Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Đại văn hào Tô Thức
   2009-09-07 15:26:06    cri

Nghe Online

Tô Thức, hiệu cư sĩ Đông Pha, người My Sơn- My Châu, là nhà văn và nhà thư họa triều Bắc Tống. Thời Tống Nhân Tông, ông tham gia thi Bộ Lễ, với bài "Hình thưởng trung hậu luận" đỗ bậc tiến sĩ. Ông trước sau đảm nhiệm các chức vụ Chánh án tòa án tối cao; Đại học sĩ viện hàm lâm phủ Phượng Tường; Thẩm phán phủ Khai Phong v v. Trong thời gian năm Hy Ninh vua Tống Thần Tông, ông nhận thấy luật mới do tể tướng Vương An Thạch đặt ra đã gây bất tiện cho dân, nên đã dâng thư phản đối, sau đó ông bị điều đến làm thông phán ở Hàng Châu. Ba năm sau, lại bị điều đi làm Tri Châu tại Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu v v. Bấy giờ, đã có người cố ý xuyên tạc các câu thơ của ông với dã tâm đen tối.

Năm Nguyên Phong thứ 2, khi Tô Thức nhậm chức ở Hồ Châu chưa được 3 tháng, do ông viết thơ châm biếm luật mới nên bị bắt vào tù, mà lịch sử gọi là "Điểu đài thi án". Sau khi ra tù, ông bị giáng chức đến làm phó sứ đoàn luyện ở Hoàng Châu. Do địa vị thấp hèn, Tô Thức buộc phải dẫn cả nhà đi khai hoang trồng cấy để mưu kế sinh nhai. Ông đặt biệt hiệu "Đông Pha cư sĩ" là chính vào thời kỳ này.

Đến năm Nguyên Phong thứ 7 thời vua Tống Thần Tông, Tô Thức phụng mệnh rời Hoàng Châu đến nhậm chức ở Nhữ Châu. Do dặm trường vất vả, đứa con trai nhỏ của ông chẳng may qua đời, Tô Thức đau đớn vì mất con mà lộ phí cũng đã gần hết, đành phải xin với nhà vua tạm thời không đi Nhữ Châu, cho phép mình về tạm sống ở Thường Châu nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng khi Tô Thức trên đường về Thường Châu thì được tin vua Tống Thần Tông băng hà, Tống Triết Tông lên kế vị, Tư Mã Quang nhậm chức tể tướng. Tô Thức được triệu vào kinh, chỉ trong hai năm mà ông từ thái thú Đăng Châu được thăng vọt lên làm Hàn lâm học sĩ, rồi đến lễ bộ thượng thư. Do ông bất đồng với hiến pháp mới, nên đã tự xin đi nơi khác, ông lại được điều đến làm thái thú Hàng Châu sau 16 năm xa cách.

Tại Hàng Châu, Tô Thức có một công trình thủy lợi lớn, đó là đắp đê Tây Hồ mà thế nhân gọi là Đê Tô. Về sau, Tô Thức lại được triệu vào kinh, nhưng ít lâu sau lại bị điều đi Dĩnh Châu, sau đó còn mấy lần được triệu vào kinh nhậm chức, rồi cũng lại bị giáng chức xuống làm quan ở Huệ Châu, Đạm Châu v v. Đến năm đầu thời vua Tống Huy Tông thì bị bệnh qua đời tại Thường Châu, hưởng thọ 66 tuổi.

Văn chương của Tô Thức bay bổng, khoáng đạt. Ông là một trong tám đại gia hai triều Đường Tống. Thơ ông sáng sủa và khỏe khoắn, ông sành về ví von và khoa trương, phong cách thể hiện hết sức độc đáo, có một số bài thơ đã phản ánh về nỗi thống khổ của nhân dân, chỉ trích tầng lớp thống trị, có khá nhiều tác phẩm gây ảnh hưởng đối với hậu thế như: "Niệm nô Kiều –Xích Bích hoài cổ" v v. Các tác phẩm thư pháp của ông đều hấp thu tinh hoa của các nhà thư pháp nổi tiếng như: Lý Ung, Từ Hạo, Ngạn Chân Khanh, Dương Nghi Thức v v. Ông và Sái Dương, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất được gọi là "Tống tứ gia".

Tô Thức thời trẻ học lối thư pháp của "Nhị vương", thời trung niên học của Ngạn Chân Khanh, Dương Nghi Thức, khi về già học của Lý Bắc Hải, đồng thời còn hấp thu tinh hoa của các nhà thư pháp hai triều Tấn và Đường. Ông có thói quen cầm bút ngang, nên nét chữ dẹt và mập, đây là thủ pháp sáng tạo nghệ thuật đã làm phong phú và phát triển kỹ thuật thư pháp truyền thống, chứ không mô phỏng một cách máy móc.

Nhà thư pháp Hoàng Đình Kiên đã chia tác phẩm thư pháp của Tô Thức làm ba thời kỳ, đầu, giữa và cuối. Thời kỳ đầu thì nét chữ mềm mại, thanh tú. Thời kỳ giữa thì khép tròn, khỏe khoắn. Còn thời kỳ cuối thì chững chạc, khoan thai. Tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ đầu có "Trị bình thiếp", nét chữ là lượn, phóng khoáng. Tác phẩm trong thời kỳ giữa có "Hoàng Châu hàn thực thi thiếp", đây là hai bài thơ được viết trong thời gian Tô Thức đang ngồi tù rồi bị điều đi Hoàng Châu vào năm Nguyên Phong thứ 5. Tuy ý thơ có phần ưu tư, buồn bã, nhưng vần thơ lại rất bay bổng, khoáng đạt. Nét chữ và cách dùng mực của ông cũng uyển chuyển, bay lượn theo ý thơ. Tiên Vu Xu triều nhà Nguyên đã gọi lối hành thư của ông là đứng vào hàng thứ ba, sau "Lan đình tự" của Vương Hi Chi và "Tế trí cảo" của Ngạn Chân Khanh. Thời kỳ cuối có các tác phẩm hành thư như "Động Đình xuân sắc phú" v v.