Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Những ngày sống bên Bác--Phỏng vấn bà Cao Bích Liên, nguyên là phiên dịch của Bộ Quốc phòng Việt Nam
   2009-05-21 15:55:31    CRIonline

Nghe Online

Ngày 19 tháng 5 là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết và đáng kính của nhân dân Trung Quốc.

Bác Liên nói: "Đầu năm 1951, sau tết âm lịch không bao lâu, thì Đại hội Việt minh Liên Việt thống nhất được tiến hành trong khu rừng Việt Bắc. Lúc đó tôi làm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, có một số Đại biểu phụ nữ được đi dự, tôi phụ trách dạy Hoa văn cho các chị, nên cũng được cử đến đại hội làm công tác tiếp tân, nhờ đó tôi đã được tận mắt thấy Bác Hồ đi lại khoan thai trong khu Đại hội, nói chuyện thân mật với các Đại biểu, tập thể dục buổi sáng với mọi người. Cũng nhân dịp này tôi được nghe các đồng chí xung quanh kể nhiều chuyện về Bác, như: Bất kể là đến đâu Bác cũng xuống nhà bếp kiểm tra vệ sinh, tình hình cung cấp ăn uống, tìm hiểu tình hình công tác và sức khỏe của mọi người.

Trong thời gian Đại hội, Bác có tiếp riêng các Đại biểu phụ nữ và mời một bữa cơm gia đình thân mật, đây là lần đầu tiên tôi vinh dự được ngồi cùng mâm với Bác. Nhìn Bác vầng trán cao, đôi mắt sáng, râu dài, ăn mặc giản dị, ngoài khoác chiếc áo ka ki vàng, cổ quàng chiếc khăn kẻ ô vuông, chân đi đôi dép cao su, thật giản dị. Trong bữa ăn Bác như một người cha già hiền từ, luôn nhắc chúng tôi, các cô ăn đi, ăn cho no, chớ để thừa lãng phí, nhân dân vất vả lắm mới cung cấp được cho Đại hội những bữa ăn đầy đủ, phong phú như thế này, nếu lãng phí là có tội với dân.

Cơm nước xong, chúng tôi kéo ghế ngồi quây quần bên Bác. Chị Xuyến giới thiệu từng người với Bác. Khi giới thiệu đến tôi là Hoa kiều, Bác thân mật hỏi thăm tình hình gia đình. Tôi thưa với Bác: Cháu quê ở Phúc Kiến Trung Quốc, nhưng hiện nay cha mẹ ở Hà Nội, còn cháu thì sinh sống ở Việt Nam từ thời thơ ấu, cháu chỉ nghe người lớn nói chuyện về quê hương, chứ cháu chưa được về quê bao giờ. Bác gật gù nói: Như vậy là cháu có hai quê hương, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng anh em, gắn bó mật thiết, môi hở thì răng lạnh, cách mạng Việt Nam và cách mạnh Trung Quốc là một, cháu hãy cố gắng công tác, kháng chiến thắng lợi là cháu có dịp cùng bố mẹ về quê bên Trung Quốc thăm bà con họ hàng. Bác nhìn mọi người, rồi căn dặn: Các cô cần chú ý giữ gìn đoàn kết hữu nghị, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khắc phục khó khăn, làm tốt công tác. Chúng tôi vâng lời Bác. Chị Xuyến thay mặt mọi người hứa với Bác sẽ ghi nhớ lời Bác dạy.

Lần thứ hai tôi được gặp Bác là mùa hè năm 1952, tôi chuyển công tác đến Cục Quân y, được đi học lớp Chỉnh huấn Chính trị trong rừng. Được tin bác đến thăm, chúng tôi tập hợp nhanh chóng ở một bãi cỏ rộng. Một lúc sau Bác đến, cũng như thường lệ Bác đến nhà ăn trước rồi mới đến thăm mọi người, chúng tôi vỗ tay nhiệt liệt đón Bác, Bác giơ tay vẫy nói: Chào các cô các chú, hãy ngồi xuống. Bác ngồi trên một tảng đá cao ở giữa, tôi được ngồi hàng đầu, Bác chỉ cách chúng tôi có 2 mét. Sau mấy lời thăm hỏi ân cần, Bác căn dặn mọi người phải học tập cho thấm nhuần, liên hệ với bản thân cho sâu sắc, tự phê bình để tự tiến bộ. Giọng Bác vang và ấm cúng, lời dạy của Bác ôn tồn, như người cha già ngồi kể chuyện với mọi người trong gia đình, nhưng đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc và rất có hiệu quả.

Qua lớp học lần này, chúng tôi cũng như những người khác được uốn nắn dần một số nhận thức chưa đứng đắn, biết dùng vũ khí phê bình và tự phê bình.

Mùa thu năm 1952, tổ phiên dịch Cục Quân y được lệnh về đoàn. Trên đường về thì gặp trời mưa, chúng tôi lấy ô bằng giấy dầu, một loại ô rất thông dụng ở Trung Quốc ra che mưa, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện. Nghe thấy tiếng ngựa từ xa đi đến, chúng tôi quay lại nhìn, thấy hai người đang cưỡi ngựa đi đến. Người đi trước đội mũ bằng lá cọ, quàng chiếc khăn trắng. Chúng tôi ngờ ngợ rồi thốt lên: Bác, đúng Bác rồi. Bác từ từ đến gần và nói: Các cô chú làm phiên dịch phải không ? Chúng tôi chợt nghĩ, chắc bác nhận được ra chúng tôi là từ mấy chiếc ô giấy. Bác căn dặn chúng tôi: Phải chú ý phòng không, không được chủ quan máy bay địch.

Nhìn bóng Bác đi xa, chúng tôi tranh nhau kể lại những mẩu chuyện trong những lần được gặp Bác."