Nghe Online
Sau cuộc "An Sử chi loạn", các phiên trấn Trung Nguyên bị cát cứ rồi xảy ra hỗn chiến, thêm vào đó triều đại luôn thay đổi càng khiến kinh tế thêm suy sụp, nhân dân nếm đủ mùi cay đắng của chiến tranh, việc thống nhất đất nước, phát triển sản xuất, nhân dân được an cư lạc nghiệp đã trở thành xu thế tất yếu và điều mong mỏi của mọi người. Năm 954 công nguyên, Hậu Chu thái tổ Quách Uy qua đời, ông không có con trai, người con nuôi là Sài Vinh lên nối ngôi mà lịch sử gọi là Chu Thế Tông.
Cùng năm, Bắc Hán nhân cơ hội Thái tổ mới mất đã khởi binh tiến đánh Hậu Chu. Tướng quân Triệu Khuông Dận theo Sài Vinh dẫn quân ra chặn đánh, hai bên xảy ra trận kịch chiến ở Cao Bình,?tức phía đông bắc Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây ngày nay.?Triệu Khuông Dận là người có ảnh hưởng lớn nhất trong chiến dịch này. Bấy giờ, quân đội Bắc Hán thanh thế lớn mạnh, hai viên đại tướng của Hậu Chu hoàng sợ đã bỏ chạy, khiến quân ngũ trở nên náo loạn. Trước tình hình nguy ngập này, Triệu Khuông Dận bước ra hô to lên rằng: "Chúa nguy thì thần phải chết, nay thời cơ thí mạng tận trung đã tới". Dứt lời, ông dẫn đám quân kỵ của mình xông thẳng sang trận địch. Quân Bắc Hán luống cuống trước kiểu đánh liều mạng này đều hoảng hốt bỏ chạy, Hậu Chu lật được tình thế và giành được thắng lợi.
Sau đó, từ năm 956 đến năm 958 công nguyên, Sài Vinh từng ba lần tấn công Nam Đường, Triệu Khuông Dận đều dẫn đầu binh sĩ xông pha chém giết, nên liên tiếp được thăng quan tiến chức.
Một hôm, Sài Vinh uống rượu say ngồi nhìn Triệu Khuông Dận hồi lâu rồi nói rằng: "Ông mặt vuông tai to, có tướng mạo bậc đế vương, sau này tất làm nên cửu ngũ chi tôn". Triệu Khuông Dận giật mình vội nói rằng: "Thần không chỉ mặt vuông tai to, mà sức khỏe như trâu, nhưng tất cả đều thuộc về hoàng thượng. Đừng nói là mặt vuông tai to, mà ngay đến tim gan của thần, một khi hoàng thượng cần tới thì cứ sai người đến đem đi, thần cũng không từ chối".
Mùa xuân năm 959 công nguyên, khi Sài Vinh dẫn quân sang đánh Khế Đan, trên đường tình cờ nhặt được một tấm biển gỗ trên đề "Điểm Kiểm tác thiên tử". "Điểm Kiểm" là một chức vụ tương đương chức tư lệnh quân đội trực thuộc hoàng gia, chức vụ này chỉ có người được nhà vua tin cậy đảm nhiệm. Sài Vinh thấy vậy trong lòng cảm thấy thấp thỏm không yên. Khi đoàn quân trên đường trở về, Sài Vinh đột nhiên lâm bệnh, nhà vua bèn ra lệnh cách chức Điểm Kiểm, đưa Triệu Khuông Dận lên thay thế.
Cùng năm, Chu Thế Tông- Sài Vinh qua đời, thái tử Sài Tông Huấn mới 7 tuổi lên nối ngôi.
Mùa xuân năm sau, dưới sự thao túng của Triệu Khuôn Dật cùng các tướng lĩnh, quan chức Trấn Châu và Định Châu đã báo bậy lên triều đình là, Bắc Hán đã liên hợp với nước Liêu đang tiến quân xuống miền nam để đánh nước Chu, mong triều đình hãy nhanh chóng điều quân cứu viện. Tể tướng Phạm Chất và Vương Bạc không nắm được tình hình, bèn cử Triệu Khuông Dận thống lĩnh quân tinh nhuệ trong cả nước đi chống cự.
Triệu Khuông Dận dẫn quân đến Trần Kiều Dịch thì dừng lại rồi phát động cuộc binh biến. Có một người thân tín nêu kiến nghị lập Triệu Khuông Dận lên làm vua, các tướng đều nhất trí đồng ý, sau đó cử người đến Khai Phong dặn hai viên tướng cấm quân ở kinh thành là Thạch Thủ Tín và Vương Thẩm Kỳ làm nội ứng.
Sáng hôm sau, Trần Kiều Dịch chợt nổi lên tiếng trống vang trời, tiếng reo dậy đất. Triệu Khuông Dận vừa tỉnh rượu vội bước ra khỏi trướng, thì thấy rất nhiều tướng lĩnh tay cầm khí giới đang đứng đợi ở bên ngoài, các tướng thấy Triệu Khuông Dận đều hô to lên rằng: "Chư tướng vô chủ, nguyện bầu Điểm Kiểm làm Thiên Tử". Sau đó, mọi người cùng rước Triệu Khuông Dận vào trong trướng, có người đã chuẩn bị sẵn hoàng bào khoác lên người Triệu Khuông Dận, các tướng đều đồng loạt quỳ xuống tung hô vạn tuế.
Trưởng thư ký Triệu Phổ là một người túc trí đa mưu, ông đã trình bày với mọi người đạo lý "Hưng vương dị tính, tuy vân thiên mệnh, thực hệ nhân tâm", tức muốn cuộc binh biến thành công thì phải hấp thu bài học lịch sử tàn sát đẫm máu trước đây, nên vỗ về quân thần Hậu Chu, giảm bớt trở ngại, giải quyết việc chuyển giao quyền lực bằng biện pháp hòa bình, ông yêu cầu họ phải quân kỷ nghiêm minh và ổn định lòng dân. Biện pháp này đều được các tướng lĩnh đồng tình và ủng hộ. Ít lâu sau, Triệu Khuông Dận dẫn quân vào kinh thành, phế truất vua Sài Tông Huấn, rồi ngồi lên bảo tọa Hoàng đế. |