Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Đại sứ Nguyễn Văn Thơ trò chuyện thân mật với lưu học sinh Việt Nam trường Đại học Giao thông Tây Nam
   2009-06-11 15:09:45    cri

Nghe Online

Thưa quý vị và các bạn, sau khi nghe bạn Cường Hội trưởng Hội Lưu học sinh Việt Nam của trường Đại học Giao thông Tây Nam Trung Quốc giới thiệu về tình hình sinh hoạt và học tập của lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại trường, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ đã thân mật chuyện trò với các lưu học sinh. Đại sứ nói:

"Cảm ơn em Cường đã có bài phát biểu rất khái quát, rất đầy đủ về tình hình sinh hoạt và học tập của các bạn ở đây. Tôi cũng từng là sinh viên, nên tôi rất hiểu các em. Các em là tương lai của đất nước, bất kể là các em có học bổng của nhà nước hay tự túc, đều phải học tập cho tốt, tuân theo các quy định của nhà trường và mong các em luôn là cầu nối của tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Tứ Xuyên nói riêng và giữa nhân dân hai nước nói chung. Những năm 50-60 của thế kỷ trước có rất nhiều sinh viên của Việt Nam học ở trường này, có người đã trở thành Bộ trưởng, Thứ trưởng của Việt Nam và trường này đã có bề dày hơn 100 năm.

Tôi thường xuyên được nghe những báo cáo về tình hình của các em ở đây, tôi tuyên dương thành tích học tập của các em, vì Trung Quốc rất gần với Việt Nam, nên học tiếng Trung Quốc là nhu cầu rất cần thiết để làm ăn, để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa v.v giữa Việt Nam với Trung Quốc. Hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 10 nghìn lưu học sinh Việt Nam, tôi đi thăm sáu tỉnh thành ở Trung Quốc thì đều gặp lưu học sinh Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh rất ủng hộ các ý kiến mà các lưu học sinh nêu ra và luôn theo dõi tình hình học tập của các em. Đảng và nhà nước cũng rất coi trọng giáo dục đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đã có Cục Quản lý Đào tạo sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, chuyên môn theo dõi tình hình sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, mà không chỉ những sinh viên có học bổng mà cả những sinh viên học tự túc. Đảng và Nhà nước ta coi việc đào tạo giáo dục là quốc sách của Nhà nước.

Vừa rồi khi chuyện trò với đồng chí Bí thư Đảng ủy của nhà trường, đồng chí cũng rất quan tâm và cho biết, trong thời gian tới sẽ cố gắng tạo điều kiện về vật chất, về tinh thần để giúp các em học tập tốt. Tôi cũng đề nghị nhà trường quan tâm các em hơn về mọi mặt, tất nhiên chúng ta nên thành lập Hội để tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí.

Đại sứ mong các em học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, của đất nước, quê hương. Thứ hai là chấp hành các nội quy của nhà trường, có kiến nghị gì nên đi theo đường tổ chức lên nhà trường để giải quyết. Thứ ba là luôn luôn hướng về tổ quốc, Sứ quán sẽ luôn hỗ trợ cho các em tùy theo khả năng của mình. Nhân đây Đại sứ tặng các em một ít tiền để làm quỹ thành lập Hội, tuy không nhiều, nhưng là tình cảm của Đại sứ, vì hiện nay ở Trung Quốc có 44 trường có lưu sinh Việt Nam, nên chỉ là món quà nhỏ, của ít lòng nhiều gửi gắm đến các em."

Các bạn thân mến, sau đó Đại sứ mời một vài sinh viên phát biểu ý kiến hoặc nguyện vọng của mình đối với nhà nước cũng như đối với nhà trường. Bạn Hải hiện đang học Thạc sĩ Khoa Kinh tế và bạn Nguyễn Minh Hoàng đang học năm thứ nhất Khoa Viện Công trình phát biểu ý kiến mong Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng như cơ quan hữu quan của Việt Nam bắc nhịp cầu để các lưu học sinh sau khi tốt nghiệp về nước có càng nhiều cơ hội tìm việc làm.

Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cùng đi với Đại sứ Nguyễn Văn Thơ đã trả lời câu hỏi của hai bạn, Công Sứ nói:

"Sau khi nghe rất nhiều báo cáo phản ánh tình hình lưu học sinh ở nước ngoài, đặc biệt là liên quan đến lưu học sinh tự phí, Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiệh Nhân đã quyết định thành lập Cục Đào tạo nước ngoài với nhiệm vụ rất quan trọng là để tăng cường quản lý công tác đào tạo sinh viên ở nước ngoài gồm cả công phí, tự phí, sau này mỗi một sinh viên của Việt Nam xin hộ chiếu ra nước ngoài học tập, khi bước ra khỏi biên giới, nhà nước đã nắm được và đưa vào kho dữ liệu, mà chủ yếu là chính sách vĩ mô, để kiến nghị, trình lên Chính phủ những biện pháp làm thế nào để phát triển sự nghiệp đào tạo của chúng ta và để cho các em lưu học sinh sau khi về nước, nhà nước có thể thu hút nhân tài, kết nối giữa đào tạo và công ăn việc làm. Chỉ cần các em học tập đạt thành tích tốt, hạnh kiểm tốt và được xác nhận của Hội Lưu học sinh, vì sau khi về nước Sứ quán sẽ căn cứ theo chứng nhận của Hội Lưu học sinh để đánh giá đạo đức, tác phong của bạn đó. Nếu có được như vậy, sau khi về nước xin vào làm ở những cơ quan nhà nước sẽ rất thuận lợi."

Sau buổi trò chuyện, Đại sứ Nguy ễn Văn Thơ cùng lãnh đạo nhà trường và các Đại diện lưu học sinh cùng chụp ảnh lưu niệm.