Nghe Online
Triệu Khuông Dận "Hoàng bào gia thân, bái hô vạn tuế" trở thành nguyên huân khai quốc triều nhà Tống. Cũng có thể do giang sơn xã tắc lọt vào tay một cách dễ dàng, Triệu Khuông Dận rất lo ngại người khác cũng sẽ dùng thủ đoạn tương tự để cướp đoạt ngôi vị của mình, nên ông nảy ra ý định bãi miễn binh quyền của một số tướng lĩnh. Sau khi bàn kỹ với Triệu Phổ, việc mổ xẻ lần này chủ yếu là nhằm vào hai vị đại tướng cấm quân Thạch Thủ Tín và Vương Thẩm Kỳ.
Một buổi tối sau buổi chầu, Triệu Khuông Dận bày tiệc mời các tướng lĩnh cấm quân đến dự. Khi tửu quá tam tuần, Tống Thái Tông ra hiệu cho các thái giám bên cạnh ra ngoài, tay nâng chén mời các tướng và nói rằng: " Nếu trẫm không được các khanh giúp sức thì đâu có được địa vị như ngày hôm nay. Nhưng các khanh đâu có biết, làm vua cũng có cái khó của vua, thà làm Tiết Độ Sứ còn thoải mái hơn. Trẫm không giấu giếm gì các khanh, một năm nay mà trẫm không đêm nào được ngủ yên giấc cả". Thạch Thủ Tín nghe vậy thất kinh vội bẩm rằng: "Bệ hạ sao lại nói như vậy, nay thiên mệnh đã định, ai còn dám có lòng dạ nào khác".
Triệu Khuông Dận ra vẻ thành khẩn nói: "Các khanh đều là người đáng tin cậy, đương nhiên không có ý này nọ. Nhưng chỉ lo các tướng sĩ dưới quyền các khanh có lòng tham quyền quý, muốn khoác hoàng bào lên người các khanh, mà các khanh không muốn cũng không được". Thạch Thủ Tín và các tướng lĩnh nghe xong, biết là tai họa sắp giáng xuống đều cúi đầu ứa nước mắt nói: "Chúng thần ngu muội đều không nghĩ tới điều này, mong bệ hạ chỉ cho một lối thoát". Triệu Khuông Dận nói: "Cuộc đời khốn khó, những kẻ tham mộng quyền quý chẳng qua cũng là mong tích góp của cải, để con cháu đời sau có được cuộc sống thư thái. Các khanh sao không trao lại binh quyền, rồi về quê làm ông quan nhàn nhã, mua nhà tậu đất gây cơ nghiệp cho con cháu há chẳng tốt lắm sao?". Thạch Thủ Tín cùng các tướng đều vội vàng bái tạ. Buổi chầu ngày hôm sau, Thạch Thủ Tín và các tướng mỗi người đều dâng một bản tấu chương, nói mình đã tuổi già sức yếu và xin từ chức, mà lịch sử gọi là "Bối tửu dịch binh quyền".
Sau đó, Thạch Thủ Tín và các tướng cũng được nhà vua bổ nhiệm làm Tiết Độ Sứ, họ không được cử đi các nơi nhậm chức mà ở lại kinh thành, chỉ hưởng bổng lộc chứ không gánh vác việc nước. Sau khi truất binh quyền của đại thần, Triệu Khuông Dận vẫn chưa yên tâm, lại tiến hành cải cách binh chế, cuộc cải cách này nhằm đạt tới mục đích, binh không tướng cố định, tướng không lính cố định, lính là người canh phòng ở các Châu, triều đình chỉ điều cho quan phủ một Dịch Sứ, chứ không hề thao luyện võ nghệ.
Điều này thành ra lính không biết tướng, tướng không biết lính, người có tài chỉ huy quân đội không thể trực tiếp cầm quân, người trực tiếp cầm quân lại không thể điều động quân đội. Tuy điều này có thể ngăn ngừa xảy ra binh biến, nhưng lại tiêu hao năng lực tác chiến của quân đội. Do đó, thời kỳ Bắc Tống mới thường xuyên bị người Khế Đan, Tây Hạ, Liêu và Kim xâm phạm, rút cuộc đều là vương triều nhà Tống phải xin cầu hòa, rồi cống tiến làm hao phí biết bao nhiêu tiền của.
"Bối tửu dịch binh quyền" đã khiến chức võ quan trở nên hư danh, họ mang danh là Tiết Độ Phòng Ngự Sứ, nhưng kỳ thực chẳng quản việc gì, mà vẫn hưởng bộc lộc theo phẩm cấp. Trong thực tế, quan chức quản lý quân chính là do triều đình lâm thời sai phái, nhưng cũng chính vì vậy mà họ chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chứ chẳng làm được việc gì nên hồn cả.
Mặc dù triều nhà Tống đã xử dụng danh hiệu Đài, Tỉnh, Chùa, Giám, Viện, Bộ của triều nhà Đường và Ngũ Đại, đặt ra quan chức. Ngoài ra còn có Huân, Tước, nhưng đều là danh hiệu lĩnh bổng lộc, chứ không làm việc và quản lý công việc, những người thực sự làm việc và quản lý công việc thì đều là người luôn phiên lưu động. Triều đình nhà Tống áp dụng chế độ quan liêu này đã hình thành một bộ máy trùng lặp và cồng kềnh.
Mặt khác, nhằm lôi kéo các quan chức, địa chủ và phú thương ủng hộ mình, Triệu Khuông Dận đã trăm phương nghìn kế bảo vệ lợi ích của họ, dung túng họ đè nén áp bức nhân dân, công khai mua quan bán tước. Nơi nào bị dân phản đối quá mạnh thì cùng lắm là miễn chức hoặc điều đi nơi khác, rất ít tử hình hoặc tịch thu tài sản.
"Bối tửu dịch binh quyền" của Triệu Khuông Dận chỉ có thể khiến quan chức và đại thần không làm phản, chứ không thể khiến nước giàu dân mạnh. Cục diện này thành ra "Binh vô chế, dụng vô tiết, nước vô pháp độ, tất cả đều là tạm bợ mà thôi". |