Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Dân ca dân tộc Ha-ni ở Mạc Giang Vân Nam
   2009-08-03 15:33:32    cri

Nghe Online

Tỉnh Vân Nam Trung Quốc có 26 dân tộc thiểu số, là tỉnh có dân tộc thiểu số nhiều nhất ở Trung Quốc. Dân tộc Ha-ni là một trong số các dân tộc thiểu số ở Vân Nam. Dân tộc Ha-ni không có chữ viết, lịch sử, văn hoá cũng như tình hình sản xuất và sinh hoạt của dân tộc này đều được kế thừa theo phương thức truyền khẩu. Trong đó, dân ca nguyên sơ của huyện Mạc Giang, huyện tự trị dân tộc Ha-ni duy nhất ở Trung Quốc rất mang tính tiêu biểu và tính nghệ thuật.

Người Ha-ni thường hay thổ lộ tâm tình qua lời ca tiếng hát trong khi lao động trên đồng ruộng. Trong khi đó, dân tộc Ha-ni cũng hình thành truyền thống đối nhân xử thế, kế thừa lịch sử văn hoá xã hội dân tộc bằng lời ca tiếng hát. Những bài hát đó phong phú đa dạng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống trong các thời đại khác nhau của họ. Nội dung bao gồm các kiến thức thiên văn, địa lý, lịch sử, tiết khí, trồng trọt cũng như văn học, nghệ thuật v.v. Phó Trưởng Phòng Văn hoá, Thể thao huyện tự trị dân tộc Ha-ni Mạc Giang, Lý Vĩ Trung cho biết:

"Những bài hát của dân tộc Ha-ni có điểm tương đồng với Hán ngữ cổ đại và Hán ngữ hiện đại. Cũng tức là hiện nay chúng tôi đối thoại bằng văn bạch thoại, hán ngữ hiện đại, nhưng lời ca trong các bài hát của dân tộc Ha-ni hoàn toàn là cổ văn."

Các bạn vừa nghe là bài hát "Tế Rồng" do chị Vương Mỹ Phượng, nông dân dân tộc Ha-ni chi nhánh dân tộc Hao-ni, Mạc Giang thể hiện. Đại ý lời ca hát rằng: chim Cút hót, mùa gieo trồng đến, cây mạ xanh xanh, như nụ cười tươi tắn. Kết cấu câu của dân ca nguyên sơ Ha-ni khá tự do, lời ca dài hay ngắn tùy theo nhu cầu diễn tả tình cảm, nhưng rất cầu kỳ về vần trắc. Về vần, có những bài hát từ đầu đến cuối chỉ có một vần, có bài lại phải chuyển vần. Nói tóm lại, người Ha-ni biết hát những bài hát khác nhau tùy theo trường hợp và nội dung khác nhau. Ông Lý Vĩ Trung nói:

"Chẳng hạn như nội dung của dài hát Sơn ca thì không thể hát ở nhà, bởi vì đó là những bài hát bày tỏ tình cảm giữa các đôi trai gái. Còn những bài "du con" hát ở nhà là những bài hát kế thừa văn hoá dân tộc, vì ở nhà có cả người già, trẻ em, hát những bài hát yêu đương là không thích hợp."

Nói đến nguồn gốc của những làn điệu dân ca dân tộc Ha-ni, ông Lý Vĩ Trung cho biết, bộ tộc tổ tiên của dân tộc Ha-ni có sự phân công rất rõ ràng trong quá trình di cư, cường độ lao động có nặng có nhẹ. Do vậy, tuy ở cùng một nơi, nhưng những làn điệu dân ca được hình thành trong quá trình lao động lại khác nhau. Điều này được phản ánh rõ nét trong những bài dân ca đặc sắc của 9 dân tộc là Ka-đô, Bi-ye, Hao-ni, Bạch Hồng, La-mi, Chê-đi, A-mu, Ka-bê, Xi-mô-lô thuộc dân tộc Ha-ni, huyện Mạc Giang.

Các bạn vừa nghe là dân ca Ha-ni do anh Đao Hồng Thần, nông dân người Ka-đô thuộc dân tộc Ha-ni Mạc Giang thể hiện, ông Lý Vĩ Trung nói:

"Làn điệu của người Ka-đô và người Bi-ye thường trầm cảm, uất ức, ít khi vui nhộn, nhưng làn điệu của người Hao-ni và Bạch-hồng lại khác."

Các bạn vừa nghe là dân ca Ha-ni do chị Vương Mỹ Phượng, nông dân người Hao-ni thuộc dân tộc Ha-ni, Mạc Giang thể hiện. Làn điệu dân ca của các chi nhánh thuộc dân tộc Ha-ni mang đặc sắc về cách thể hiện tình cảm, làn điệu của người Bạch Hồng thì phóng khoáng hơn, mạnh mẽ hơn, tuy cùng một bài hát, nhưng thông qua thay đổi tiết tấu nhanh chậm lại có thể bày tỏ tình cảm khác nhau.

Một số làn điệu dân ca Ha-ni dành riêng cho Phái đẹp, tiêu biểu nhất là những bài hát du con. Sau đây xin mời quý vị và các bạn thưởng thức "bài hát du con" do chị Nhơn Lệ Thanh, nông dân người Xi-mô-lô thuộc dân tộc Ha-ni Mạc Giang thể hiện.

Các bạn thân mến, bài hát du con của dân tộc Ha-ni đã khiến chúng ta cảm nhận tình yêu nồng thắm của một người mẹ đối với con cái. Trong cuộc sống hàng ngày của người Ha-ni, những bài hát được người Ha-ni hát nhiều nhất là tình ca. Trên đồi núi, trên đồng ruộng, thanh niên nam nữ yêu nhau thường hát dân ca để bày tỏ sự nhớ thương, "lấy bài ca làm mối", để tỏ tình với đối phương. Tiếp theo mời quý vị và các bạn thưởng thức bài tình ca của thanh niên nam nữ dân tộc Ha-ni.

Trong khi nâng cao cuộc sống vật chất, huyện tự trị dân tộc Ha-ni Mạc Giang cũng tích cực tiến hành bảo tồn, khai thác và kế thừa văn hóa Ha-ni. Huyện đã triển khai giảng dạy dân ca dân tộc Ha-ni tại các trường trung và tiểu học. Một số dân ca được truyền hát trong nhà trường. Huyện còn khuyến khích những xã, làng giàu tài nguyên dân ca, điệu múa dân tộc Ha-ni thành lập đội ca múa; tận dụng đa phương tiện truyền thông hiện đại làm VCD dân ca, mở rộng sức ảnh hưởng của dân ca. Mỗi năm còn tổ chức một lần hội diễn hoặc cuộc thi ca múa dân gian. Phó Trưởng Phòng Văn hoá, Thể thao huyện tự trị dân tộc Ha-ni, Mạc Giang Lý Vĩ Trung nói:

"Dân ca Ha-ni là văn hóa phi vật thể, là tài sản quý báu mà tổ tiên dân tộc Ha-ni để lại. Chúng tôi đang tiến hành kế thừa và tôn vinh một cách lý tính, để cho bông hoa này mãi mãi tươi đẹp."