Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Lý Lâm Phố khẩu mật tâm xà
   2009-06-08 15:24:40    cri

Nghe Online

Lý Lâm Phố nguyên làm Lại bộ thị lang, hắn là một người xảo quyệt, khéo mua chuộc và lôi kéo các hoạn quan và phi thiếp, nên nắm được mọi sở thích của nhà vua rồi tìm cách bợ đỡ, khiến vua Đường Huyền Tông rất hài lòng. Bấy giờ, trong triều có ba tể tướng, Trương Cửu Linh là một nhà thơ tầm cỡ và là đại học sĩ nổi tiếng triều nhà Đường; Thị trung Bùi Diệu Khanh cũng là một trọng thần trong triều đình, còn Lý Lâm Phố là người kiến thức nông cạn, bất học vô thuật, chỉ hơn người mỗi việc nịnh hót. Do đó, hắn rất ganh tị với hai người này. Trương Cửu Linh và Bùi Diệu Khanh đều là người hiền lành tốt bụng, nên Lý Lâm Phố càng không coi họ vào đâu. Bấy giờ vua Đường Huyền Tông tại vị đã lâu, mỗi khi bàn việc nước là hai người đều biện giải đâu ra đấy, có lý có lẽ, riêng Lý Lâm Phố một mặt tâng bốc phụ họa theo, mặt khác lại tìm cách phá đám, để bài xích hai vị tể tướng này.

Năm Khai Nguyên thứ 24?Tức năm 736 công nguyên?, khi Đường Huyền Tông tuần du Lạc Dương xong đang chuẩn bị trở về Tràng An. Trương Cửu Linh và Bùi Diệu Khanh đều cho rằng lúc này đang là mùa nông bận, việc đưa đón dọc đường sẽ tăng thêm gánh nặng cho nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất, nên đều khuyên nhà vua đến mùa đông mới lên đường trở về kinh sư, Lý Lâm Phố đứng bên nheo mắt nói rằng: "Tràng An và Lạc Dương có thể coi là đông cung và tây cung của hoàng gia, hoàng thượng muốn ngự giá đi đâu chẳng lẽ nào lại còn phải chờ thời cơ ư ? Nếu lo ảnh hưởng đến việc nông, thì hãy ban lệnh miễn thuế cho tất cả những nơi ta đi qua là được chứ gì ". Đường Huyền Tông nghe xong rất phấn khởi, liền hạ lệnh lên đường. Cú gãi ngứa lần này của Lý Lâm Phố thật là khéo léo và thật đúng lúc đúng chỗ.

Lý Lâm Phố là người đã tiến cử Tiêu Mân làm Hộ bộ thị lang, vị này cũng là phường bất học vô thuật, dốt đặc cán mai. Một hôm, khi Tiêu Mân cùng đi khánh điếu với Trung thư thị lang Nghiêm Đình Chi, hắn đã đọc một câu trong Lễ Ký là "Chưng thưởng phục tích" thành ra "Chưng thưởng phục lạp". Nghiêm Đình Chi ngơ ngác cố ý như nghe không rõ vội hỏi lại, thì Tiêu Mân vẫn đọc lại như cũ, Nghiêm Đình Chi chỉ lắc đầu mới đến phàn nàn với Trương Cửu Linh rằng: "Trong triều làm sao lại nảy ra một nhân vật "Phục lạp thị lang" thế này". Sau đó, Trương Cửu Linh với lý do "Bất học vô thuật" đã tiến hành luận tội Tiêu Mân, khiến hắn bị điều xuống làm Thứ sử Kỳ Châu. Lý Lâm Phố vô cùng căm tức, hắn ngấm ngầm tìm cách bức hại Nghiêm Đình Chi. Người vợ trước của Nghiêm Đình Chi sau khi ly hôn đã tái giá với Thứ sử Úy Châu Vương Nguyên Viêm, người này vì phạm tội tham nhũng hiện đang bị giam trong nhà lao, Nghiêm Đình Chi đã từng chạy chọt để giải cứu hắn. Lý Lâm Phố bèn nhân việc này sai người dâng sớ kiện lên Đường Huyền Tông, vu cáo Nghiêm Đình Chi là người che chở cho Vương Nguyên Viêm, thì cũng phải bắt vào tù như Vương Nguyên Viêm. Trương Cửu Linh biết việc này liền vội vàng đến tâu với nhà vua rằng: "Đây có thể do nhầm lẫn, hai việc này thật khác xa nhau, chứ Nghiêm Đình Chi làm gì có chuyện dính líu tới vụ tham nhũng của Vương Nguyên Viêm". Đường Huyền Tông cười nói rằng: "Khanh không biết đấy thôi, tuy nói xa mà vẫn có dính líu với nhau đó". Nghiêm Đình Chi nghe xong, không biết vì quá lo lắng hay vì giận dữ mà mặt tái nhợt, ông không nói được gì hơn, đành quay ra ủy thác Bùi Diệu Khanh tìm cách cứu giúp Nghiêm Đình Chi. Lý Lâm Phố lại nhân đà này tố cáo Bùi Diệu Khanh và Trương Cửu Linh đều là đồng đảng của Nghiêm Đình Chi. Do Đường Huyền Tông vốn có thành kiến đối với Trương Cửu Linh, bèn lập tức ban chiếu bãi miễn chức vụ tri chính sự của ông và Bùi Diệu Khanh, còn Nghiêm Đình Chi thì bị điều xuống làm Thứ sử Lạc Châu.

Trong 19 năm làm tể tướng, Lý Lâm Phố luôn luôn được vua Đường Huyền Tông rất tin cậy, trong triều ai nấy đều sợ hắn và không ai dám tâu kiện gì nữa.