Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc: Tết Trung Thu
   2009-09-30 20:02:51    cri

Ngày 3 tháng 10 là Tết Trung Thu, ngày lễ truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Tết Trung Thu là ngày lễ truyền thống lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Tết Nguyên Đán. Kể từ đời Tống, Tết Trung Thu bắt đầu thịnh hành, tính đến nay đã có lịch sử hơn 1000 năm. Nhân dịp Tết Trung Thu, người Trung Quốc tổ chức các hoạt động mang đậm đặc sắc phong tục dân tộc như ngắm trăng, ăn bánh Trung Thu, cả gia đình sum họp v.v. Tháng 5 năm 2006, được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn, Tết Trung Thu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đợt đầu.

Theo âm lịch, Trung Quốc chia một năm thành 4 muà, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 âm lịch là mùa thu, ngày rằm tháng 8 là đúng giữa mùa thu, cho nên được gọi là "Trung Thu". Vì ngày rằm tháng 8 là ngày mặt trăng sáng nhất, tròn nhất, khi ngẩng đầu lên ngắm trăng sáng như ngọc, như gương, mọi người dĩ nhiên sẽ mong cảnh đoàn tụ gia đình. Những người ở đất khách quê người cũng qua ngắm trăng để gửi gắm nỗi nhớ nhung đối với quê hương và người thân. Cho nên, Tết Trung Thu cũng được gọi là "Tết Đoàn tụ".

Tết Trung Thu bắt nguồn từ lễ tế mặt trăng vào mùa thu của Trung Quốc cổ đại, vua chúa thời xưa có chế độ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu. Đến những năm đầu đời Đường, Tết Trung Thu mới trở thành ngày lễ cố định. Trong sử sách đời Đường bảo tồn đến nay có viết rõ "Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng 8". Đến đời Tống, Tết Trung Thu bắt đầu thịnh hành, và từ đó đã trở thành một trong những ngày lễ, tết chính của Trung Quốc.

Về truyền thuyết liên quan tới Tết Trung Thu, câu chuyện thần thoại "Hằng Nga Bôn Nguyệt" được lưu truyền trong phạm vi rộng nhất. Tương truyền, một hôm, Hậu Nghệ, anh hùng bắn mặt trời xin được một bao thuốc bất tử của Vương Mẫu Nương Nương, và đưa cho vợ Hằng Nga cất giữ. Nhưng sau khi biết được chuyện này, Bồng Mông, hàng xóm có lòng dạ xấu xa thừa lúc Hậu Nghệ ra ngoài săn bắn, bắt Hằng Nga trao thuốc bất tử cho mình. Trong trường hợp khẩn cấp, Hằng Nga đã nuốt chửng thuốc bất tử, bay lên mặt trăng, trở thành thần tiên. Sau khi biết được tin Hằng Nga bôn nguyệt, người dân tới tấp xếp đặt hương án dưới mặt trăng, cầu mong tốt lành và bình an với Hằng Nga tốt bụng. Từ đó, phong tục tế mặt trăng vào Tết Trung Thu đã được phổ biến trong dân gian.

Trong Tết Trung Thu, dân gian Trung Quốc có các tập tục phong phú đa dạng như ngắm trăng, ăn bánh Trung Thu, ngắm thủy triều, đoán câu đố, thắp đèn, múa rồng lửa, uống rượu hoa quế, ăn khoai sọ v.v.

Lễ tế mặt trăng và ngắm trăng là phong tục quan trọng vào Tết Trung Thu. Thời xưa, vua chúa phải tuân theo chế độ tổ chức lễ tế mặt trăng vào mùa thu, dân gian cũng có tập tục tế mặt trăng vào ngày rằm tháng 8, sau đó, phong tục ngắm trăng đã quan trọng hơn lễ tế trăng, từ lễ tế trang nghiêm trở thành hoạt động tràn đầy bầu không khí vui mừng, nhẹ nhàng. Khắp nơi Trung Quốc vẫn còn nhiều di tích "Đàn tế mặt trăng", "Đình tế mặt trăng", "Lầu ngắm trăng" v.v. "Nguyệt Đàn" ở Bắc Kinh xây dựng trong thời kỳ Gia Tĩnh triều Minh, để phục vụ cho lễ tế mặt trăng của hoàng gia. Mỗi khi mặt trăng ngày rằm tháng 8 lên cao, gia đình nào cũng phải xếp đặt hương án ngoài trời, bày bánh Trung Thu, quả thạch lựu, táo đỏ v.v lên bàn, sau lễ tế mặt trăng, cả gia đình ngồi chung quanh bàn, vừa nói chuyện vừa phá cỗ ngắm trăng.

Ăn bánh Trung Thu là một tập tục quan trọng khác của Tết Trung Thu, bánh Trung Thu tượng trưng cho đoàn tụ, ngày rằm tháng 8 mỗi một người đều phải ăn bánh Trung Thu để tỏ ý "đoàn tụ". Ban đầu, bánh Trung Thu là đồ tế thần mặt trăng, sau đó người Trung Quốc dần dần coi việc ngắm trăng và ăn bánh Trung Thu vào tết Trung Thu là điều tượng trưng cho đoàn tụ gia đình, bánh Trung Thu cũng dần dần trở thành quà tặng ngày lễ. Bánh Trung Thu là loại bánh nướng, phần lớn có hình tròn, vỏ ngoài làm bằng bột mì, trong có nhân các loại. Ban đầu bánh Trung Thu là do các gia đình tự chế biến, đến cận đại, xuất hiện nhà máy chuyên chế biến bánh Trung Thu, bánh Trung Thu được chế biến ngày càng cầu kỳ, chủng loại nhân cũng nhiều thêm. Hiện nay, bánh Trung Thu không những có nhân truyền thống gồm nhân quả hạch, nhân táo, nhân đậu đỏ, mà còn có nhân hạt sen, lòng đỏ trứng, nhân thịt, nhân hoa quả, nhân sô-cô-la v.v. Về đóng gói bên ngoài, không chỉ có hình tròn, mà còn có hình vuông, hình cánh hoa v.v. Bánh Trung Thu đều được đóng gói trong hộp đẹp, là quà tặng không thể thiếu được để tặng cho người thân và bạn bè vào dịp Tết Trung Thu.

Kể từ năm 2008, Tết Trung Thu được công nhận là ngày nghỉ lễ, tết, mọi người được nghỉ 1 ngày. Như vậy, người Trung Quốc có dịp đón mừng ngày lễ truyền thống và cảm nhận hạnh phúc, đoàn tụ với gia đình.