Nghe Online
Sùng bái tô-tem là một hiện tượng văn hóa xa xưa trong lịch sử loài người, việc sùng bái tô-tem của rất nhiều dân tộc thiểu số Trung Quốc đều có lịch sử lâu đời. Người Lô-lô dân tộc Di tập trung sinh sống ở huyện Song Bạc châu Sở Hùng tỉnh Vân Nam miền tây nam Trung Quốc vẫn giữ nghi lễ và điệu múa truyền thống sùng bái tô-tem hổ vừa nguyên thủy vừa hoàn chỉnh.
Trong văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số như dân tộc Di, dân tộc Ha-ni, dân tộc Na-si, dân tộc Thổ Gia, dân tộc Cảnh-pha tỉnh Vân Nam Trung Quốc, tồn tại tín ngưỡng sùng bái tô-tem hổ nồng đậm, trong đó, sùng bái hổ của dân tộc Di huyện Song Bạc tỉnh Vân Nam là đặc sắc nhất. Điệu múa truyền thống dân tộc Di của huyện Song Bạc như "khèn hổ", "khèn chiêng", "khèn báo nhỏ" được coi là "báu vật" nghi lễ truyền thống dân tộc Di và "hóa thạch sống" của văn hóa hổ dân tộc Di.
"Khèn hổ", "khèn báo nhỏ" và "khèn chiêng" là ba loại múa nguyên thủy, gọi tắt là "văn hóa ba khèn", "khèn" là nhạc cụ độc đáo của tỉnh Vân Nam. Phó phòng nghiên cứu văn hóa dân tộc Di châu Sở Hùng, Giám đốc phân viện Sở Hùng Viện Khoa học xã hội tỉnh Vân Nam Tiêu Huệ Hoa nói, "khèn" là hình thức nghệ thuật vừa diễn tấu vừa múa, ông nói:
"Múa khèn là một điệu múa của dân tộc Di, điệu múa nhảy bằng chân, khèn chiêng tức là vừa đánh chiêng vừa nhảy, khèn con hổ tức là mô phỏng động tác của con hổ, khèn báo nhỏ tức là mô phỏng động tác của con báo nhỏ."
Trong "Văn hóa ba khèn", điệu múa nổi tiếng nhất, thể hiện sự sùng bái của dân tộc Di đối với con hổ là "khèn hổ. "Khèn hổ" là một điệu múa nguyên thủy của người Lô-lô dân tộc Di huyện Song Bạc, từ mùng 8 đến ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, người Lô-lô đều muá "khèn hổ". Trong "Lễ hội ông hổ" trọng thể, trang nghiêm, thiêng liêng diễn ra trong ngày tết truyền thống còn được gọi là "Lễ hội thần hổ" hoặc "Múa hổ".
Người địa phương tự xưng mình là "lô-lô", họ cho rằng tổ tiên chung của người Lô-lô là con hổ. Từ sự hình thành vũ trụ, vạn vật trên thế gian, thậm chí núi non, sông ngòi, cây cối, trái đất đều do hổ khai lập. Một trong những hoạt động quan trọng trong ngày tết hàng năm là phải chọn người trong làng mô phỏng động tác của con hổ, Phó Giám đốc Phân viện Sở Hùng Viện Khoa học Xã hội tỉnh Vân Nam Tiêu Huệ Hoa cho biết:
"Thờ cúng hổ xong người nhảy điệu múa hổ hàng năm đều phải là người khác nhau, người được chọn nhảy điệu múa con hổ phải là trai tráng, người nào được chọn múa thì đó là một niềm vinh dự lớn."
Đội múa "khèn hổ" gồm 8 thanh niên trai tráng, sắm vai 8 con hổ, trong đó 7 người khoác "da hổ" làm bằng chăn, vẽ hoa văn hổ bằng màu đỏ, trắng, vàng trên mặt, trên canh tay và bắp chân, sắm vai ông hổ; một người còn lại làm đầu hổ, hóa trang khác với những con hổ khác; Ngoài ra còn có 2 người khác khoác chăn da, đội nón đóng "thần núi", 2 người mặc áo đen, vẽ hoa văn mèo trên mặt đóng "con mèo"; 4 người đánh trống mặc áo đen đánh trống da cừu và 1 người đánh chiêng, như vậy là 17 người hợp thành đội múa "khèn hổ".
Trong hàng loạt hoạt động tế lễ, đội múa "khèn hổ" liên tiếp lặp đi lặp lại hàng loạt điệu múa phản ánh hoạt động sản xuất và sinh hoạt của tổ tiên nguyên thủy dân tộc Di như: hổ mở cửa, hổ vào núi, hổ tìm bạn, hổ tìm thức ăn, hổ xoa chân, hổ co chân, hổ vẫy đuôi vv. Đội múa này thường biểu diễn từ mùng 7 tháng giêng đến ngày rằm tháng giêng hàng năm.
Hoạt động trọng thể nhất thường tổ chức vào chập tối mùng 8 tháng giêng: trên bãi nhảy có đốt lửa trại, người đánh trống sử dụng trống da cừu, 4 người sắm vai hổ chờ sẵn ở bốn góc bãi nhảy, người đóng đầu hổ tay giương ống tre, lắc hồ lô bước ra sân khấu, miệng kêu trong hồ lô có thuốc trừ ma quỷ, rồi gọi lớn "Hổ", những "con hổ" ở xung quanh bước vào sân khấu trong nhịp trống của người đánh trống, những "thần núi", "mèo" và người đánh chiêng lần lượt bước ra sân khấu, đội múa bắt đầu múa điệu múa hổ theo nhịp trống, từ chậm đến nhanh, từ nhẹ đến mạnh, cho đến khi cuồng nhiệt, lúc đó điệu múa hổ đã lên đến cao trào, uy lực của hổ được thể hiện trong điệu múa một cách rõ nét.
"'Khèn hổ' là điệu múa thờ cúng thần hổ bằng văn hoá hổ, tô-tem hổ của dân tộc Di để cầu mong con cháu hổ hưng thịnh, bình an. Bắt đầu múa từ mùng 7 tháng giêng, đến ngày rằm tháng giêng, đây là thể hiện cụ thể của quan niệm vũ trụ hổ, tô-tem hổ của dân tộc Di."
"Khèn hổ", "khèn báo nhỏ" và "khèn chiêng" thuộc ba thể loại múa khác nhau, nhưng đều là nghệ thuật dân gian tập trung hình thức "ca, múa, nhạc", đều thể hiện nổi bật sự sùng bái tô-tem hổ của dân tộc Di huyện Song Bạc, là chỗ dựa tinh thần và hướng tới cuộc sống tốt đẹp của dân tộc Di. Ông Tiêu Huệ Hoa nói:
"Trở lại cội nguồn của tất cả nghi lễ, văn hóa nguyên thủy đều là cầu mong mưa thuận gió hòa, con cháu thành đàn, mùa màng bội thu, đây là một triết học quan rất mộc mạc của người nguyên thủy." |