khiến tôi say mê, tôi bỏ hết thảy thời gian ngoài giờ học để đi mượn sách của thư viện về đọc. Trong thời gian đó, tôi hình thành tập quán ghi bút ký: Ghi lại những câu những từ hay trong sách, ghi lại những đoạn văn hay. Ghi búy ký đã rèn luyện trí nhớ cho tôi, cũng tăng thêm khả năng hiểu biết của tôi.

Có một bận làm văn theo mệnh đề "Một câu chuyện không vui của dĩ vãng", tôi lấy làm hết sức xúc động, cảm thấy đây là một dịp để tôi trổ tài đây: Hồi nhỏ có một lần tôi cảm thấy oan ức, ngày thường tôi tích lũy những từ vực miêu tả về tâm trạng buồn bực, lúc này đây đem ra sử dụng và phát huy như lên men vậy. Tôi bắt đầu viết cảnh hoàng hôn thanh lạnh, mô tả vầng trăng sáng sủa tươi đẹp và cảnh vui cười của mọi người xung quanh rồi đem so sánh với cô bé buồn tẻ cô đơn bị oan ức. Tôi cứ thế mà viết, viết mãi, rồi không cầm được nước mắt. Bài văn đầy ắp tình cảm chân thành này lại được đánh giá hay, và được dán lên bức tường trong lớp học làm mẫu. Thế nhưng, khi thấy cô giáo gạch bút đỏ dưới dòng chữ trong đọan tôi mô tả vầng trăng "như chiếc đĩa bằng ngọc gắn lên màn trời màu xanh thẫm", cô giáo nói, chữ "gắn" ở đây được sử dụng một cách hết sức truyền thần, tôi nghe mà hai má ửng đỏ. Tôi không thể nhận lấy lời khen như vậy một cách đương nhiên, bởi vì khung cảnh miêu tả và cái chữ "gắn" sử dụng ở đây, chính là từ ngữ tôi không thể quên trong tập tiểu thuyết "Nhà" của ông Ba Kim.

Thế là, tôi ngẫm ra một thứ lý luận là: Làm văn, phải viết một cách chân thật cảm nghĩ của mình; Tập làm văn, bắt đầu không thể tách rời tham khảo và mô phỏng, song cái mà thật sự làm rung động lòng người, chính là sự sáng tác dốc hết tâm trí của mình.

Ngọc Ánh: Trên đây là bài tản văn " 'Quả trường sinh' của tôi " của nữ nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Diệp Văn Linh, mong sao bài tản văn này sẽ gợi ý hoặc tham khảo cho các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường trong quá trình làm và nâng cao thành tích môn văn. Hoan nghênh các bạn có lời bình cho bài tản văn này, nếu bạn nào có ý tải bài tản văn này đăng lên trang web hoặc blog của mình, chỉ cần bạn ghi rõ xuất xứ từ trang web CRI https://vietnamese.cri.cn là được.

Cuối cùng Ngọc Ánh xin tặng các bạn trẻ VN đang bận rộn trong lò luyện thi thưởng thức bài hát " Tương lai của tôi không hão huyền " do giọng ca Trương Vũ Sinh trình bày, mong các bạn tràn đầy lòng tin bước vào mùa thi đang vẫy gọi để thực hiện lý tưởng của mình.