Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Việt Nam quan tâm "hai kỳ họp", quan tâm sự phát triển của Trung Quốc
   2009-03-19 16:51:41    CRIonline
"Hai kỳ họp", tức kỳ họp thường niên Quốc hội và kỳ họp thường niên Chính Hiệp Trung Quốc đã khép lại vào tuần qua. Trước tình hình cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, "hai kỳ họp" năm nay đã thu hút sự quan tâm của mọi người, trong đó có đồng chí Nguyễn Vinh Quang, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Ngoài dự thính lễ khai mạc kỳ họp thường niên Chính Hiệp và lễ bế mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc ra, đồng chí Nguyễn Vinh Quang đã theo dõi các chương trình nghị sự của "hai kỳ họp", kể cả cuộc họp báo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sau lễ bế mạc kỳ họp thường niên Quốc hội. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài chúng tôi, đồng chí cho biết, các chính sách "Tam Nông" của Trung Quốc trong năm 2009 là đề tài mà đồng chí quan tâm nhất.

Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài chúng tôi, trước hết đồng chí Nguyễn Vinh Quang đã khẳng định việc Trung Quốc coi trọng vấn đề "Tam Nông". Đồng chí nói:

"Tôi thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước đến nay rất coi trọng vấn đề 'Tam Nông' và gọi công tác 'Tam Nông' là trọng điểm của trọng điểm. Đối với một đất nước như Trung Quốc thì vấn đề 'Tam Nông' liên quan đến toàn cục công cuộc xây dựng hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa. Qua theo dõi tình hình Trung Quốc nhiều năm nay, tôi thấy rằng sau 30 năm cải cách mở cửa của đất nước Trung Quốc thì Trung Quốc đã giàu mạnh rất nhanh, đến mức mà cả thế giới phải kinh ngạc. Nhưng một trong những vấn đề tồn tại quan trọng nhất vẫn là sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thấy được rằng một bộ phận cư dân Trung Quốc được hưởng quá ít những thành quả của công cuộc cải cách mở cửa, đó là nông dân, mà họ lại là số đông. Mặc dù Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, trên thực tế thu nhập hàng năm của người nông dân Trung Quốc cũng tăng lên một cách ổn định, nhưng tốc độ tăng này chậm hơn tốc độ tăng của cư dân thành thị, làm cho chênh lệch ngày càng lớn hơn, như vậy sẽ không thực hiện được mục tiêu mọi người cùng hưởng thành quả xây dựng đất nước. Bởi vậy, tôi rất hiểu Chính phủ Trung Quốc đã coi trọng việc giải quyết vấn đề 'Tam Nông' là trọng điểm của trọng điểm.

Chỉ trong mấy tháng nay, tôi cũng có thể thấy rõ được rằng chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ Trung Quốc coi trọng vấn đề này như thế nào. Đó là từ Hội nghị Trung ương 3 khóa 17 năm ngoái cho đến 'hai kỳ họp' lần này, vấn đề 'Tam Nông' mà Thủ tướng Ồn Gia Bảo trình bày trong báo cáo công tác chính phủ vừa qua, Tôi tin tưởng người dân, đặc biệt là nông dân Trung Quốc sẽ lạc quan và tin tưởng. "

Đồng chí Công sứ Nguyễn Vinh Quang nói, Đảng và Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay rất coi trọng vấn đề "Tam Nông" và gọi công tác "Tam Nông" là trọng điểm của trọng điểm. Đối với các chính sách "Tam Nông" trong báo cáo công tác của chính phủ, đồng chí nói, Chính phủ Trung Quốc đã tính toán một cách kỹ lưỡng từ thực tế tình hình quốc tế đến tình hình trong nước và thực lực kinh tế của đất nước, việc Trung Quốc tập trung thúc đẩy công tác "Tam Nông" vừa thực hiện được mục tiêu mở rộng kích cầu trong nước, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, lại vừa giải quyết được vấn đề lâu dài của đất nước, như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải cách nông thôn hiện nay.

Về mặt đầu tư nông nghiệp, đồng chí cho rằng đầu tư của chính phủ cho 'Tam Nông' lần này là rất lớn, điều này có được là nhờ vào quyết tâm lớn của Chính phủ Trung Quốc và sức mạnh của kinh tế Trung Quốc sau 30 năm cải cách mở cửa.

Về mặt phương hướng, đồng chí cho rằng các biện pháp của chính phủ Trung Quốc vừa có tầm vĩ mô, vừa rất cụ thể. Ngoài định hướng rõ ràng ra, những chi tiết, biện pháp, các con số cũng rất cụ thể, ví dụ như nâng giá thu mua tối thiểu đối với tiểu mạch bình quân 0,22 nhân dân tệ/ki-lô-gam v.v. Chính phủ Trung Quốc tính toán cho người dân Trung Quốc rất chu đáo.

Đồng chí Nguyễn Vinh Quang còn cho rằng các biện pháp chính sách giải quyết vấn đề 'Tam Nông' đã thể hiện rõ tinh thần lấy con người làm gốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tin tưởng nông dân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ các chính sách đó.

Cuối cùng, Đồng chí Nguyễn Vinh Quang cho biết, Việt Nam cũng là một nước nông nghiệp và cũng gặp phải những vấn đề mà Trung Quốc đang gặp, nhiều biện pháp của Trung Quốc có thể là những kinh nghiệm rất quý đối với Việt Nam.

Đúng như đồng chí Công sứ Nguyễn Vinh Quang vừa nói, dư luận Việt Nam cũng rất quan tâm "hai kỳ họp" vừa qua, các cơ quan truyền thông Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh như Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam v.v. đều đã cử phóng viên đưa tin về "hai kỳ họp" Trung Quốc vừa rồi. Anh Phạm Trung Nghĩa, Trưởng Đại diện cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Bắc Kinh gần đây đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài chúng tôi về vấn đề mà dư luận Việt Nam quan tâm tại "hai kỳ họp". Anh nói:

"Chúng tôi quan tâm 'hai kỳ họp' lần này Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp như thế nào để khắc phục, đối phó cuộc khủng hoảng tài chính, duy trì tốc độ kinh tế đất nước. Vì như chúng ta đều biết, hiện nay thế giới đang chịu tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, với vị thế là nền kinh tế thứ ba thế giới, năm ngoái, sự đóng góp của Trung Quốc đối với sự tăng trưởng GDP của kinh tế thế giới là hơn 20%, cho nên Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp gì để đối phó cuộc khủng hoảng tài chính, bảo đảm và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thì tôi cho rằng điều này có ý nghĩa rất quan trọng."

"Hai kỳ họp" Trung Quốc vừa rồi đã cho biết các chính sách, biện pháp và công tác của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2009, hy vọng các bạn cùng với đồng chí Công sứ Nguyễn Vinh Quang và các cơ quan truyền thông Việt Nam tiếp tục quan tâm và theo dõi tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc trong năm 2009.