Nghe Online
Đến cuối thời vua Đường Huyền Tông, nhằm kiểm soát và phòng ngự các dân tộc thiểu số ở các khu vực xung quanh, chức vụ Tiết Độ Sứ đã tăng đến 10 người, họ ngoài quản lý quân sự ra, còn kiêm nhiệm quản lý dân chính và tài chính.
Sau khi Lý Lâm Phố lên nắm quyền, hắn không những bài xích văn quan trong triều đình, mà các Tiết Độ Sứ ở miền biên thùy cũng bị liên lụy. Bấy giờ, trong các tướng lĩnh này có một số người Hồ, Lý Lâm Phố chủ trương trọng dụng người Hồ, với lý do là họ rất thiện chiến và đáng tin cậy, nên đã đề bạt một số người Hồ làm Tiết Độ Sứ.
An Lộc Sơn là một người ngang tàng, thông hiểu ngôn ngữ Lục Phiên, hắn từng là tướng quân trong cánh quân Bình Lư, nhưng vì vi phạm quân lệnh, đánh thua trận nên bị áp giải đến kinh sư. Tể tướng Trương Cửu Linh thoạt nhìn biết hắn sau này tất làm phản, đã thỉnh thị nhà vua trừ bỏ cho khỏi hậu hoạn. Nhưng Đường Huyền Tông lại cho rằng An Lộc Sơn là một nhân tài, nên không chịu nghe theo. Sau An Lộc Sơn dựa vào tài nịnh hót được thăng làm Tiết Độ Sứ - Bình Lư, chưa đầy ba năm lại kiêm nhiệm Tiết Độ Sứ - Phạm Dương.
An Lộc Sơn bề ngoài tỏ ra rất trung thành, nhưng bên trong lại rất xảo trá, hắn thường đem các loài thú quý hiếm tặng cho nhà vua và mua chuộc những người bên cạnh vua, đồng thời cử người ở lại kinh sư thu lượm tin tức.
Một hôm, vua Đường Huyền Tông chỉ vào bụng An Lộc Sơn nói đùa rằng: "Bụng to như thế này, bên trong đựng những gì vậy?". An Lộc Sơn chẳng hề do dự đáp rằng: "Chẳng có gì khác ngoài một trái tim trung thành". Về sau, An Lộc Sơn lại được nhà vua phong làm Quận Vương, và xây cho hắn một ngôi phủ đệ rất hoa lệ ở Tràng An. Sau khi dọn vào Vương Phủ, An Lộc Sơn hàng ngày hầu hạ nhà vua uống rượu vui chơi, Dương Quý Phi còn nhận An Lộc Sơn làm con nuôi, khiến hắn càng tự do ra vào nơi cung đình.
Cuối thời vua Đường Huyền Tông, tình hình triều chính mục nát, cấm quân suy yếu. Do nhà vua quá tin dùng tể tướng Lý Lâm Phố, chiều chuộng Dương Ngọc Hoàn và đại phong gia tộc Dương Thị, những người này ăn chơi xa xỉ, bại hoại kỷ cương, khiến các đại thần trong triều rất căm ghét nhưng không ai dám nói ra.. Năm 742 công nguyên, cả nước có hơn 570 nghìn quân, trong đó số quân đóng ở vùng biên giới chiếm tới 490 nghìn quân. Sau khi Lý Lâm Phố chết, Dương Quốc Trung anh họ của Dương Quý Phi lên kế nhiệm chức tể tướng.
Do bất hòa với Dương Quốc Trung, tháng 11 năm 775 công nguyên, An Lộc Sơn mượn danh nghĩa thảo phạt Dương Quốc Trung đã khởi binh tại Phạm Dương, các châu huyện ở vùng Hà Bắc đều bị tan rã, quân lính bỏ chạy hoặc ra đầu hàng, còn phần lớn đều bị giết chết. Quân phiến loạn hùng hổ tiến về Lạc Dương, 150 nghìn quân gồm bộ binh và kỵ binh xuất phát từ đồng bằng Hà Bắc, dọc đường đi bụi tung mù mịt, tiếng trống vang trời, vùng Trung Nguyên trong 100 năm nay không xảy ra chiến tranh, dân chúng mấy đời nay chưa hề nhìn thấy cảnh tượng chém giết. Các quan chức địa phương kẻ chạy trốn người xin đầu hàng. Phiến quân của An Lộc Sơn tiến thắng một mạch xuống miền nam.
Tin ở Phạm Dương nổi loạn truyền tới Tràng An, vua Đường Huyền Tông vẫn cho là lời đồn nhảm, về sau tin cấp báo cứ tới tấp truyền đến, nhà vua lúc này mới cuống cả lên, vội triệu tập các đại thần đến thương nghị. Các đại thần chưa ai từng trải qua cuộc biến loạn lớn như vậy, nên ai nấy đều sợ đến rụng rời chân tay. Đường Huyền Tông thấy vậy vội cử đại tướng Phong Thường Thanh đến Lạc Dương chiêu mộ 60 nghìn quân chặn đánh, do những binh sĩ này chưa trải qua huấn luyện chính quy, nên đã nhanh chóng bị tiêu diệt, Lạc Dương bị thất thủ.
Tháng giêng năm sau, An Lộc Sơn xưng Đại Yến Hoàng Đế tại Lạc Dương, đến tháng 6 đã đánh bại quân Đường tại Đồng Quan rồi tiến thẳng về Tràng An, Đường Huyền Tông thấy nguy cấp liền bỏ chạy xuống miền nam. Về sau, trong nội bộ quân phiến loại xảy ra lục đục, An Lộc Sơn bị con trai là An Khánh Tế giết chết, quân Đường đã nhân cơ hội này phản công chiếm lại được Tràng An và Lạc Dương. Ít lâu sau, bộ tướng của An Lộc Sơn là Sử Tư Minh đã giết chết An Khánh Tế và đánh chiếm lại Lạc Dương, cũng xưng là Đại Yến Hoàng Đế, nhưng sau đó cũng bị con trai là Sử Triều Nghĩa giết chết. Cuộc phiến loại kéo dài trong suốt 8 năm trời này được lịch sử gọi là "An Sử chi loạn", và cũng là bước ngoặt khiến triều nhà Đường từ hưng thịnh đến suy thoái. |