Ở Thượng Hải miền đông Trung Quốc thịnh hành một bài đồng dao như sau: "Bác Hoàng, bác Hoàng, dạy cháu xe sợi, dạy cháu dệt vải, hai cái ống, hai tấm vải". Bài đồng dao này kể về câu chuyện Hoàng Đạo Bà sống ở đời Nguyên cách đây hơn 700 năm, nghề dệt vải bông thủ công do Hoàng Đạo Bà phát minh khiến khu vực Thượng Hải từng một dạo trở thành trung tâm dệt may của Trung Quốc. Hiện nay, ở Ô Nê Kinh—quê hương của Hoàng Đạo Bà, nghề dệt vải bông vẫn được kế thừa, hơn nữa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đợt đầu. Bác Khang Tân Cầm là người kế thừa nghề dệt vải bông thủ công Ô Nê Kinh.
Bác Khang Tâm Cầm năm nay 79 tuổi, là người kế thừa nghề dệt vải bông thủ công có lịch sử lâu đời do Hoàng Đạo Bà phát minh. Mỗi ngày bác đều đi thăm khu mộ Hoàng Đạo Bà và dạy học trò dệt vải bông, để nghề dệt vải bông thủ công được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho dù trời nổi gió hay mưa to, buổi sáng mỗi ngày bác Khang Tâm Cầm đều đến Nhà kỷ niệm Hoàng Đạo Bà bắt đầu công việc một ngày.
Sở dĩ nghề dệt vải của Hoàng Đạo Bà được thịnh hành rộng rãi là vì Hoàng Đạo Bà có công suất dệt vải cao. Hoàng Đạo Bà đã cải tiến guồng quay sợi, tăng ống suốt dùng để xe sợi từ 1 cái trước kia lên 3 cái, như vậy công suất dệt vải bông đã được nâng cao rất nhiều. Hoàng Đạo Bà còn dùng máy cán bông, thay đổi hoàn toàn tình hình lạc hậu lúc đó dùng tay bóc hạt bông hoặc dùng cán sắt để tách hạt bông. Hoàng Đạo Bà còn dùng tre làm dây cung và cần bật bông, như vậy khi bật bông, công cụ tiếp xúc sợi bông với diện tích lớn hơn, ngoài ra, so với dây cung và cần làm bằng gỗ, dây cung và cần làm bằng tre nhẹ hơn, thao tác đơn giản và tiện lợi hơn.
Tương truyền, sau khi sáng tạo nghề dệt may, Hoàng Đạo Bà đã dạy nghề dệt may cho bà con láng giềng một cách không dấu diếm, khiến phủ Tùng Giang lúc đó trở thành nơi quan trọng về ngành dệt vải bông Trung Quốc.
Cùng với công nghiệp dệt may hiện đại phát triển không ngừng, nghề dệt may dân gian do Hoàng Đạo Bà sáng tạo từng một dạo bị người ta lãng quên. Bác Khang Tâm Cầm luôn cho rằng, nghề thủ công truyền thống có sức cuốn hút đặc biệt, sẽ thu hút càng nhiều người trẻ học tập. Nhưng hiện nay, học sinh đến học nghề này vẫn rất ít, lớp trẻ không có hứng thú đối với nghề truyền thống, điều này khiến bác Khang Tâm Cầm hết sức lo lắng. Bác nói, nếu có người đến học nghề, bác sẽ dạy miễn phí.
Đối với hành động bảo vệ di sản quý báu của dân tộc, Giáo sư Trịnh Thổ Hữu Khoa tiếng Trung trường Đại học Phục Đán Thượng Hải đã bày tỏ nỗi lo âu. Giáo sư cho rằng, cả xã hội đều phải gánh vác trách nhiệm bảo tồn nghề dệt vải bông bằng thủ công ở Ô Nê Kinh, chỉ dựa vào một lực lượng nào đó, khó mà bảo tồn được di sản văn hóa phi vật thể này, điều then chốt là dân chúng phải hiểu biết và chấp nhận nghề này. Giáo sư nói, điều then chốt bảo tồn và kế thừa nghề thủ công Ô Nê Kinh là nhiều cơ quan phải dốc sức hợp tác. Giáo sư nói:
"Trước hết, Chính phủ phải rất coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhận thức đến ý nghĩa quan trọng của công tác này, đồng thời áp dụng biện pháp hữu hiệu để bảo tồn nghề dệt vải bông Ô Nê Kinh, trong đó điều rất quan trọng là phải tăng cường đầu tư vào các thiết bị phần cứng như nhà kỷ niệm, viện bảo tàng v.v.; thứ hai, phương tiện truyền thông cần phải ra sức tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động bảo tồn của dân chúng; thứ 3, học giả phải tiến hành điều tra và nghiên cứu một cách sâu rộng, khai thác nội hàm trong di sản do Hoàng Đạo Bà để lại." |