Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Di sản văn hóa phi vật thể Trung Quốc: Trường Điệu (Làn điệu dân ca) dân tộc Mông Cổ
   2009-10-14 15:04:03    cri

Trường Điệu (làn điệu dân ca) dân tộc Mông Cổ lưu truyền ở khu vực phía bắc Khu Tự trị Nội Mông Trung Quốc và nước Mông Cổ, là một hình thức biểu diễn đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa du mục và văn hóa khu vực, Trường Điệu có giai điệu khoan thai, trầm bổng, thể hiện quan niệm nghệ thuật rộng mở. Phần lớn Trường Điệu có nội dung về thảo nguyên, tuấn mã, trời xanh, sông ngòi v.v. Tháng 11 năm 2005, tại trụ sở ở Pa-ri, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tuyên bố danh sách "Kiệt tác Di sản Văn hóa Truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại" đợt ba, "Trường Điệu dân tộc Mông Cổ" do Trung Quốc và nước Mông Cổ phối hợp đăng ký được đưa vào danh sách này. Tháng 5 năm 2006, Trường Điệu dân tộc Mông Cổ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Trung Quốc đợt đầu.

Giọng hát du dương và tiết tấu tự do mang lại cảm giác hết sức hoang vắng và bao la, đây là sức cuốn hút kỳ diệu của Trường Điệu dân tộc Mông Cổ. Từ thời kỳ dân tộc Mông Cổ hình thành, Trường Điệu đã tồn tại, có lịch sử hơn 1000 năm. Trường Điệu gắn bó chặt chẽ với thảo nguyên và cuộc sống du mục của dân tộc Mông Cổ, ghi chép lịch sử của dân tộc Mông Cổ, thể hiện tinh thần và tính cách của dân tộc Mông Cổ.

 

Ông Man-đu-phu, nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội Nội Mông nói:

"Trường Điệu chủ yếu kể về quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vì giữa thảo nguyên và con người, ngoài lều Mông Cổ ra, thì chẳng có chướng ngại gì. Tình cảm của Trường Điệu là tự do, không có gì gò bó."

Thảo nguyên huyện Ujumqin ở phía bắc Khu tự trị Nội Mông được tôn vinh là quê hương Trường Điệu dân tộc Mông Cổ, lưu truyền hơn 200 bài dân ca Trường Điệu, đồng bào dân tộc Mông Cổ ở đó ai ai cũng biết hát Trường Điệu, từ trẻ em đến cụ già đều giỏi về hát Trường Điệu.

Anh Y-la-ta là một người chăn nuôi bình thường ở thảo nguyên Ujumqin, mấy chục năm qua, anh cùng vợ sống trên thảo nguyên tươi đẹp này. Như nhiều người chăn nuôi khác, buổi sáng hàng ngày, anh Y-la-ta đều cưỡi con ngựa anh yêu thích và hát Trường Điệu, bắt đầu một ngày chăn nuôi. Tiếng hát từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống. Anh Y-la-ta nói:

"Cha mẹ tôi đều biết hát Trường Điệu, và hát rất hay, tôi học theo cha mẹ, năm 13, 14 tuổi tôi đã hát rất hay. Cứ vào dịp lễ, tết hoặc hoạt động chúc mừng quan trọng, chúng tôi đều hát Trường Điệu, khi chăn cừu tôi cũng thường xuyên hát Trường Điệu, làn điệu quê hương tôi."

Trường Điệu dân tộc Mông Cổ lưu truyền ở thảo nguyên Ujumqin lời ít, làn điệu nhiều, phong cách chậm rãi, tự do, thích hợp cho hình thức tự sự và trữ tình. Ông Vu-lan-di, Giáo sư trường Đại học Dân tộc Trung ương nói, Trường Điệu là âm nhạc chảy trong huyết mạch người dân tộc Mông Cổ, là tiêu chí dân tộc. Giáo sư nói:

"Xét từ một góc độ nào đó, Trường Điệu không những là dân ca, mà còn là phương thức sống của người chăn nuôi, Trường Điệu là một bộ phận hữu cơ hình thành sức lao động trong nghề chăn nuôi. Nếu không có Trường Điệu, một người chăn nuôi không thể sống trong môi trường rộng mênh mông trong thời gian dài, cũng không thể giữ được tâm trạng hoà nhã của mình."

Là văn hóa truyền khẩu dân gian, kế thừa từ gia đình, kế thừa từ người cùng một dòng máu và thầy dạy trò là phương thức kế thừa chính của Trường Điệu dân tộc Mông Cổ trong hàng nghìn năm qua. Nhưng, sau khi bước vào thời kỳ hiện đại, phương thức sống lấy du mục là chính đã dần dần thay đổi, môi trường văn hóa thảo nguyên nuôi dưỡng các thế hệ ca sĩ Trường Điệu đang dần dần biến mất, điều này đã khiến Trường Điệu dân tộc Mông Cổ đứng trước nguy cơ về sự tồn tại và phát triển, một số làn điệu bộ tộc từng phát triển phồn thịnh đã hầu như thất truyền. Thu tập, chỉnh lý và bảo tồn Trường Điệu đã trở thành một công việc của những người yêu thích Trường Điệu.

Ông Hồ Hoà năm nay 58 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học 40 năm trước, ông đã đến huyện Đông Ujumqin làm giáo viên. Năm 2004, ông cùng những người yêu thích Trường Điệu thành lập Hiệp hội Bảo tồn Trường Điệu. Sau khi Hiệp hội thành lập, ông Hồ Hoà cùng các thành viên coi Hiệp hội là một mặt bằng, thu tập bài hát Trường Điệu ở các địa phương, chỉnh lý tài liệu văn bản về Trường Điệu, tổ chức triển khai các cuộc thi ca hát. Cuộc thi hát Trường Điệu đã nhận được sự hoan nghênh của người dân chăn nuôi. Mỗi lần tổ chức cuộc thi hát Trường Điệu, nhiều người dân chăn nuôi đều bỏ tiền tài trợ và tham gia cuộc thi một cách hăng hái. Ông Hồ Hoà nói:

"Người dân chăn nuôi rất yêu thích Trường Điệu, rất ủng hộ những hoạt động liên quan tới Trường Điệu. Toàn bộ kinh phí 5000 đồng nhân dân tệ của Cuộc thi hát Trường Điệu lần đầu tiên do chúng tôi tổ chức là do một cụ bà, người chăn nuôi quyên góp."

Bên cạnh đó, cơ quan hữu quan các cấp ở các địa phương Khu tự trị Nội Mông cũng áp dụng những biện pháp cụ thể như mở cao đẳng chuyên ngành, mở lớp bồi dưỡng và triển khai giảng dạy Trường Điệu trong nhà trường, thành lập cơ quan công tác bảo tồn Trường Điệu dân tộc Mông Cổ.

Thông qua những cố gắng của chính phủ và tổ chức dân gian, Trường Điệu thảo nguyên Ujumqin từng đứng trước nguy cơ thất truyền một lần nữa bừng lên sức sống. Những năm qua, Trường Điệu dân tộc Mông Cổ đã dần dần được càng nhiều người biết tiếng, giai điệu mang đậm bản sắc thảo nguyên bắt đầu từ thảo nguyên truyền đi khắp nơi trên thế giới.