Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Khấu Chuẩn chống giặc Liêu
   2009-08-10 16:09:17    cri

Nghe Online

Khấu Chuẩn là tể tướng nổi tiếng triều Bắc Tống, ông túc trí đa mưu, dũng cảm hơn người. Nghe nói, Khấu Chuẩn lúc 5 tuổi theo cha đến làm việc trong phủ một gia đình quyền quý, vì bục cửa quá cao, nên cậu bé phải bò lết mới qua được, chủ nhà thấy vậy cười nhạo rằng: "Cậu bé chân ngắn", Khấu Chuẩn liền đáp rằng: "Cũng chỉ tại bục cửa nhà ông quá cao mà thôi", khiến ai nấy nghe xong đều cảm thấy kinh ngạc.

Tài năng của Khấu Chuẩn được vua Tống Thái Tông rất coi trọng. Năm 994 công nguyên, Khấu Chuẩn được triệu vào triều đình nhậm chức Tham Tri Chính Sự. Ông làm Giản Nghị Đại Phu và Khu Mật Phó Sứ chưa đầy hai năm, vì tính tình cương trực nên đắc tội với các nhà quyền quý, Tống Thái Tông tin nghe lời đồn nhảm đã cách chức Khấu Chuẩn, rồi điều ông đến làm tri phủ Thanh Châu cách xa kinh thành.

Khấu Chuẩn rời kinh chưa được một năm, thì công việc trong triều đình đã rối như mớ bòng bong. Tống Thái Tông đành phải hạ chỉ triệu Khấu Chuẩn về kinh khôi phục chức cũ. Khấu Chuẩn đã nêu ra lấy "Tiến hiền thoái bất tiêu" làm cương lĩnh, mạnh dạn tiến hành cải cách chính trị. Tống Thái Tông bấy giờ đã tuổi già sức yếu, không còn quả quyết và khí khái như trước, mặt khác lại lo ngại Khấu Chuẩn sẽ gây điều rắc rối, nên lại lần nữa miễn chức Tham Tri Chính Sự của Khấu Chuẩn, điều ông đi nhậm chức thứ sử Đặng Châu. Khấu Chuẩn vốn đang dồn tâm huyết vào việc thúc đẩy cải cách, còn chưa hiểu đầu đuôi ra sao, thì lại lần nữa bị rơi xuống đáy vực.

Mãi tới khi con trai Tống Thái Tông là Tống Chân Tông-Triệu Hằng lên nối ngôi, vị vua trẻ và sung sức này vốn rất hâm mộ tính tình khảng khái, đảm thức và tài ba hơn người của Khấu Chuẩn, duy có một điều khiến nhà vua không vừa ý là tính khí cương trực của ông. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, vua Tống Chân Tông vẫn bổ nhiệm Khấu Chuẩn giữ chức tể tướng. Khấu Chuẩn trải qua bao lần lên voi xuống chó, lại một lần nữa từ đáy vực leo lên trung tâm quyền lực của vương triều nhà Tống, đạt tới đỉnh cao chốn quan trường, trở thành viên tể tướng chỉ đứng dưới một người, mà đứng trên hàng trăm triệu người.

Năm 1004 công nguyên, quân Liêu ở phương bắc ồ ạt tiến xuống miền nam, chỉ trong một ngày mà triều đình đã nhận được năm tin cấp báo của địa phương. Vua Tống Chân Tông thất kinh, các quan văn võ trong triều đều khiếp đảm, nội thành Khai Phong đang nháo nhác trước cơn giông tố sắp ập đến. Trước tình hình nguy ngập này, một tốp đại thần phái đầu hàng trong triều chủ trương bỏ chạy về Nam Kinh hoặc Thành Đô để bảo toàn tính mạng, riêng có Khấu Chuẩn là chủ trương chống lại giặc Liêu, những lời lẽ chính trực của ông đã khiến các quan văn võ trong triều không ai còn dám nói đến việc bỏ chạy nữa.

Dưới sự chỉ huy của Khấu Chuẩn, quân Tống đã giành được thắng lợi. Nhưng tại mặt trận hướng Sàn Châu, Tống Chân Tông nhát gan không dám vượt qua sông Hoàng Hà, Khấu Chuẩn lại phải khuyên mãi, mới dẫn được Tống Chân Tông đang trong do dự sang đến bờ bắc sông Hoàng Hà. Giữa lúc hai bên đối trận nhau, vua Tống Chân Tông khác nào từ trên trời xuống xuất hiện trên thành lầu bắc Sàn Châu. Các tướng sĩ quân Tống đứng từ xa nhìn thấy cờ rồng phấp phới, tức thì tiếng hò reo nổi lên vang xa tới mấy chục dặm, khiến quân Liêu sợ khiếp vía, hàng ngũ trở nên lộn xộn. Khấu Chuẩn thấy vậy liền chỉ huy quân Tống nhanh chóng đánh sang, quân Liêu trở tay không kịp phải bỏ chạy tán loạn, tên chủ soái bị bắn chết, hơn nửa số quân bị bắt làm tù binh.

Sau trận thắng lớn này, hai bên Tống và Liêu đã ký bang ước hòa mục láng giềng. Từ đó, biên giới hai nước không còn xảy ra chiến tranh, nhân dân an cư lạc nghiệp, vương triều Bắc Tống được yên ổn trong hơn 70 năm trời.

Các đại thần ban đầu chủ trương bỏ chạy, nay thấy Khấu Chuẩn lập chiến công thì rất lo bị ông hành tội, nên họ đã câu kết với nhau vu khống Khấu Chuẩn. Vua Tống Chân Tông vốn có lòng nghi kỵ Khấu Chuẩn từ lâu, nay lại nghe những lời nói nhảm nhí của lũ tiểu nhân, vua nổi cơn lôi đình, bèn lập tức bãi miễn chức tể tướng của Khấu Chuẩn, điều ông xuống làm tri châu Thiểm Châu.